Để du lịch phát triển và thu hút khách quốc tế mạnh mẽ, ngoài việc thúc đẩy quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, chính sách về visa cũng vô cùng quan trọng. Đó là nhận định được đưa ra tại tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” diễn ra sáng 22/3 tại Hà Nội.
“Điểm nghẽn” về visa
Năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế. 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 1,8 triệu lượt, gần bằng 1/4 lượng khách mục tiêu của cả năm 2022. Tuy nhiên, nếu so sánh vào thời điểm năm 2019 khi dịch Covid-19 chưa bùng phát thì con số trên mới chỉ đạt được gần 60% so với cùng kỳ.
Nhìn lại năm 2022, mặc dù là quốc gia mở cửa sớm cho ngành du lịch (15/3/2022) nhưng Việt Nam chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5 triệu lượt đã đặt ra.
Nêu lên nguyên nhân, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, dù du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa như kỳ vọng là do các thị trường tiềm năng vùng Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản (chiếm khoảng 70% khách quốc tế) chưa mở cửa. Dù vậy, nguyên nhân chính vẫn không phải là yếu tố thị trường. Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Lux Group Phạm Hà chỉ rõ, chính sách visa của Việt Nam chậm một nhịp so với việc mở cửa du lịch ngày 15/3/2022. Theo đó, du khách không thuộc 13 quốc gia được miễn visa gặp nhiều khó khăn khi lấy visa tại Đại sứ quán. Với e-visa thì mẫu và giao diện không thân thiện với điện thoại thông minh, chỉ cập nhật hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt, giao diện website cũng không chuyên nghiệp gây khó khăn cho du khách khi thực hiện. Bên cạnh đó, chính sách visa của Việt Nam chưa thuận lợi và khó cạnh tranh. Với Thái Lan, visa cho công dân ở 65 quốc gia, thời hạn lưu trú 45 ngày; Malaysia và Singapore cũng tạo đòn bẩy từ chính sách thị thực với 162 nước được miễn visa; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia…
Lợi ích kép
Thực tế cho thấy, chính sách về visa là điểm “nóng” của ngành du lịch trong suốt thời gian qua. Cho dù, du lịch Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh về các chỉ số giá cả cạnh tranh, an ninh an toàn… nhưng lại chậm về độ mở cửa hay mức độ ưu tiên cho du lịch. Trong đó, mức độ mở cửa du lịch liên quan đến visa, hộ chiếu hay các thủ tục hành chính, thủ tục “mềm” để vào Việt Nam còn hạn chế.
Theo Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á (ATI) Phạm Hải Quỳnh, chính sách visa được điều chỉnh cởi mở hơn sẽ góp phần xây dựng hình ảnh cho du lịch Việt Nam, một quốc gia không chỉ giàu tiềm năng du lịch mà còn năng động, linh hoạt trong chính sách thu hút du khách, đón thời cơ vàng để phục hồi. “Chúng ta nên nhìn nhận lại vấn đề về visa để đưa ra những chính sách thông thoáng nhất, từ đó biến nguồn thu được từ việc cấp visa chuyển thành nguồn thu lớn” - ông Quỳnh bày tỏ.
Đồng quan điểm, PGS. TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, điều cốt yếu để có thể thu hút du khách quốc tế hiện nay chính là phải thay đổi về chính sách visa. Chúng ta cần mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa (các nước ở châu Âu, Úc, New Zealand, Canada), kéo dài thời hạn visa lên 30 - 45 ngày và cho phép khách được phép nhập cảnh nhiều lần sẽ là động lực lớn đối với du khách nước ngoài muốn đến Việt Nam. Thậm chí với các thị trường có mức chi tiêu cao như Đức, Italy, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển… có thể tăng số ngày lưu trú lên 3 tháng, vì khách càng ở lâu thì càng có lợi cho nguồn thu.
Còn theo PGS. TS Phạm Hồng Long, việc cấp visa điện tử nên được mở rộng cho tất cả các quốc gia cùng một hệ thống đơn giản, nhanh chóng, thân thiện hơn với người dùng. Bên cạnh đó, thủ tục visa tại chỗ cũng cần phải được quan tâm triển khai để tạo sự thuận tiện cho du khách. Phần lớn du khách không ngại mất phí, điều họ quan tâm là thủ tục có thông thoáng, nhanh gọn hay không. “Việc nới lỏng các chính sách về visa sẽ tạo động lực rất lớn cho các thị trường khách quốc tế quan tâm du lịch Việt Nam. Đặc biệt, khi có nhiều khách mà chúng ta miễn visa dài ngày hơn, đồng nghĩa thời gian lưu trú của họ ở Việt Nam lâu hơn, kéo theo chi tiêu của du khách lớn hơn. Vậy thì, chúng ta sẽ đạt “lợi ích kép” là vừa tăng số lượng khách, vừa tăng mức chi tiêu của khách” - PGS. TS Phạm Hồng Long nói.
Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) Martin Koerner:
Sử dụng đòn bảy chính sách để hút du khách
Một trong những rào cản đối với khách du lịch nước ngoài khi đến Việt Nam là chính sách thị thực phức tạp và còn nhiều hạn chế. Hiện tại, chỉ có 24 quốc gia được miễn thị thực tối đa 15 ngày, trong khi các quốc gia còn lại phải xin thị thực điện tử hoặc thị thực tại cửa khẩu. Thời hạn miễn thị thực hiện tại còn quá ít đối với những du khách muốn khám phá văn hoá Việt Nam trong khi quy trình cấp thị thực rất mất thời gian và còn nhiều bất tiện. Để đơn giản hoá và hấp dẫn du khách hơn, Việt Nam nên kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày, tăng danh sách các nước được miễn thị thực cho cả châu Âu, Úc, New Zealand, Mỹ và Canada, cũng như tăng số lượng các nước được cấp thị thực điện tử và cung cấp thị thực dài hạn 3 và 6 tháng. Những biện pháp này sẽ khuyến khích nhiều khách du lịch chọn Việt Nam làm điểm đến.