Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Nga cho biết đang xúc tiến thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư. Thông tin này lập tức gây chấn động vì ung thư là căn bệnh ác tính khủng khiếp nhất.
Ngày 19/10, dẫn lời ông Alexander Gintsburg - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Nga (mang tên N.F. Gamaley), truyền thông quốc tế cho biết vaccine ngừa ung thư mới trước tiên sẽ được thử nghiệm lâm sàng cho các bệnh nhân ung thư phổi ác tính và ung thư phổi tế bào nhỏ.
Theo ông Gintsburg, quy trình tiêm chủng sẽ khác với những giai đoạn thử nghiệm thuốc trước đây khi mà việc thử nghiệm hàng loạt trên số lượng lớn người là không thể thực hiện được. 3 đơn vị phát triển loại vaccine ngừa ung thư của Nga là Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia; Viện Nghiên cứu khoa học u bướu Matxcơva và Trung tâm Nghiên cứu y học quốc gia về ung thư. Dự án do Chính phủ liên bang Nga tài trợ.
Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga Andrei Kaprin cho biết, giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên sẽ bắt đầu ngay sau khi được Bộ Y tế liên bang Nga cho phép.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2024, Cơ quan Y tế - Sinh học Liên bang Nga (FMBA) thông tin nước Nga có thể tung ra vaccine ung thư trong 3 năm tới khi mà "chỉ còn một bước nữa" là hoàn thành phát triển vaccine ung thư. Theo ông Vasily Lazarev (Trung tâm Khoa học và Lâm sàng Liên bang về Y học Vật lý và Hóa học, khi hoàn tất sẽ có thể đưa vaccine ung thư vào sử dụng rộng rãi trong thực tế. Tuy nhiên, vướng mắc không nằm ở công nghệ mà là những quy định pháp lý rất ngặt nghèo mà việc phát triển vaccine phải đối mặt.
Việc phát triển vaccine ngăn ngừa cũng như thuốc điều trị cho bệnh nhân ung thư được cho là “khoa học viễn tưởng” khi mà hầu hết các quốc gia cũng như các phòng thí nghiệm Y Sinh lớn trên thế giới trong hàng chục năm qua đều đầu tư rất mạnh mẽ vào lĩnh vực này, nhưng tiến bộ không rõ ràng và đặc biệt đáng lo ngại khi mà số ca mắc căn bệnh tử thần đang tăng lên trên phạm vi toàn cầu.
Riêng về vaccine ngừa ung thư, dù vẫn bế tắc nhưng gần đây ít nhiều cũng đã có dấu hiệu khả quan hơn. Về cơ bản, vaccine ung thư là nhắm tới việc kích thích hệ miễn dịch nhận diện và phong tỏa, tấn công tế bào ung thư. Có 3 loại vaccine ung thư chính, loại thứ nhất nhằm mục đích ngăn ngừa ung thư phát triển ở những người khỏe mạnh, bằng cách nhắm mục tiêu vào các virus hoặc các yếu tố gây ung thư. Loại thứ hai được thiết kế để điều trị bệnh ung thư bằng cách tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các tế bào ung thư. Loại thứ ba là vaccine cá nhân hóa (còn được gọi là vaccine tân kháng nguyên) dành cho một loại ung thư cụ thể. Tuy nhiên, do sự đột biến của tế bào ung thư nên rất khó để một loại vaccine có thể dùng để điều trị nhiều loại ung thư khác nhau cùng một lúc.
Tới nay, cùng với nước Nga, một số quốc gia, tập đoàn trên thế giới cũng đang phát triển vaccine ngừa ung thư. Vào năm 2023, chính phủ Anh đã ký thỏa thuận với Công ty Công nghệ sinh học BioNTech của Đức để triển khai các thử nghiệm lâm sàng nhằm cung cấp phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa.
Các nhà khoa học Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng không đứng ngoài cuộc khi mà họ đang ráo riết ứng dụng khả năng vượt trội của trí tuệ nhân tạo (AI) vào nghiên cứu. Các nghiên cứu mới ứng dụng AI đã giúp các nhà khoa học hiểu về các đột biến tốt hơn, từ đó có thể thiết kế các phương pháp điều chế vaccine ung thư hiệu quả. Tuy nhiên, để có thể có vaccine ung thư đại trà lại là vấn đề khác, không dễ gì có được trong một vài năm.
Trở lại với việc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Nga tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư, giáo sư F.Rafann, nhà nghiên cứu Y Sinh nổi tiếng người Mỹ nhấn mạnh: Các nghiên cứu về vaccine ung thư chưa bao giờ bị gián đoạn trong 30 năm qua. Vì thế, những thành tựu dù chỉ ở thử nghiệm giai đoạn đầu cũng đem lại hy vọng cho nhân loại.
Dẫn số liệu do Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), ông F.Rafann cho biết số ca mắc mới ung thư trong số 180 quốc gia được khảo sát đã tăng từ 14,1 triệu ca vào năm 2012 lên 21 triệu ca vào năm 2023. Cũng trong năm 2023, ung thư đã cướp đi sinh mạng của hơn 10 triệu người. Còn khủng khiếp hơn khi so với con số khoảng 14,9 triệu người tử vong do các lý do liên quan đến đại dịch Covid-19 trong vòng hơn 2 năm.
Theo Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu cấm bán thuốc lá cho 650 triệu người sinh trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2010 thì khoảng 1,2 triệu ca tử vong do ung thư phổi hàng năm sẽ được ngăn chặn vào năm 2095. Trong khi đó, mỗi năm thế giới ghi nhận khoảng 3 triệu ca ung thư phổi do hút thuốc lá. Tuy nhiên, bà Isabelle Soerjomataram, thành viên nhóm nghiên cứu của IARC cho rằng đây là vấn đề khó khăn do lợi nhuận rất lớn đối với người bán thuốc, nơi sản xuất cũng như số tiền thuế các chính phủ thu được.