Các chuyên gia và doanh nhân đều cho rằng, năm 2017-2018, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, là kênh huy động vốn hữu hiệu cho các doanh nghiệp.
Tọa đàm “Chọn chiến lược đầu tư tối ưu thời chứng khoán bùng nổ"
diễn ra ngày 13/5 tại FLC Quynhon Beach & Golf Resort.
Nên đổ tiền vào chứng khoán
Tại buổi tọa đàm “Chọn chiến lược đầu tư tối ưu thời chứng khoán bùng nổ” ngày 13/5 tại Quy Nhơn (Bình Định), ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, FLC Faros khẳng định “cho dù bất động sản tiềm năng, nhưng năm nay tôi vẫn xếp sau chứng khoán”.
Theo ông Quyết, ngay từ đầu năm ông đã khuyến nghị với nhà đầu tư, bạn bè về kênh đầu tư năm 2017: Ưu tiên số 1 là chứng khoán, ưu tiên số 2 là bất động sản. Còn về bất động sản, ông Quyết đánh giá kênh đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng có mức độ an toàn hơn. "Tôi đánh giá năm 2017 - 2018, tiềm năng sinh lời của bất động sản nghỉ dưỡng lớn hơn nhiều bất động sản thương mại. Bất động sản nghỉ dưỡng có thể bán trao tay, nhà đầu tư thích thì có thể cho chủ đầu tư thuê khai thác để hưởng lợi nhuận cố định".
Nói rõ hơn về việc đầu tư vào chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết kiến nghị, để thị trường "lấy lại những gì đã mất năm 2007", khi VN-Index lên khoảng hơn 1.000 điểm, ông cho rằng chức năng của Ủy ban CKNN rất quan trọng. Cơ quan này cần phổ cập để ngày càng nhiều người dân hiểu về TTCK, chỉ cần một phần của 100 triệu dân đầu tư vào thị trường thì điểm số, vốn hoá của thị trường sẽ không còn ở mức 400 ngàn tỷ đồng.
“Tôi muốn nhà đầu tư không gửi tiền ở ngân hàng thì hãy mang ra đầu tư. Tôi mong có những cách nào để đào tạo, quảng bá cho nhà đầu tư, để họ biết đây là kênh hữu hiệu và tất nhiên họ phải biết có lỗ có lãi. Tôi biết có nhiều nhà đầu tư am hiểu về chứng khoán nhưng họ đang thờ ơ, coi chứng khoán là đánh bạc, đó là quan điểm chưa đúng về bản chất về thị trường”, Chủ tịch FLC khẳng định.
Chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển đúng tầm
Tại buổi tọa đàm, ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Thương mại LMC cho biết, TTCK Việt Nam đang được đánh giá là điểm sáng trong khu vực khi chỉ số VN-Index trở lại mốc trên 700 điểm lần đầu tiên sau 9 năm, thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch đạt gần 4.500 tỷ đồng/phiên, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ở mức cao nhất từ trước tới nay. Sức hút của thị trường đến từ triển vọng lạc quan về nền kinh tế vĩ mô ổn định, cũng như kỳ vọng lạc quan về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Lộ trình cổ phần hóa và “làn sóng” các cổ phiếu mới niêm yết khiến chất lượng cổ phiếu trên sàn chứng khoán ngày một hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong nước và cả hàng tỷ USD dòng vốn từ nước ngoài.
Nêu ý kiến, ông Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TP HCM khoá XIII cho biết: Thị trường vốn của chúng ta đang quá phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, 85% vốn của nền kinh tế là từ nguồn này, đáng lý TTCK phải là nơi huy động vốn chính, là nơi giúp các doanh nghiệp tăng vốn.
Theo ông Trần Du Lịch, hiện nay Chính phủ đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tôi cho rằng chúng ta nên phát triển bằng “hai chân”, nghĩa là phần lớn vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp phải được huy động từ TTCK còn vốn từ ngân hàng thương mại chỉ nên là nguồn ngắn hạn. "Tôi tin rằng với sự phát triển “hai chân”, TTCK Việt Nam sẽ phát triển đúng tầm".
Đồng tình, ông Huy Nam, chuyên gia chứng khoán chia sẻ: Chúng ta đừng lướt sóng chứng khoán mà hãy đầu tư. Ông Nam kể, trong một lần đi làm việc với một tổ chuyên gia đến từ Đức, Anh và Mỹ, tôi có hỏi: Ở bên các anh, nếu có tiền các anh sẽ làm gì? Họ đều trả lời rằng họ sẽ đầu tư vào 2 thị trường gồm TTCK và bất động sản. "Họ đầu tư rất rõ ràng, không đầu tư theo kiểu lướt sóng", nhà đầu tư này nhận định.
Nhiều "hàng" cho thị trường chứng khoán
Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho biết: Trong nhiều cuộc tiếp xác, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dã nói rõ sẽ đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN, kể cả các doanh nghiệp có lãi nhất hiện nay như Sabeco, Vietnam Airlines, Petrolimex...
Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp trong xây dựng, giao thông, đó là những tín hiệu cho thấy, từ nay tới cuối năm TTCK sẽ có nhiều “hàng hoá” hơn, tốc độ trung chuyển vốn sẽ mạnh hơn. Hiện nay, SCIC đang quản lý hơn 300 doanh nghiệp sẽ tiếp tục thoái vốn, như vậy Nhà nước sẽ huy động được nguồn vốn trong dân để đầu tư vào các công trình. Đồng thời nhiều tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế: Dự báo 2017-2018 sẽ có là sóng mạnh các cổ phiếu mới lên sàn nhiều. Giải đáp về sự "bùng nổ" của TTCK thời gian qua, ông Ngô Trí Long cho rằng, kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định, TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế. Thêm nữa, môi trường đầu tư của chúng ta tiếp tục được cải thiện, chính sách thoái vốn của nhà nước. Cùng với đó, dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc, Đài Loan đang chảy vào Việt Nam theo đường trực tiếp. Như vậy cơ hội đầu tư của năm 2017 đang hiện hữu.
Theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam: Sắp tới cơ quan quản lý sẽ đưa vào vận hành một số chính sách mới. Cụ thể, trong tháng Sáu hoặc Bảy, chúng ta sẽ đưa vào vận hành TTCK bậc cao hơn, đó là TTCK phái sinh. Thị trường này rất phức tạp, đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao. |