Thời gian qua nhiều vở nhạc kịch của các nhà hát đã dần thoát khỏi quan niệm hàn lâm, khó thưởng thức. Theo đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết - Trưởng đoàn Ca kịch Nhà hát Tuổi trẻ, người làm nghề đang hướng đến sân khấu nhạc kịch bằng nhiều vở diễn thuần Việt để mang lại những điều mới lạ nhưng cũng rất quen nhằm hướng loại hình nghệ thuật này gần hơn với khán giả.
PV: Thưa đạo diễn, trước hết cần phân biệt nhạc kịch hàn lâm và nhạc kịch theo phong cách Broadway như thế nào?
Đạo diễn LÊ ÁNH TUYẾT: Nhạc kịch là loại hình nghệ thuật hàn lâm được biểu diễn ở sân khấu lớn và hát dòng nhạc thính phòng opera, đó là loại nhạc kịch phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên song song với đó có dòng sân khấu Broadway.
Nếu nói khái niệm Broadway và nhạc kịch thì hiện nay theo tôi tìm hiểu thì hai khái niệm này tương tự vì nó diễn tả nội tâm nhân vật, hoàn cảnh nhân vật, tính cách nhân vật và mạch câu chuyện được diễn tả bằng âm nhạc.
Hiện nay với nhạc kịch tại Việt Nam cũng được hình thành theo 2 dòng này, tức là theo xu hướng thế giới. Hiện những vở nhạc kịch của Nhà hát Tuổi trẻ đang làm thiên về hướng Broadway nhiều hơn, chúng tôi theo phong cách âm nhạc trẻ trung hơn, gần gũi hơn so với dòng nhạc thính phòng là opera.
Theo chị, để làm được một vở nhạc kịch theo phong cách Broadway thì cần những điều kiện gì?
- Điều kiện tiên quyết đặt ra để có một vở nhạc kịch là sự tổng hợp của tất cả các khâu, từng đầu mối trong vở nhạc kịch. Thí dụ đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo múa, diễn viên… đây là 4 yếu tố cấu thành quan trọng hình thành nên vở nhạc kịch. Và mỗi một đầu mối phải có đủ kiến thức diễn xuất, âm nhạc, vũ đạo rồi sau đó đến âm thanh, ánh sáng hỗ trợ, như vậy mới tạo nên vở nhạc kịch. Còn về kịch bản, chúng tôi phải chuyển thể từ kịch bản văn học sang kịch bản nhạc kịch. Ví dụ có những trường đoạn khi ở kịch bản sân khấu là lời thoại, nhưng chuyển sang nhạc kịch chúng tôi có thể đưa lời hát, âm nhạc, ngôn ngữ hình thể để diễn tả trường đoạn, kịch tính, tình huống đó.
Chị thấy cái khó của làm nhạc kịch là gì?
- Theo tôi, chọn diễn viên là khó khăn hàng đầu khi bắt tay vào làm nhạc kịch bởi trên thực tế chúng ta chưa có trường lớp đào tạo diễn viên chính quy. Nhạc kịch ngoài đòi hỏi một diễn viên phải hóa thân vào nhân vật một cách trơn tru và phải mang lại cảm xúc thực sự cho khán giả, thì người diễn viên ấy còn phải biết hát, biết nhảy múa, hình thể đẹp, như vậy mới có thể là một diễn viên nhạc kịch đúng chuẩn. Chính bởi thế chọn diễn viên cho nhạc kịch là điều vô cùng khó khăn, đây là việc vất vả nhất cho đạo diễn và diễn viên.
Ví dụ khi dàn dựng vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” chúng tôi đã mất khoảng 3 tháng trước đó để làm việc riêng với từng diễn viên, như với diễn viên Quang Trọng - gương mặt khá quen thuộc với công chúng. Trọng diễn trên sân khấu là nghề, nhưng với nhạc kịch phải hát là thử thách rất lớn. Tôi động viên Trọng thử, sau đó anh vừa luyện tập diễn xuất, vừa luyện hát, luyện hơi thở, và anh đã thành công. Tôi cho rằng đây là yêu cầu rất cần thiết với diễn viên, vì nhạc kịch đang dần trở thành nhu cầu thưởng thức của khán giả. Do đó rất cần có những lớp đào tạo diễn viên về loại hình nghệ thuật này.
Thực ra Nhà hát Tuổi trẻ đã chuẩn bị cho định hướng phát triển về nhạc kịch trong tương lai. Hiện chúng tôi đang đào tạo diễn viên qua các vở diễn, tuy nhiên trong tương lai chúng tôi phải đào tạo chuyên nghiệp từ lớp thiếu nhi để các em quen với việc vừa hát, vừa diễn xuất và nhảy múa. Từ đó chúng ta mới có đội ngũ kế tiếp tiến dần đến loại hình nhạc kịch chuyên nghiệp, hoàn thiện hơn.
Trên thế giới có nhiều vở nhạc kịch đã có “đời sống” hàng chục năm, chị có mơ ước điều đó với nhạc kịch ở Việt Nam, và ngay từ bây giờ chúng ta cần làm gì?
- Tôi rất mơ ước điều đó, tất nhiên là với Nhà hát Tuổi trẻ từng làm nhạc kịch từ rất lâu rồi, đối tượng khán giả hướng tới là thanh thiếu niên, cho nên việc làm thế nào để tiếp cận được với khán giả, truyền tải thông điệp, mang được tình yêu đối với sân khấu, nghệ thuật đến với khán giả của mình thì chúng tôi phải dần dần từng bước tìm hiểu và phân tích, định hướng dần.
Ví dụ chúng tôi đã từng đi xem vở nhạc kịch của sân khấu Nhà hát Shiki Nhật Bản và thấy những vở kịch kinh điển dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên rất hay. Những vở diễn ấy cũng đã sống hàng chục năm qua. Và chúng tôi tin rằng sẽ làm được với những bước đi, chuyển biến, đổi mới của Nhà hát Tuổi trẻ.
Hiện trên tính chất thuần Việt của nhạc kịch đang là vấn đề được đặt ra nhằm làm mới sân khấu. Theo chị, sự thuần Việt có nên được nhìn nhận như hướng đi mới của nhạc kịch?
- Nói về nhạc kịch thuần Việt chúng tôi đang theo đuổi thì đó chính là việc làm thế nào để mang những điều mới nhưng cũng rất quen đến với khán giả. Ví dụ như trong vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” vì sao tôi sử dụng những bài hát hít trên thị trường mang vào vở kịch mà không sáng tác mới. Thì đó chính là việc tôi cần khán giả đến rạp, tôi cần các bạn trẻ đến với sân khấu, tôi cần các bạn thấy rằng những bài hát các bạn thích đang được thể hiện tại đây.
Và chúng tôi hướng khán giả làm quen với sân khấu nhạc kịch, xóa bỏ quan niệm nhạc kịch là thể loại hàn lâm và rất khó thưởng thức. Đó là cách chúng tôi hướng sân khấu nhạc kịch gần gũi với khán giả.
Trân trọng cảm ơn đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết!