Ngoài tìm kiếm các sản phẩm du lịch đặc thù, TPHCM cũng tăng thời lượng quảng bá hình ảnh du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng số, mạng xã hội (Facebook, Youtube, Tiktok…), nhằm giúp ngành công nghiệp “không khói” của thành phố tiếp tục đột phá.
Phục hồi rõ nét
Năm 2023, ngành du lịch cả nước phục hồi mạnh mẽ, với việc đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 108 triệu lượt khách nội địa, vượt khá xa mục tiêu ban đầu là khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Thành công này không chỉ đến từ các giải pháp quyết đoán, kịp thời từ trung ương đến địa phương, mà còn xuất phát từ nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn...
Là một trong những đơn vị khai thác lượng du khách trong nước và quốc tế lớn trong ngành hàng không, bà Phạm Thanh Giang - Trưởng phòng Bán và Tiếp thị của Vietnam Airlines cho biết, sau giai đoạn Covid-19, hiện Vietnam Airlines chuẩn bị mở thêm đường bay đến Philippines vào tháng 6/2024 và một đường bay đến Munich (Đức) vào tháng 10 năm nay, mở thêm cơ hội tăng trưởng về du khách quốc tế đến Việt Nam.
Về triển vọng ngành du lịch trong năm 2024, bà Giang dự báo, khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng vào nửa cuối năm 2024. Do đó, bà Giang kiến nghị Cục Du lịch quốc gia sẽ làm đầu mối trong các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế nhằm tạo thông điệp chung quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới mạnh mẽ hơn.
Còn bà Phan Thị Thúy Dung, đại diện Tập đoàn Sungroup cho biết, năm qua đã ghi nhận lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng trở lại. Điển hình, năm 2023, Khu du lịch Bà Nà đã đón khoảng 84% khách quốc tế. Tại Kiên Giang, Khu nghỉ dưỡng New World (Phú Quốc) cũng ghi nhận đón khoảng 85% khách Hàn Quốc và một số thị trường mới như Nga, Kazakhstan...
Chú trọng phát triển sản phẩm địa phương
Theo bà Dung, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, cần cải thiện, đơn giản hóa các thủ tục về visa. Hiện nay, chính sách đã thông thoáng, với việc miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày và mở rộng nhiều thị trường nhưng vẫn còn những rào cản như việc cấp visa trực tuyến chưa thân thiện. Đại diện doanh nghiệp này góp ý, nên đơn giản hóa, có thể ứng dụng số hóa, thực hiện một cổng đăng ký visa để du khách thuận tiện hơn về thủ tục visa trong thời gian tới.
Tại hội thảo với chủ đề “Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá” diễn ra sáng 12/3 tại TPHCM, đại diện Sở Du lịch TPHCM cho biết, trong 2 năm gần đây thành phố có mô hình giao mỗi quận/huyện thực hiện một sản phẩm đặc trưng. Nhờ đó, không chỉ ở cấp địa phương khai thác, tối ưu hóa được sản phẩm du lịch mà các doanh nghiệp du lịch cũng có sân chơi và được hưởng lợi từ đó.
Để ngành “công nghiệp không khói” phát triển bền vững, bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM cho rằng, ngành du lịch cả nước cần sớm có quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam. Hiện nay Thành ủy, UBND và Sở Du lịch TPHCM đã chủ động có nhiều chương trình liên kết, hợp tác với nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, công tác quảng bá ra nước ngoài để thu hút du khách quốc tế cũng hết sức quan trọng. Theo bà Khánh, vừa qua Việt Nam đã có văn phòng đại diện xúc tiến du lịch ở Lào. Tiếp đà này, sắp tới Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu để đặt thêm các Văn phòng đại diện xúc tiến du lịch ở một số khu vực, đặc biệt là ở các nước Đông Bắc Á để khai thác các thị trường tiềm năng này.
Nêu giải pháp để ngành du lịch thắng lợi trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần chú ý nhiều đến liên kết du lịch, xây dựng sản phẩm mới tiêu biểu, đặc sắc, có lợi thế của từng vùng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá tới những thị trường tiềm năng; thay đổi cách thức để tiếp cận được những thị trường có mức chi tiêu cao.
Theo ông Hùng, thời gian qua, chúng ta đã chuyển từ việc đưa thông tin lên website và chờ du khách tìm hiểu sang chủ động quảng bá, hình thành các trung tâm xúc tiến du lịch ở các thị trường trọng điểm. Với cách làm này, chỉ trong thời gian ngắn, ngành du lịch đã có sự chuyển biến khi du khách quốc tế đến nhiều hơn.