Hơn 400 giáo viên miền núi phía Bắc được bồi dưỡng chương trình mới

Minh Quang 17/10/2020 10:31

Từ ngày 16-18/10/2020, tại TP Thái Nguyên, Trường ĐHSP-ĐH Thái Nguyên tổ chức bồi dưỡng mô đun 2 cho 445 giáo viên (GV) phổ thông cốt cán 10 môn học của 8 tỉnh miền núi phía Bắc.

ĐHSP-ĐH Thái Nguyên là đơn vị đầu tiên trong 8 đơn vị tham gia Chương trình ETEP tổ chức bồi dưỡng mô đun 2 cho GV cốt cán.

Phát biểu khai mạc khoá bồi dưỡng, PGS TS. Mai Xuân Trường – Hiệu trưởng Trường ĐHSP – ĐH Thái Nguyên cho biết, tiếp nối mô đun 1 năm 2019 “Tìm hiểu về Chương trình GDPT mới”, lần này, các thầy cô được bồi dưỡng mô đun 2, được tìm hiểu các xu hướng hiện đại về phương pháp dạy học, giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; Phân tích những vấn đề chung về phương pháp kỹ thuật dạy học và giáo dục để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Sự khác nhau giữa dạy học phát triển năng lực HS với dạy học truyền thụ kiến thức như thế nào. Trên cơ sở lý thuyết được tiếp cận, các thầy cô sẽ lựa chọn, sử dụng các phương pháp kỹ thuật dạy học phù hợp nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh trên cơ sở những môn học mà mình phụ trách. Từ đó, các thầy cô sẽ xây dựng/thực hành kế hoạch dạy học, đồng thời xây dựng kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp.

PGS TS. Mai Xuân Trường nhấn mạnh, sau khi hoàn thành khoá bồi dưỡng, hoàn thành các khảo sát cuối khoá, được cấp chứng nhận, các thầy cô cốt cán có trách nhiệm hỗ trợ đội ngũ GV đại trà theo môn học tại địa phương mình.Thông qua Chương trình ETEP, các thầy cô được bồi dưỡng thường xuyên, liên tục tại công việc, năng lực nghề nghiệp được nâng lên để đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục và đào tạo, trước mắt thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018.

TS Đặng Văn Huấn, PGĐ Chương trình ETEP thông tin, để chuẩn bị cho khoá bồi dưỡng, Bộ GDĐT, các trường ĐHSP chủ chốt, Chương trình ETEP vừa rồi đã tập trung phát triển và hoàn thiện tài liệu các mô đun bồi dưỡng có chất lượng với sự tham gia của các Cục/Vụ thuộc Bộ GDĐT, các chuyên gia trong nước và quốc tế; Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) thiết lập Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến LMS, tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô học trực tuyến, tiếp cận tài liệu, phục vụ cho việc phát triển nghề nghiệp thường xuyên, liên tục tại nhà trường. Các thầy cô được bồi dưỡng theo một phương thức hoàn toàn mới so với trước kia, kết hợp trực tuyến, trực tiếp có sự hỗ trợ của CNTT và đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường ĐHSP tham gia ETEP.

TS Đặng Văn Huấn cho rằng, chính sự tham gia tích cực, tâm huyết, đầy trách nhiệm của các thầy cô trong khoá bồi dưỡng này, cũng như công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng của các trường ĐHSP phối hợp chặt chẽ với các Sở GD&ĐT địa phương là yếu tố quan trọng để tập huấn hiệu quả, đạt chất lượng tốt.

Thảo luận nhóm, làm bài tập là hoạt động được các thầy cô tham gia nhiệt tình.

Trước đó, toàn bộ các thầy cô đã tìm hiểu mô đun 2 trên hệ thống trực tuyến LMS. Mô đun 2 “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT” gồm 3 nội dung: (i) Các xu hướng hiện đại về phương pháp, kĩ thuật dạy học và giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT; (ii) Lựa chọn, sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo môn học/hoạt động giáo dục trong Chương trình GDPT 2018; (iii) Lựa chọn, xây dựng các chiến lược dạy học, giáo dục hiệu quả phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học/THCS/THPT.

Các thầy cô cốt cán làm việc nhóm tại khoa bồi dưỡng tập trung 3 ngày.

Được biết, năm 2019, sau khi được bồi dưỡng mô đun 1, hơn 90% thầy cô giáo cốt cán đánh giá cao tài liệu, phương pháp của giảng viên.

ĐHSP-ĐH Thái Nguyên có nhiệm vụ bồi dưỡng 3241 GV phổ thông cốt cán và hỗ trợ 72.000 GVPT đại trà của 8 tỉnh miền núi phía Bắc, gồm Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hoà Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện biên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hơn 400 giáo viên miền núi phía Bắc được bồi dưỡng chương trình mới