Quốc hội đã biểu quyết phê chuẩn EVFTA và EVIPA. Đây được coi là những hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm gì để tận dụng được những cơ hội từ những hiệp định này? Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý liên quan trực tiếp đến thực thi các hiệp định.
Ông Trần Văn Lâm. Ảnh: Quang Vinh.
Theo ông Trần Văn Lâm, thông qua 2 hiệp định thương mại và đầu tư với EU là thắng lợi lớn trong hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đất nước đang mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, khi có được hiệp định với các thị trường lớn, có chất lượng, chúng ta có cơ hội rất lớn để nâng tầm năng lực kinh tế cũng như chất lượng, chiều sâu tăng trưởng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp cận trình độ khoa học công nghệ tiên tiến và trình độ quản lý của khu vực kinh tế nằm trong top đầu thế giới hiện nay. Cơ hội là rất lớn, ngay nhiều nước có trình độ tương đồng như nước ta nhưng cũng chưa ký được các hiệp định như hiện nay.
Nhưng để tận dụng được cơ hội này còn đòi hỏi cả quá trình tiếp sau. Đó là các bước để triển khai cho hiệp định đi vào thực tiễn. Và các doanh nghiệp (DN), nhà quản lý phải nắm được thời cơ thuận lợi, thách thức. Bởi nếu không làm tốt, mặt thách thức sẽ lớn hơn. Lúc đó, các hiệp định lại mang lại “trở lực” cho nền kinh tế, và đó chính là mặt trái.
PV: Vậy thưa ông, có thể khái quát một số khó khăn, thách thức đặt ra khi chúng ta thực thi hai hiệp định này?
Ông Trần Văn Lâm: Những khó khăn, thách thức có thể thấy đầu tiên là vấn đề thể chế vì còn nhiều bất cập trong chính sách pháp luật cần nhận diện và hoàn thiện. Thứ hai, là năng lực của DN Việt Nam. Vì “bơi ra biển lớn” bây giờ chỉ được một vài DN, còn lại chủ yếu là DN nhỏ và vừa, năng lực hội nhập, sức cạnh tranh ở trong nước vốn đã yếu. Khi hội nhập, các DN châu Âu vào thì các DN của ta lại phải cạnh tranh với họ. Đấy là một thách thức lớn, chưa kể “bơi sang bên đó” để cạnh tranh đó lại là thách thức lớn hơn nữa. Cho nên cần làm sao để nâng cao được sức mạnh của DN, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Vì Nhà nước chỉ ban hành cơ chế, chính sách, còn sức cạnh tranh phụ thuộc phần lớn vào nội lực của những DN.
Từ khi gia nhập WTO cho đến nay, nhiều DN vẫn còn thụ động chưa hiểu rõ được mình có quyền gì và cần hành động như thế nào? Điều đó cho thấy, rất cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước. Vậy theo ông làm sao phát huy được yếu tố đó?
- Nó phụ thuộc vào vấn đề thông tin tuyên truyền của các hiệp hội, tổ chức hỗ trợ DN. Hiện chúng ta có các hiệp hội ở tất cả các ngành, lĩnh vực từ trung ương đến địa phương. Bây giờ hiệu quả của các tổ chức đó phải được nâng lên để làm sao hỗ trợ thật tốt. Thực tế đội ngũ doanh nhân của chúng ta lớn lên từ nông dân, làm ăn nhỏ rồi trở thành các DN. Cho nên học hành chưa bài bản, chủ yếu từ kinh nghiệm, thực tiễn thương trường mà lớn lên. Vì vậy bây giờ cần “bồi bổ”, “bồi đắp” cho họ hệ thống hóa kiến thức dựa trên kinh nghiệm để họ lớn, vững mạnh cả thực tiễn lẫn lý luận về kiến thức kinh doanh thương mại quốc tế.
Muốn vậy phải trang bị cho DN “đủ sức khỏe” mới vươn ra được “biển lớn”. Ví như kiến thức về pháp luật quốc tế vì trong quá trình cạnh tranh ắt sẽ có nhiều va chạm, tranh chấp xảy ra, thưa ông?
- Ngoài sức mạnh cạnh tranh, trong đó có nội lực quản trị bao gồm am hiểu về thị trường, cơ hội, thì cần nắm rõ chính sách pháp luật mà thị trường sắp tới sẽ có sự xâm nhập lẫn nhau. Tất nhiên, DN có nhiều phương án, hiểu được những thách thức đấy. Cho nên chúng ta cần có giải pháp để bố trí nhân sự, giúp cho họ giải quyết được những vấn đề của mình. Các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ cho các DN khi họ hoạt động ở những thị trường ngoài nước. Để họ cũng được bảo hộ, giúp đỡ như ở thị trường trong nước. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó cần hỗ trợ, cung cấp dịch vụ cần thiết cho họ.
Theo ông để người dân và DN có thể tận dụng được lợi thế từ các hiệp định này, chúng ta cần có giải pháp gì?
- Đầu tiên phải hoàn thiện thể chế. Các hệ thống chính sách, pháp luật phải tương đồng, phù hợp theo yêu cầu với các hiệp định chúng ta đã cam kết, mở cửa. Qua đó tận dụng cơ hội cho DN và tránh thiệt thòi cho quá trình hội nhập. Đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có hoạt động lập pháp của Quốc hội, xây dựng các chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành.
Thứ hai, các đối tượng chủ thể chính là các DN và người dân, do đó trước tiên phải nắm bắt được các cơ hội, thách thức. Vì vậy công tác tuyên truyền, đưa các thông tin có liên quan về thời cơ, thuận lợi, và thách thức để DN nhận thức đầy đủ được mới có đối sách đối phó. Bởi họ cũng là đối tượng đóng góp tiếng nói để hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật phục vụ cho quá trình hội nhập. Thứ ba cần nâng cao năng lực quản lý, quản trị hành chính của Nhà nước ở các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Vì chính quá trình quản trị hành chính này tạo cơ hội cho hoạt động của các DN tiếp cận được các điều kiện kinh doanh.
Quy định pháp luật hiện nay đưa ra như thế thì thực thi nó vào thực tế có hiệu quả hay không? phụ thuộc chính vào bộ máy quản trị hành chính. Cho nên cần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là cán bộ liên quan trực tiếp đến thực thi các hiệp định. Các hoạt động thương vụ, thương mại, lãnh sự tham tán phải hình thành đội ngũ cán bộ có chất lượng, tâm huyết, có nhiệt tình kinh nghiệm để hỗ trợ cho các DN. Và bộ máy hành chính ở chính quyền các cấp cũng phải làm sao đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Sự lớn mạnh của các DN cũng là tiền đề, tạo cơ sở cho quá trình hội nhập để thành công. Đây là vấn đề lớn trước mắt và lâu dài phải làm để quá trình thực thi hiệp định mang lại hiệu quả như mong muốn.
Trân trọng cảm ơn ông!