Hướng mở cho Long Thành

Việt Thắng 09/06/2017 08:05

Chiều ngày 8/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Vấn đề nhiều ĐBQH băn khoăn chính là hiện nay ngân sách mới bố trí được hơn 5 ngàn tỷ đồng để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành nhưng dự toán cần tới 23 ngàn tỷ đồng. Vậy nguồn tiền này lấy đâu ra?

ĐBQH Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: Quốc Anh).

Chậm trễ sẽ dẫn đến khiếu kiện

“Qua tiếp xúc cử tri thấy rằng, Dự án đã hơn 12 năm, bà con nơi đây rất khó khăn, không được hưởng quyền lợi chính đáng như quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể thế chấp để vay vốn sản xuất được”- ĐB Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) đưa ra dẫn chứng cho sự cấp thiết xuất phát từ đời sống người dân nơi đây.

Ông Thống cũng đưa ra cảnh báo về kinh phí: Nếu như năm 2015 khái toán trình Quốc hội khóa 13 mới 18 ngàn tỷ đồng nhưng nay áp giá theo năm 2017 là 23 ngàn tỷ đồng và chắc chắn không phải số cuối cùng. Nếu triển khai chậm thì đời sống người dân sẽ khó khăn trong đền bù giải tỏa chưa kể phức tạp trong việc tăng giá lên. Cho nên cần tách dự án thu hồi đất ra thành dự án thành phần để thực hiện song song. Do đó cần ban hành nghị quyết mới để triển khai thực hiện bởi theo quy định thu hồi đất, khi có quyết định đầu tư, đợi đến khi Thủ tướng phê duyệt mới thu hồi là chậm trễ nên việc đưa ra Quốc hội quyết là cần thiết.

Thu hồi 5 ngàn ha là rất lớn, nếu không tốt sẽ dẫn đến khiếu nại và trở thành điểm nóng. Cho nên cần sớm công bố áp giá đền bù, nếu chậm trễ sẽ dẫn đến khiếu nại, khi áp dụng thu hồi đất cần công khai minh bạch và giám sát thường xuyên. “Chính phủ cần có quy định chi tiết để yên tâm thu hồi tái định cư. Để không phát sinh khiếu nại đề nghị khi có nhiều khiếu nại Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai để giải quyết nhanh tránh để khiếu nại làm kéo dài”- ông Thống bày tỏ.

Đồng tình với sự cần thiết tách nội dung thu hồi bồi thường hỗ trợ định cư Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, bài toán khó khăn nhất hiện nay là chi phí cho việc giải phóng mặt bằng. Do đó cần tập trung chỉ đạo công khai minh bạch. Ngoài lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân tham nhũng, trục lợi thì phải có cam kết chấp nhận của người dân di dời để tránh hậu quả về sau người dân khiếu kiện, những lần đền bù sau phải căn cứ vào tình hình thực tiễn thị trường nhưng phải tuân thủ giá khung.

Đặt vấn đề: “Đơn giá đền bù như dự kiến với từng loại đất đã hợp lý và hợp lòng dân chưa? - ĐB Trần Ngọc Khánh (Khánh Hòa) cho rằng, số tiền đền bù như dự kiến chưa đủ để người dân mua miếng đất nơi khác với diện tích tương tự, chưa tính đến việc phải nộp các chi phí khác khi mua đất, làm giấy sử dụng đất. “Nên chăng tổ chức lấy ý kiến người dân về đơn giá đền bù trước khi tiến hành giải phóng mặt bằng để tạo sự đồng thuận cao, tránh phát sinh phức tạp ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án”- ông Khánh bày tỏ.

Giảm biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên là “có tiền ngay”

Trước việc nhiều ĐB băn khoăn lấy đâu ra 23 ngàn tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng có 2 giải pháp. Đó là Chính phủ xin Quốc hội cơ chế đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, tái định cư. Giải pháp thứ hai là tiết kiệm chi thường xuyên trên phạm vi cả nước. “Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, biên chế không giảm mà tăng lên làm tăng chi thường xuyên. Năm 2015 chi thường xuyên là 62,3%; năm 2016 là 63,7%; dự kiến đạt 64,9% trong năm 2017.

Như vậy chi thường xuyên năm 2016 tăng so với 2015 là 50 ngàn tỷ đồng, năm 2017 so với năm 2015 tăng thêm 114 ngàn tỷ đồng. Riêng trong năm 2017 nếu tiết kiệm được 1% chi thường xuyên thôi chúng ta sẽ có ngay trên 10 ngàn tỷ. Năm 2018 tiết kiệm thêm 1% nữa từ việc giảm đầu mối, biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị thì chúng ta sẽ có thêm 10 ngàn tỷ đồng nữa. Nghĩa là chỉ cần 2 năm là có trên 20 ngàn tỷ đồng đủ tiền để giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành” - ông Chính dẫn chứng đồng thời cho rằng muốn làm được việc này thì phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. “Chúng ta cứ băn khoăn 23 ngàn tỷ đồng lấy đâu ra nhưng nếu chính bản thân chúng ta chỉ cần thực hiện tốt theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, giảm biên chế, giảm đầu mối thì sẽ có nguồn vốn này”- ông Chính nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nói: “Chi phí khoảng 23 ngàn tỷ đồng, nhưng trong kế hoạch đầu tư trung hạn chỉ có 5 ngàn tỷ đồng. Nếu vốn mà không giải quyết được thì không biết Chính phủ giải quyết thế nào? Do đó cần xem xét các giải pháp tiết kiệm chi thường xuyên, đồng thời đẩy mạnh tinh giảm biên chế”. Trong khi đó, nói như lời ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đầu tư công của chúng ta hiện nay đang thất thoát 30%, nếu chúng ta chống thất thoát trong đầu tư công thì sẽ có tiền cho Dự án. Cho nên Chính phủ phải có quyết tâm.

Để thu hút nhà đầu tư thì phải giải phóng mặt bằng

Giải trình trước các vấn đề ĐBQH đặt ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa cho rằng, xây dựng sân bay Long Thành là bắt buộc vì việc xây dựng dự án nâng cấp để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 25 triệu khách hoàn toàn không khả thi. Việc xây dựng thêm nhà ga T4 với công suất 14-15 triệu khách nhưng đến năm 2020 thì đạt công suất trần. Vì vậy việc xây dựng sân bay Long Thành là phương án bắt buộc phải thực hiện.

Theo Bộ trưởng Nghĩa, nguồn vốn huy động từ nhiều nguồn như: ODA, xã hội, ngân sách, cổ phần hóa doanh nghiệp nhưng giải phóng mặt bằng chỉ có thể sử dụng ngân sách. Song song với đó là xây dựng đường sắt 43 km nối liền từ sân bay Tân Sơn Nhất - sân bay Long Thành.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, Dự án sân bay Long Thành được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Việc xây dựng nhà ga do tư nhân thực hiện không còn mới mẻ, như nhà ga T2 mới ở Đà Nẵng, Nha Trang đang xây dựng hay sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) toàn bộ là tư nhân. Vì vậy sân bay Long Thành sẽ theo hướng PPP. “Để đầu tư toàn bộ sân bay Long Thành bằng ngân sách là rất khó khăn, nhưng để thu hút nhà đầu tư chúng ta phải có sự chuẩn bị, cụ thể là thực hiện giải phóng mặt bằng. Cho nên thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai và sẽ có báo cáo, giải trình cụ thể hơn”- Bộ trưởng nói.

H.Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng mở cho Long Thành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO