Sau hơn 30 năm triển khai ghép tạng, Việt Nam đã ghép được đầy đủ tạng mà thế giới đã ghép được. Tuy nhiên, nguồn hiến tạng từ người cho chết não còn rất thấp.
Tính đến thời điểm hiện tại, về mặt kỹ thuật Việt Nam đang dần “san bằng” được cách biệt so với thế giới với hơn 8.000 ca ghép mô, bộ phận cơ thể người được thực hiện thành công từ đó tới nay. Trong đó, có những ca ghép tim xuyên Việt ở độ khó cực cao hay những ca ghép đa tạng đã được thực hiện thành công, người bệnh có thời gian sống sau điều trị ngang bằng cùng các trung tâm hàng đầu thế giới.
Mặc dù vậy, nguồn mô, tạng hiến tặng tại Việt Nam, đặc biệt là từ người hiến đã chết hoặc chết não còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, tạng ngày càng tăng từ bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo. Tỷ lệ đăng ký hiến tạng của người dân và tỷ lệ hiến tạng sau chết của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về bộ phận cơ thể người phân tích: Ở các nước phát triển, tỷ lệ hiến và ghép tạng, ghép mô từ người chết não là rất cao, từ 50 - 60%, thậm chí là hơn 90%. Thế nhưng, tại Việt Nam với dân số khoảng 100 triệu dân, 14 năm qua, chỉ có 154 trường hợp hiến tạng, trung bình mỗi năm khoảng 10 - 11 người chết não hiến tạng, trong khi một quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan chỉ trong 1 năm đã có hơn 200 người chết não hiến tạng và họ chỉ có 60 triệu dân. Nguồn tạng hiến để ghép vẫn chủ yếu từ người cho sống - khoảng 95%.
Lý giải về tầm quan trọng của tỷ lệ đăng ký hiến tạng từ người đã chết hoặc chết não, ông Hệ dẫn chứng: Thực tế dù đã bắt đầu thực hiện ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1992, nhưng chỉ sau năm 2010, khi chúng ta bắt đầu ghép tạng từ người cho chết não, số lượng ghép mới tăng lên. Năm 2023, số ca ghép tạng tăng gấp 4 lần so với cách đây 10 năm. Tại nhiều bệnh viện hiện nay, rất nhiều bệnh nhân chờ ghép tạng như tim, phổi nhưng người bệnh qua đời trong sự tiếc nuối, chúng ta không thể làm gì hơn vì không có tạng.
Được biết, hiện nhu cầu người chờ ghép mô, tạng ngày càng tăng, ước tính cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...
Nguyên nhân của tình trạng khan hiếm nguồn tạng hiến nói trên, theo các chuyên gia, là do nhận thức, quan niệm của người dân, vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tạng. Bên cạnh đó, tầm quan trọng của việc triển khai mạng lưới bệnh viện hiến tạng và các tư vấn viên vận động hiến tạng cần được nâng cao hơn nữa.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng: Ghép tạng tại Việt Nam phát triển đặc biệt trong 2 năm trở lại đây. Chúng ta cần phát triển nguồn hiến tạng từ người cho chết não, thành lập các tổ tư vấn cho gia đình, phát triển nguồn tạng hiến từ địa phương, từ đó có nguồn mô tạng để cứu sống người bệnh. Mô hình xây dựng mạng lưới bệnh viện vận động hiến tặng mô, tạng hết sức phù hợp với điều kiện Việt Nam, cần phải nhân rộng mô hình này.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, một trong những điều quan trọng để phát triển mạng lưới bệnh viện là cần chính sách cho hoạt động vận động hiến mô tạng. Lãnh đạo các bệnh viện cần tạo điều kiện, hỗ trợ các tư vấn viên hoạt động. Đây là điều quan trọng và cần thiết để thúc đẩy nguồn hiến mô, tạng trong thời gian tới.
Đầu tháng 4/2024, tại Bệnh viện E, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho Thạc sĩ, nữ hộ sinh Lộ Thị Thùy Linh hiến đa tạng hồi sinh sự sống cho 4 người.
Chị Linh có nhiều năm công tác tại Khoa Phụ sản (Bệnh viện E). Do mắc bệnh hiểm nghèo, chị đột ngột ngừng tim, được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Mặc dù các bác sĩ cứu chữa tích cực và tim đã đập trở lại, nhưng bệnh nhân trong tình trạng chết não. Sau 3 lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, tổ tư vấn tiếp cận gia đình đề xuất hiến tạng của con gái.
Từ tạng hiến của nữ bệnh nhân đã hồi sinh sự sống cho 4 người. Hiện tại, hai bệnh nhân ghép thận và một bệnh nhân ghép tim đã được ra viện.
Xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của nhân viên y tế Bệnh viện E, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan gửi lời tri ân sâu sắc đến gia đình nữ hộ sinh Lộ Thị Thùy Linh.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, đây là một gương điển hình lan tỏa trong xã hội về những tấm lòng cao đẹp, là những hình ảnh đẹp thể hiện sự chia sẻ cao quý thân thể của mình để cứu sống người khác. Việc cho, hiến tạng để cứu sống người khác là hành động cao đẹp nhất của tấm lòng từ thiện vì người khác. Bộ Y tế đánh giá cao sự hy sinh và công hiến của người điều dưỡng và truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho chị Linh.
Đồng thời, bà Lan cũng kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế; các tầng lớp, giới chức xã hội, các tổ chức, cá nhân trong cả nước hãy hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để giúp cứu chữa tận cùng những bệnh nhân suy mô, tạng đang mỏi mòn chờ được trao tặng sự sống.