Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10. Đáng chú ý, mức điểm tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 vẫn tiếp tục có sự chệnh lệch lớn giữa các trường thuộc trung tâm và ngoại thành.
Xoay xở tìm trường cho con
Kỳ thi vào lớp 10 ở các địa phương, nhất là ở các thành phố lớn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các gia đình có con em dự thi, đặc biệt năm nay số lượng thí sinh cao hơn nhiều so với mọi năm.
Mấy ngày nay, sau khi Sở GDĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập, nhiều gia đình có con không đủ điểm đỗ tất cả các nguyện vọng vào trường công đã mất ăn, mất ngủ tìm cách xoay xở đủ đường để tìm trường cho con.
Hình ảnh phụ huynh chầu chực trước cổng trường, vạ vật thức trắng đêm để đăng ký cho con vào lớp 10 tại một số trường tư thục ở Hà Nội đang là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Con gái anh Nguyễn Văn Minh (quận Ba Đình, Hà Nội) có điểm vào lớp 10 là 39,5 điểm. Mức điểm trung bình mỗi môn gần 8 điểm nhưng con gái anh vẫn trượt cả 2 nguyện vọng vào trường công lập.
Cụ thể, nguyện vọng 1 là Trường THPT Phan Đình Phùng có điểm chuẩn trúng tuyển là 42,75 điểm và nguyện vọng 2 vào Trường THPT Nguyễn Trãi – Ba Đình với điểm chuẩn trúng tuyển 39,75 điểm.
Ngay sau khi con không trúng tuyển cả 2 nguyện vọng, vợ chồng anh Minh tìm nhiều hướng để chọn trường tư thục tốt nhất cho con. Ban đầu, anh Minh quyết định nộp hồ sơ cho con vào Trường THPT Hoàng Cầu. Tuy nhiên, sau 1 đêm vất vả xếp hàng đăng ký cho con, vợ chồng anh Minh đổi hướng cho con nhập học vào Trường THPT Hoàng Long.
“Nhà trường thông báo điểm chuẩn là 37 điểm nhưng khi thấy phụ huynh xếp hàng trắng đêm thì đến tầm 9h sáng hôm sau nhà trường đã thông báo điểm chuẩn đợt 2 là 38 điểm. Điểm chuẩn lên xuống bất ngờ nên tôi quyết định nhập học trường khác cho con để con chắc chắn cơ hội trúng tuyển”, anh Minh nói.
Trước băn khoăn về tình trạng phụ huynh xếp hàng xuyên đêm, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, hiện nay, TP Hà Nội không thiếu chỗ học. Việc thiếu chỗ học chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa bàn đông dân cư, nhất là ở các quận. Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để giải quyết những bất cập này.
Băn khoăn chất lượng giáo dục
Trong khi nhiều phụ huynh phải chạy ngược xuôi tìm trường vì con được 8 điểm/môn vẫn trượt hết nguyện vọng thì cũng có nhiều trường, mức điểm chuẩn vào lớp 10 rất thấp, chỉ 17-24 điểm. Học sinh chỉ hơn 3 điểm/môn vẫn trúng tuyển lớp 10 công lập.
Cụ thể, Trường THPT Bất Bạt, Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì), Trường THPT Bắc Lương Sơn (huyện Thạch Thất), Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa) chỉ lấy 17 điểm. Như vậy, chênh lệch giữa trường có điểm chuẩn cao nhất và thấp nhất lên đến 27,5 điểm.
Không riêng Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng tồn tại tình trạng tương tự. Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cũng vừa công bố điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập.
Theo đó, điểm chuẩn vào lớp 10 của 108 trường THPT công lập năm học 2023 - 2024 ở TP Hồ Chí Minh đa số đều tăng so với năm học trước. Song bên cạnh một số trường có điểm chuẩn cao chót vót, TP Hồ Chí Minh có tới hơn 30 trường có điểm chuẩn dưới 15 điểm, trong đó có nhiều trường điểm chuẩn vào lớp 10 là 10,5 điểm, tức là thí sinh chỉ cần đạt hơn 3 điểm/môn.
Các trường lấy mức điểm này gồm: THPT Trung Lập, Đa Phước, An Nhơn Tây, Cần Thạnh, Bình Khánh, An Nghĩa, THCS&THPT Thạnh An. So với năm ngoái, điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường này không thay đổi.
Theo đại diện Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh, những trường có điểm chuẩn thấp do tỉ lệ chọi thấp với mức 1 - 1, thậm chí có nhiều trường còn dưới 1.
Theo các nhà giáo dục, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường THPT công lập của các tỉnh, thành phố là bởi sự không đồng đều trong điều kiện về cơ sở vật chất, môi trường học tập, chất lượng dạy học.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, tại mỗi địa phương, có sự chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường THPT ở khu vực nội thành và ngoại thành là điều đã diễn ra từ nhiều năm nay.
"Tuy nhiên, nếu mức chênh lệch điểm chuẩn quá lớn, điều này phản ánh một phần chất lượng dạy học ở vùng ấy chưa cao. Tỉnh đó phải đầu tư nhiều hơn cho giáo dục ở các vùng khó khăn. Ngoài cơ sở vật chất, quan trọng nhất là đầu tư về đội ngũ giáo viên. Có như vậy mới đảm bảo chất lượng giáo dục đồng đều" - TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia giáo dục Trần Mạnh Tùng – Giáo viên Toán (Hà Nội) cho rằng không nên so sánh điểm chuẩn trúng tuyển giữa các trường vùng ngoại thành với các trường nội thành mà nên hướng tới tính nhân văn.
Theo ông Tùng, nguyên nhân dẫn tới các trường vùng ngoài thành có điểm chuẩn thấp là do điều kiện sống, điều kiện học tập và điều kiện giáo viên dẫn tới chất lượng học tập ở địa bàn đó thấp. Thực tế này tồn tại không chỉ năm nay mà nhiều năm qua, điểm chuẩn của các trường này vẫn vậy. Dù kết quả đã được cải thiện theo hằng năm nhưng cũng không cải thiện nhiều.
“Chúng ta không nên so sánh tới sự bất cập, không công bằng mà nên cổ vũ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ở những địa bàn đấy để có thêm cách làm, cách dạy hay, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Tùng nêu quan điểm.
Sau khi hạ điểm chuẩn trúng tuyển cho 30 trường công lập, toàn TP Hà Nội có 78.623 học sinh được tuyển vào lớp 10 trường công lập, chiếm 60,9% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS. Tỷ lệ này cao hơn so với dự kiến đã công bố hồi tháng 3/2023 (55,7%).
Về giải pháp trong thời gian tới, theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, hiện nay, Sở GDĐT Hà Nội đã có dự báo số lượng học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS trong 3 năm học tới. Đây là căn cứ quan trọng để Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường tham mưu lãnh đạo thành phố ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường ở cấp trung học phổ thông nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô.
Về quy mô trường THPT công lập so với năm học 2023-2024 (không tính trường công lập tự chủ và hiệp quản): năm học 2024-2025, dự kiến có 121 trường, tăng 2 trường; năm học 2025-2026, dự kiến có 123 trường, tăng 4 trường; năm học 2026-2027, có 125 trường, tăng 6 trường.