Chính phủ đã và đang có nhiều động thái cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ rào cản, giảm thiểu các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Thời gian qua, môi trường kinh doanh đã được cải thiện ra sao, cộng đồng doanh nghiệp còn những khó khăn, vướng mắc gì cần được giải tỏa? Các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp sẽ cùng chia sẻ về vấn đề này.
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
Doanh nghiệp bớt khổ vì thủ tục kiểm tra chuyên ngành được giảm thiểu
Có thể khẳng định, những động thái của Chính phủ thời gian qua đã làm cho môi trường kinh doanh sáng lên so với trước rất nhiều. Riêng về lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, trong vài năm gần đây, số mặt hàng phải kiểm tra đã giảm khoảng 4.000 mặt hàng (từ hơn 82.000 xuống còn trên 78.000). Tuy vậy, việc cắt giảm đôi lúc chỉ với nhóm có số lượng mặt hàng ít. Còn lại, nhóm có lượng mặt hàng lớn hầu như chưa được điều chỉnh nhiều. Có điều đáng nói là, tình trạng trùng lặp vẫn diễn ra. Việc một mặt hàng chịu hai đến ba Bộ kiểm tra vẫn còn phổ biến. Hoặc, có tình trạng, một mặt hàng bị hai đến ba cục trong cùng một bộ kiểm tra. Tôi cho rằng, nếu vẫn còn tình trạng này thì cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn khó có thể yên tâm hoạt động, vì những rắc rối về thủ tục, rườm rà về thời gian…
Ngoài ra hiện nay còn khoảng 350 văn bản quy định về kiểm tra chuyên ngành. Khi yêu cầu các Bộ sửa thông tư liên quan thì các bộ nói rằng không sửa được vì đó là quy định trong luật thế nhưng họ lại không kiến nghị sửa luật. Theo tôi, vấn đề này cần được nhìn một cách tổng thể hơn, không chỉ dừng lại ở rà soát như bấy lâu nay mà cần phải sửa ngay từ luật. Tuy nhiên, trước mắt, khi chưa sửa được luật nhà quản lý cần lưu ý điến một số thông tư đang là rào cản lớn với DN hiện nay như thông tư về kiểm dịch động vật, thực vật… những cái nào gây khó quá cho DN rất cần xem xét sửa đổi ngay.
Thời gian gần đây nhiều người nói về cơ chế kết nối 1 cửa quốc gia, nhưng theo tôi đánh giá thì nhiều Bộ kết nối chỉ mang dấu ấn hình thức chứ chưa thực chất. Tôi cho rằng, cần giám sát nhiều hơn, đẩy nhanh hơn kết nối vì càng làm sớm bao nhiêu, DN càng nhẹ gánh bấy nhiêu, như vậy sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng DN.
Ông Lưu Bích Hồ - Chuyên gia kinh tế:
DN cần phải hoàn thiện chính mình
Tôi nghĩ chúng ta cần làm rõ hơn những khái niệm cơ bản, quan trọng về cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh nói chung của đất nước bao gồm cả năng lực cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh ngành, doanh nghiệp, sản phẩm. Đó là điều có ý nghĩa sống còn của DN, lẽ sống của DN khi đi theo phát triển kinh tế thị trường.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh là cách thức các nước tạo điều kiện tốt nhất về phát triển kinh tế, xã hội môi trường để phát triển kinh tế.
Diễn đàn Kinh tế thế giới khi đánh giá năng lực cạnh tranh xét trên những yếu tố và những tiêu chí thể hiện ở 12 trụ cột: Thể chế; cơ sở hạ tầng; môi trường kinh tế vĩ mô; y tế và giáo dục phổ thông, giáo dục và đào tạo đại học; hiệu quả thị trường hàng hóa; hiệu quả thị trường lao động; phát triển thị trường tài chính; sẵn sàng về công nghệ; quy mô thị trường; mức độ tinh vi của các hoạt động kinh doanh; đổi mới sáng tạo.
Trong 12 trụ cột này thì không có trụ cột nào không có mối quan hệ giữa Nhà nước và DN. Đây là năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng trong từng yếu tố đều có DN trong đó. Nhà nước xây dựng thể chế nhưng DN thực hiện thể chế, đồng hành với thể chế như là một chủ thể để thực hiện thể chế đó. Do đó, những gì tạo ra sự cạnh tranh quốc gia, xuất phát nền tảng của nó chính là DN.
Trong khi đó nói đến tiêu chí cạnh tranh của DN lại được xác định ở nhiều góc độ. Chẳng hạn như tốc độ tăng trưởng của DN và doanh thu; lợi nhuận trên vốn; tỷ lệ hoàn vốn; năng suất lao động tính chung trong DN và của từng người lao động trong DN; tốc độ đổi mới công nghệ; giá thành sản phẩm; thị phần mà DN đó chiếm lĩnh được... Ngoài ra, cũng cần xem đến chất lượng của nguồn nhân lực tại DN; trình độ công nghệ và các hoạt động nghiên cứu và phát triển hay thương hiệu uy tín của DN. Ở trong từng DN, ở trong từng lĩnh vực một có từng tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể nhưng có mấy chục tiêu chí cộng lại thì mới ra tổng thể năng lực cạnh tranh.
Thời điểm này, nền kinh tế hội nhập sâu, và DN không thể đứng ngoài guồng quay của hội nhập. Do vậy theo tôi, trong bối cảnh này, mỗi DN cần phải tự hoàn thiện chính mình để có thể nâng sức cạnh tranh. Bằng cách nào? Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, DN cần nghiên cứu để nắm rõ: Trong cách tiếp cận sản xuất kinh doanh của mình đang đứng trước những vấn đề gì, vướng mắc ở đâu, đây là vấn đề đầu tiên mà DN cần phải làm.
Mỗi DN cần có cách tiếp cận khác, phải nhìn ra thị trường nước ngoài, nghiên cứu lại những vấn đề thị trường để xem chúng ta thiếu cái gì, yếu ở đâu, để từ đó có thể xác định được chiến lược của mình. Một DN muốn phát triển được thì chủ doanh nghiệp phải có chiến lược thật tốt. Điều đó là rất quan trọng, cần điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện mới, phải hướng vào những ngành có lợi thế, tránh sự đầu cơ, chụp giật, tư duy ngắn hạn nếu muốn phát triển một cách bền vững, dài hơi.
Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng để có thể phát triển bền vững, các DN cần phải cải cách phương thức quản trị của mình, quản trị của chúng ta hiện thua xa các nước. Cần tiến tới, kỹ năng quản trị của các nước, cần thể hiện vai trò của chủ doanh nghiệp. Hơn nữa doanh nghiệp cũng cần chú ý đến vấn đề thương hiệu. Uy tín và thương hiệu trong thời đại ngày nay rất quan trọng. Cuối cùng, doanh nghiệp phải học hỏi, luôn luôn làm mới mình, phải sáng tạo. Đã đến lúc mỗi DN cần phải tự mình vươn lên bằng tinh thần đó. Từng DN có cách đi khác nhau, không có cách nào chung cho tất cả các DN. Và DN có chiến lược tốt hay không, phát triển mạnh hay yếu tùy thuộc vào khả năng quản trị, sáng tạo của chính mỗi người chủ DN.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
DN Việt phải là đội ngũ đạt chuẩn quốc tế
Mặc dù các DN của Việt Nam phần lớn là nhỏ, vừa, thậm chí siêu nhỏ nhưng đứng trước yêu cầu phát triển bền vững, DN Việt Nam luôn giữ vai trò là người tiên phong. Chúng ta không sợ quy mô siêu nhỏ, cái mà mỗi DN cần phải “dè chừng” là yếu tố không đạt chuẩn. Không đạt chuẩn sẽ khó có thể kết nối được chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, cái mà các DN Việt Nam cần hướng tới chính là “đạt chuẩn”. Đạt chuẩn để hướng tới mô hình phát triển bền vững thì chúng ta sẽ kết nối được giá trị toàn cầu để phát triển. Nếu doanh nghiệp lớn mà không đạt chuẩn, không hướng tới mô hình phát triển bền vững, thì sẽ không cạnh tranh được.
Bởi vậy, tôi mong rằng, chúng ta sẽ có được những mô hình thành công về phát triển bền vững ở Việt Nam để có thể nhân rộng. Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam trở thành một trong bốn nền kinh tế có chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh hàng đầu ASEAN. Để đạt được mục tiêu này, cộng đồng DN Việt Nam không còn cách nào khác, phải hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chiến lược cạnh tranh của mình thông qua việc cải cách môi trường kinh doanh, vươn tới tiêu chuẩn quốc tế và tiếp cận được cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là các yêu cầu rất quan trọng để có thể đạt được mục tiêu nói trên.
Ông Leo Evers - Tổng Giám đốc điều hành HEINEKEN:
Rất cần những cuộc trao đổi giữa DN và nhà quản lý
Theo tôi, để phát triển bền vững, phải nâng cao năng lực cạnh tranh, từng cá nhân và tổ chức trong xã hội đều đóng vai trò quan trọng. Với Chính phủ, đó chính là vai trò dẫn dắt, khuyến khích và thúc đẩy cộng đồng và doanh nghiệp nâng cao ý thức và thực hành phát triển bền vững.
Gần đây, chúng tôi nhận thấy Chính phủ và các bộ ngành đã có những quyết định chính sách liên quan đến việc thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia và Liên hiệp quốc. Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) & Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) cũng đã và đang thực hiện xuất sắc vai trò cầu nối giữa Doanh nghiệp và Chính phủ cho các mục tiêu này với nhiều hoạt động truyền thông, đào tạo.
Để có thể khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng DN tốt nhất trong việc thực hiện các mục tiêu của Chính phủ, việc tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và nhà quản lý là rất quan trọng. Đây là dịp tốt để doanh nghiệp và Chính phủ, nhà quản lý cùng chia sẻ và lắng nghe những ý kiến đóng góp nhằm cải thiện những bất cập, tháo gỡ khó khăn cho mục tiêu phát triển chung của quốc gia. Về phía DN, tôi nghĩ nên có nhiều hơn nữa những điển hình phát triển bền vững được ghi nhận và chia sẻ rộng rãi để các DN có thể mạnh dạn theo đuổi con đường phát triển bền vững này. Những DN đã thực hiện thành công và hiệu quả chiến lược phát triển bền vững hãy chung tay cùng Chính phủ và các bộ, ngành lan tỏa những sáng kiến tốt, những câu chuyện điển hình về phát triển bền vững để thúc đẩy cộng đồng DN cùng thay đổi, vì sự thịnh vượng của quốc gia.