Tư vấn hướng nghiệp là hoạt động quan trọng ở các trường phổ thông, nhằm giúp học sinh nâng cao hiểu biết về nghề, về chính bản thân mình, từ đó định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn nghề phù hợp. Trong công tác này, giáo viên đóng vai trò chủ đạo.
Coi tư vấn hướng nghiệp là nhiệm vụ
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo và bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục: Là giáo viên, ai cũng mong muốn gây dựng ra được một thế hệ những học trò không chỉ đóng góp cho nghề nghiệp của các bạn đó một cách phát triển trọn vẹn mà còn là những nhân cách đóng góp cho sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của đất nước.
Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của người giáo viên, đặc biệt giáo viên chủ nhiệm chính là làm thế nào để có thể định hướng cho học sinh lựa chọn được một nghề nghiệp phù hợp.
“Việc này đối với giáo viên là rất vất vả. Nhưng cũng đầy trách nhiệm của mỗi người giáo viên đối với thế hệ trẻ. Vậy thì hướng nghiệp như thế nào và hướng nghiệp ra sao để vừa đạt được mục tiêu là các bạn học sinh lựa chọn được trường, lựa chọn được ngành, và quan trọng nhất là các bạn hạnh phúc với lựa chọn đó? Đây quả là một việc khó.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, nếu mỗi một thầy cô chú tâm đến công việc này, coi công tác hướng nghiệp là một trong những nhiệm vụ của người giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm thì chúng ta sẽ có thêm thời gian, có thêm những tìm hiểu để công việc hướng nghiệp được thực hiện tốt hơn” - ông Hà nói.
Ông Hà cũng chia sẻ một vài bí quyết để giúp các giáo viên có thể dễ dàng ứng dụng vào công tác hướng nghiệp: Một nội dung đầu tiên trong tam giác hướng nghiệp chính là hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Một đỉnh khác là hoạt động tư vấn hướng nghiệp. Và một đỉnh nữa là hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp.
Mỗi người giáo viên cần thực hiện hai nhiệm vụ. Chúng ta sẽ giúp cho các học sinh nhận ra được, nắm bắt được những yêu cầu của thị trường lao động, những thông tin về các cơ sở đào tạo nghề, những nhu cầu khác nhau của xã hội đối với những lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau, cũng như là xu hướng phát triển nghề nghiệp khác nhau. Việc này là công việc mà giáo viên có thể thực hiện thường xuyên, lồng ghép được trong từng bài giảng, từng câu chuyện, trong hoạt động sinh hoạt lớp…
Đòi hỏi nhiều kỹ năng từ giáo viên
Ông Phạm Mạnh Hà nói thêm: Nhiệm vụ nữa mà các thầy cô có thể làm trong không gian nhà trường là công tác tư vấn hướng nghiệp. Trong tư vấn hướng nghiệp đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, yêu cầu khác nhau. Chúng ta phải đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh, từ đó so sánh với yêu cầu của nghề nghiệp, xem xem học sinh có sự tương thích giữa một bên là yêu cầu nghề nghiệp, một bên là những phẩm chất tâm lý, những phẩm chất về mặt cơ thể (chiều cao, cân nặng…), hay hoàn cảnh gia đình… Nếu có sự tương thích thì lúc đó chúng ta sẽ đưa ra được định hướng cho các học sinh một cách chính xác.
Sau khi đã tư vấn, định hướng xong thì giáo viên chủ nhiệm có thể cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm. Trong chương trình Giáo dục phổ thông mới đã có hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm hướng nghiệp. Đây là cơ hội rất tốt để các thầy cô giúp học sinh tham gia vào thị trường lao động sớm hơn, có thể qua các hội chợ, hay sinh hoạt ngoại khóa… Từ trải nghiệm này các bạn có thể rút ra rằng, mình có hợp với lĩnh vực nghề nghiệp đã được tư vấn không? Có hợp với con người mình hay không? Có phù hợp với những yêu cầu của thị trường lao động hay không? Và lúc đó, những đối chiếu sẽ giúp cho các học sinh đưa ra được quyết định đúng đắn một cách nhanh nhất.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, có một xu hướng các thầy cô thường tư vấn cho học sinh lựa chọn nghề dựa trên năng lực học tập. Và từ năng lực học tập định hướng cơ sở đào tạo nào thì phù hợp với các em. Ví dụ giáo viên thấy rằng, học sinh thiên về khối A thì tư vấn trường nào có tuyển khối A. Còn nếu em đó có năng lực khối D thì tư vấn những ngành, cơ sở đào tạo mà có khối D... Vô hình trung đã làm cho hoạt động tư vấn không được đảm bảo yếu tố khoa học. Bởi vì để thành công trong một lĩnh vực nghề nghiệp thì không chỉ đòi hỏi về năng lực tư duy, trí tuệ thông minh mà còn rất nhiều yếu tố về cá tính, khí chất, điều kiện gia đình…
Chúng ta cũng thường gắn cái nghề với một cơ sở đào tạo nào đó. Nhưng cơ sở đào tạo với thị trường lao động nó sẽ đi song hành với nhau. Chính vì như vậy nên mới dẫn tới câu chuyện “thừa thầy thiếu thợ”. Có nhiều ngành thì không có người học, còn có những ngành trở nên “hot” vì ai cũng nghĩ đến nó, lựa chọn nó, dẫn đến sau khi học xong 4 năm đại học, thậm chí thêm 2 năm thạc sĩ ra trường vẫn thất nghiệp…
Theo chuyên gia giáo dục, GS Phạm Tất Dong, một trong những mục đích chính của công tác hướng nghiệp (trong đó có tư vấn hướng nghiệp) là điều chỉnh ý hướng chọn nghề của thế hệ trẻ cho phù hợp với những yêu cầu phát triển của kinh tế. Nghề định chọn có nằm trong những nghề mà xã hội đang cần phát triển hay không? Trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hóa, cơ cấu kinh tế sẽ chuyển đổi theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong thu nhập quốc nội. Xu hướng chọn nghề của thanh thiếu niên phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một yêu cầu của hướng nghiệp.