Các nhà khoa học tại Trường ĐH Y Hà Nội đang ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch – có chung cơ sở khoa học với phát minh vừa được trao giải Nobel Y học 2018 để chống lại bệnh ung thư nhưng với một hướng tiếp cận khác.
Giải thưởng Nobel Y sinh học năm 2018 đã được trao cho công trình nghiên cứu sử dụng liệu miễn dịch chống một số bệnh ung thư. Tác giả của công trình này là GS Mỹ James P Allison (người phát hiện ra CTLA4) và đồng nghiệp Nhật Bản - GS Tasuku Honjo (người phát hiện ra PD1). Cả 2 yếu tố trên đều là tác nhân điều biến miễn dịch và có vai trò quan trọng trong bệnh học ung thư.
Tại Việt Nam, các nhà khoa học tại Trường ĐH Y Hà Nội đã ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân từ đầu năm 2017, theo cơ chế tương tự với sự chuyển giao của chuyên gia Nhật Bản.
Bản chất của liệu pháp này là tăng cường miễn dịch cơ thể. Hiện các nhà khoa học của Trường ĐH Y Hà Nội đã và đang làm theo hướng của công trình đạt giải Nobel, nhưng theo hướng tiếp cận hơi khác. Đó là tách tế bào miễn dịch từ máu ngoại vi của bệnh nhân (với số lượng tế bào khoảng vài triệu), sau đó tăng sinh và biệt hoá để được vài tỷ và truyền lại cho bệnh nhân.
“Sau khi đủ số lượng và có được các chức năng mong muốn (chức năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư) tế bào miễn dịch sẽ được truyền trở lại cơ thể người bệnh, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư”- GS.TS Tạ Thành Văn cho biết.
Theo đó, mỗi liệu trình này được thực hiện 6 lần truyền trong 3 tháng, mỗi lần truyền cách nhau 2 tuần.