Liên quan đến quy định mới, siết dạy thêm học thêm được dư luận quan tâm, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, việc hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm.
Theo ông Thành, thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, các em có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc…
Trước đó, ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm, với nhiều điểm mới được cho là khắc phục được những tồn tại, tiêu cực. Bộ GDĐT cho biết, khi xây dựng thông tư mới về dạy thêm, học thêm, Bộ xác định chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực, không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.
Cùng với đó, trong Thông tư 29 cũng nêu rất rõ có 3 trường hợp không được dạy thêm, học thêm gồm: Học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, dạy thêm học thêm là do nhu cầu của cả người học lẫn người dạy. Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt thực tế, thấy rằng, cũng có bộ phận học sinh có nhu cầu và tự nguyện học thêm nhưng cũng có tình trạng các em dù không muốn nhưng vẫn học thêm ở các lớp do chính thầy cô, trường học của mình tổ chức. Một bộ phận học sinh đi học thêm vì không muốn bị lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô, hay chỉ để làm quen với một dạng bài kiểm tra.
Trước lo ngại việc hạn chế dạy thêm, học thêm trong trường học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, ông Thành cho rằng chưa thỏa đáng. Thực tế, các kỳ thi vẫn rất nhiều thủ khoa, á khoa đến từ các vùng nông thôn, có điều kiện kinh tế khó khăn, không đi học thêm.
Về phía giáo viên, nhiều người lo ngại giảm thu nhập khi thông tư của Bộ có hiệu lực. Theo tinh thần quy định mới, Bộ GDĐT không cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, họ phải đăng ký kinh doanh hoặc tham gia giảng dạy ở các trung tâm đã đăng ký. Còn về phía phụ huynh, lâu nay không ít người vẫn có tâm lý lo sợ con mình không học sẽ thua thiệt so với con người khác nên cố theo đuổi dù không chắc rằng liệu có hiệu quả hay không. Thành thử các học sinh phải học ngày học đêm với cường độ rất cao, nhưng kiến thức thu về cũng chưa được như mong đợi. Kiến thức là biển mênh mông, cần chú trọng đến phương pháp học thay vì cố học thật nhiều nhưng không đem lại hiệu quả thiết thực.
Quy định là như vậy nhưng để hiệu quả cần phải có cơ chế giám sát và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Thông tư đã quy định kỹ trách nhiệm của từng đơn vị từ UBND tỉnh, Sở GDĐT đến nhà trường, UBND phường, xã trên địa bàn kiểm tra, giám sát. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, vấn đề đáng lưu tâm cần quản lý dạy thêm, học thêm thế nào để đó không chỉ là quy định để giáo viên làm cho đúng luật, mà cần có các giải pháp đồng bộ để thay đổi nhận thức của cả người thầy, người trò và phụ huynh cùng lúc. Các bậc cha mẹ cần nhìn thấy tác hại của việc cho con học thêm quá nhiều.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục Đào tạo) cho biết: Điểm mới trong Thông tư 29 là Bộ GDĐT quy định 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường nhưng không được thu tiền của học sinh gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học ở mức chưa đạt, học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh.
Nguyên nhân là do với chương trình đó, đội ngũ đó nhưng vẫn còn có học sinh chưa đạt thì nhà trường phải có trách nhiệm dạy thêm hay còn gọi là phụ đạo kiến thức. Thứ hai là dạy thêm cho đối tượng học sinh được lựa chọn bồi dưỡng học sinh giỏi. Số này không nhiều và không phải một học sinh được lựa chọn ở tất cả các môn học cũng thuộc trách nhiệm của nhà trường. Thứ ba là học sinh lớp 9, lớp 12 ôn thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp được học thêm trong trường học.