Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA). Hai văn kiện này được coi như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, mở ra triển vọng thu hút đầu tư ngoại đến Việt Nam.
Nhiều nhà đầu tư muốn đến Việt Nam
Có thể nói, sau hơn 30 năm mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã gặt hái những thành quả đáng khích lệ. Đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 370 tỷ USD; trong đó lượng vốn đã giải ngân đạt khoảng 58%. Riêng năm 2019 vừa qua, Việt Nam thu hút hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm liên tiếp, tăng 7,2% so với năm 2018. Vốn FDI giải ngân cũng đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% và lập kỷ lục mới.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 5 tháng đầu năm 2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận kết quả trên, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, kết quả trên là hoàn toàn chấp nhận được trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh; một số nền kinh tế rơi vào tăng trưởng âm. Điều đó còn cho thấy niềm tin, mục tiêu hiện diện, làm ăn lâu dài tại Việt Nam là rất mạnh mẽ và đó chỉ là sự sụt giảm tạm thời trong “bão” Covid-19.
Đáng lưu ý, ngày càng xuất hiện những dự án có công nghệ hiện đại, tập trung vào hoạt động nghiên cứu và chế tạo để tạo ra sản phẩm chất lượng, có tác dụng lan tỏa, tham gia đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Đơn cử, Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn UAC (Hoa Kỳ) trị giá 170 triệu USD tại Đà Nẵng vừa khánh thành, đi vào hoạt động hay dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển của Tập đoàn Samsung tại Hà Nội với số vốn 200 triệu USD là minh chứng cho sự quyết tâm, hướng tới mục tiêu tăng trưởng theo chiều sâu của giới đầu tư nước ngoài. Đây cũng là kết quả tích cực, hiện thực hóa quan điểm thu hút dòng vốn quốc tế theo hướng gia tăng chất lượng, lựa chọn dự án thân thiện với môi trường, nhất là có công nghệ cao của Chính phủ.
Không thu hút đầu tư bằng mọi giá
Việc nhiều nhà đầu tư muốn đến Việt Nam có thể là tin vui song cũng không loại trừ những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu tuồn vào Việt Nam. Bởi, cơ hội lớn song đi kèm với đó là những rủi ro cho môi trường, cho nền kinh tế nếu chúng ta quá dễ dãi trong việc rộng cửa cho các dòng vốn kém chất lượng chảy vào. Những bài học về sự hủy hoại môi trường, về tình trạng chuyển giá, trốn thuế khiến ngân sách nhà nước thất thu vẫn còn rất nóng.
Chia sẻ với báo giới, TS Phan Hữu Thắng- nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trong thời gian tới, việc thu hút đầu tư cần phải có sự cẩn trọng, chọn lọc. Theo đó, cần lựa chọn những dòng vốn chất lượng cao, nhà đầu tư có uy tín, có năng lực để không chỉ hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, mà còn loại bỏ tình trạng gian lận về thuế. Như vậy mới có thể đảm bảo được sự phát triển ổn định cũng như việc lan tỏa công nghệ đã được đặt ra trong mục tiêu thu hút FDI của nước nhà.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ năm 2018 đến 2019 đã diễn ra làn sóng FDI đổ vào Việt Nam, với sự dẫn đầu của Trung Quốc có số lượng dự án đầu tư cao. “Vấn đề đặt ra là chúng ta phải kiểm soát FDI vào Việt Nam như thế nào. Chúng ta phải làm sao để chọn lọc nhà đầu tư có công nghệ tốt, đảm bảo yếu tố môi trường, tránh những sự việc tương tự như Formosa Hà Tĩnh, phải lập hàng rào kỹ thuật để ngăn ngừa những công nghệ lỗi thời, chọn lọc những công nghệ tốt”- ông Ngân đề nghị.
Giới chuyên gia kinh tế cũng nhận định, đã qua rồi thời “trải thảm đỏ” đón sóng đầu tư, đây là thời điểm chúng ta cần tỉnh táo “thanh lọc”, chỉ chấp nhận những dòng vốn chất lượng, loại bỏ những dòng vốn kém chất lượng, chỉ ưu đãi những doanh nghiệp đem công nghệ tốt vào trong nước và thực hiện cam kết chuyển giao công nghệ. Như vậy, dòng vốn FDI mới thực sự phát huy hiệu quả, đúng như mục tiêu chúng ta đặt ra.
Không thể cứ “bình tĩnh theo cách làm cũ”
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do Covid-19 gây ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định: “Nếu Việt Nam không đầu tư phát triển, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thì không bao giờ thành công. Chúng ta chống dịch Covid-19 bước đầu thành công nhưng phải lo phát triển đất nước thì mới đạt thắng lợi kép”. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định: “Cứ bình bình, theo cách làm cũ, trì trệ và không đổi mới thì khó thành công. Vì vậy, cần có tư duy “mới” để đón đầu và đón bắt được dòng đầu tư mới này”.
Chính vì vậy mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 850/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài. Theo đó, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách, tiêu chí, chuẩn mực hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế và các giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới; đồng thời, chủ động bằng các biện pháp linh hoạt, phù hợp để tiếp cận, đàm phán với các tập đoàn lớn, công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị (chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối) nhằm vận động, xúc tiến, phù hợp với mục đích, yêu cầu hợp tác đầu tư cùng có lợi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đảm trách việc thu hút nguồn vốn này yêu cầu: Việc thu hút dòng vốn FDI cần có chọn lọc; lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo; công nghiệp, chế biến, chế tạo, có tính lan tỏa và có giá trị gia tăng cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… Đặc biệt sẽ không chấp thuận, tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, sử dụng lãng phí tài nguyên, không thân thiện với môi trường.
Đồng thời, sẽ thận trọng, ngăn chặn đối với các hiện tượng đầu tư chui, lẩn tránh xuất xứ, đầu tư núp bóng; không để các doanh nghiệp tiềm năng, chiến lược của Việt Nam (có công nghệ, có sẵn chuỗi cung ứng, có lợi thế về thương quyền…) bị thâu tóm với giá rẻ thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập hoặc góp vốn, mua cổ phần.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Đã qua thời đói khát vốn đầu tư
Có thể nói, đã qua rồi cái thời thu hút đầu tư bằng mọi giá để chấp nhận những dự án mang lại hậu quả xấu về lâu dài, tác hại đến môi trường, hoặc không tạo được không ăn việc làm cho người Việt Nam một cách đầy đủ. Chúng ta với tư cách là một đối tác bình đẳng có quyền lựa chọn, có quyền căn cứ vào định hướng phát triển của mình để chọn những dự án đầu tư nào có hiệu quả cao nhất. Chúng ta đã qua thời đói khát về vốn đầu tư và cũng qua cái thời dựa vào khai thác theo chiều rộng để tranh thủ đầu tư nước ngoài, mà chúng ta phải hướng tới chất lượng cao, hướng tới những công nghệ tốt, hướng tới những dự án tạo ra sự lan tỏa phát triển mạnh hơn.
Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những tác động của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, cần chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản. Cùng với đó, cần tập trung chuẩn bị mặt bằng, nhất là tại các khu công nghiệp để sẵn sàng đón dự án đầu tư nước ngoài bên cạnh sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, khả năng cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc…