Ì ạch dự án đường vành đai

Đoàn Xá 29/08/2017 08:20

Được quy hoạch là hệ thống hạ tầng giao thông quan trọng bậc nhất với mục đích kết nối nhiều quận huyện, khu công nghiệp với vùng trung tâm và cả với các tỉnh thành khác, thế nhưng các dự án đường vành đai ở TP Hồ Chí Minh sau nhiều năm đến nay vẫn dang dở. Dự án vành đai 2 dù được khởi công nhiều năm, đến nay vẫn chưa khép kín, còn nhiều khúc gián đoạn. Trong khi đó, các dự án vành đai 3, vành đai 4 vẫn mới chỉ trong giai đoạn chuẩn bị, chưa rõ hình hài.

Vành đai “đứt đoạn”

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP HCM sẽ có 4 đường vành đai (vành đai 1,2,3 và 4). Hiện nay, vành đai 1 đã trở thành đường đô thị vì sự phát triển đô thị hóa quá nhanh. Riêng tuyến đường vành đai 2 (chiều dài 64 km) bao quanh thành phố, chạy qua các địa phương như quận Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Quận 7, 8, 9, 12 và huyện Bình Chánh, Hóc Môn... đến nay vẫn còn 3 đoạn với chiều dài khoảng 13km chưa hoàn thành.

Đó là các đoạn từ cầu Phú Hữu (Quận 9) tới đường xa lộ Hà Nội dài 3,8km, đoạn từ ngã tư Bình Thái tới đường Phạm Văn Đồng dài 2km (quận Thủ Đức), đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) tới nút giao An Lạc (quận Bình Tân) dài 5,3km. Tổng số tiền dự kiến để hoàn thành những đoạn này khoảng 13.000 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP HCM, từ nay đến năm 2020 tuyến đường vành đai 2 sẽ được khép kín hoàn toàn. Trong đó, các dự án xây dựng các đoạn đường còn đứt đoạn đều đã được triển khai. Tuy nhiên, thực tế hiện nay dự án xây dựng tuyến đường này đang gặp khó khăn về kinh phí đầu tư lớn, ngân sách hạn hẹp và giải ngân chậm nên ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ dự án.

Điều đáng nói là, vai trò vô cùng quan trọng khi kết nối nhiều tuyến quốc lộ và các khu công nghiệp cũng như các quận huyện ngoại ô thành phố của tuyến đường vành đai 2 được kỳ vọng sẽ giảm bớt rất lớn áp lực giao thông đô thị ở TP HCM hiện nay. TS Phạm Sanh - một chuyên gia giao thông đô thị cho biết, đường vành đai 2 có vai trò “phân loại” các phương tiện giao thông ở TP HCM.

Cụ thể, vì vành đai 2 kết nối các khu công nghiệp, nhà máy, hệ thống cảng biển nên các phương tiện xe tải, xe container, xe chở hàng... sẽ di chuyển ở tuyến vành đai mà không phải chạy qua trung tâm nội ô thành phố nếu muốn di chuyển từ phía này sang phía khác. Thậm chí, nhiều phương tiện đi từ các tỉnh miền Tây lên các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng không phải đi qua trung tâm TP HCM như hiện nay mà di chuyển trên tuyến vành đai này.

Trong khi đó, tuyến đường vành đai 3 được quy hoạch để kết nối 4 tỉnh thành gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An có chiều dài gần 90km, với vốn đầu tư lên đến gần 56.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tuyến này có điểm đầu là ở đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và điểm kết thúc là ở huyện Bến Lức (tỉnh Long An), gần cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. Tại tuyến vành đai 3 này, một đoạn đã được đưa vào khai thác như đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (dài gần 17km, Bình Dương) còn các đoạn khác đều trong giai đoạn xây dựng như Long Thành - Bến Lức hoặc mới chỉ giai đoạn phê duyệt dự án.

Riêng tuyến đường vành đai 4 kết nối 5 địa phương, gồm 4 địa phương như ở vành đai 3 và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dài tới gần 200km có số vốn lên đến hơn 98.000 tỷ đồng cũng đã được phê duyệt và đang xây dựng một số đoạn. Tuy nhiên, hình hài chung của các tuyến vành đai 3 và 4 đều chưa rõ ràng bởi nhiều đoạn vẫn còn chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, chọn lựa các nhà đầu tư.

Một đoạn đường vành đai 2 qua quận Thủ Đức (TP HCM) thường xuyên ùn tắc.

Hệ lụy nặng nề

Trong nhiều cuộc họp chính thức về hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ Trưởng Bộ GTVT cho rằng, hạ tầng giao thông kết nối (tức các tuyến đường vành đai) ở khu vực TP HCM đang kém rất xa ở khu vực TP Hà Nội, nơi có các tuyến vành đai đã khép kín. Tất nhiên, hệ lụy của nó, như đã nêu ở trên là làm gia tăng áp lực giao thông, gián đoạn hành trình và giảm tính kết nối của các phương tiện hàng hóa. Đặc biệt hơn, dù cùng được Chính phủ quy hoạch nhưng sự chậm trễ trong việc triển khai cũng làm cho hệ lụy mà các tuyến đường vành đai gây nên sẽ lớn hơn.

Một chuyên gia giao thông cho biết, với số kinh phí hoàn thành cực lớn, hệ thống các đường vành đai này dù được hoàn thành cũng gây áp lực lớn cho người dân. Hầu hết các tuyến đường vành đai 2, 3 và 4 đều được chia nhỏ thành các dự án hạ tầng khác nhau để đầu tư xây dựng. Trong đó, hầu hết đều được xây dựng theo hình thức kêu gọi vốn của doanh nghiệp (BOT, BT) nên áp lực chi phí khi tuyến đường được hoàn thành cũng rất lớn. Do chưa chính thức đưa vào hoạt động nhưng dự kiến, mỗi đường vành đai này sẽ có từ 3-5 trạm thu phí khi được hoàn thành.

“Như dự án vành đai 3 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 đến nay nhưng trên địa bàn TP HCM vẫn chưa hoàn thành được đoạn nào. Sự chậm trễ này kéo theo rất nhiều hệ lụy như khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đội vốn nhiều lần... Và tất nhiên, các chi phí phát sinh đó cũng là gánh nặng cho Nhà nước và người dân khi xây dựng và sử dụng tuyến đường thời gian sắp tới”, chuyên gia này phân tích thêm.

Tương tự, tuyến vành đai 4 cũng đang đi trên con đường của vành đai 3, đã được phê duyệt nhưng lại chậm trễ trong triển khai, thực hiện. Ngoài ra, sự chậm trễ của các tuyến vành đai còn kéo theo nhiều công trình hạ tầng khác.

Như công trình chống ngập (quận Bình Tân), đường trên cao, đường kết nối... chưa thể triển khai, hoàn thành vì “vướng” các quy hoạch về đường vành đai. Thậm chí hàng ngàn hộ dân sinh sống ở khu vực có đường vành đai đi qua cũng luôn trong tâm trạng thấp thỏm vì không biết bao giờ xây dựng, có điều chỉnh, thay đổi quy hoạch như vài năm trước hay không.

Với sự phát triển quá nhanh của các phương tiện giao thông nhưng nhiều năm qua, hạ tầng giao thông ở khu vực TP HCM lại không có sự phát triển tương xứng. Tình trạng ùn tắc, kẹt xe, áp lực giao thông đường bộ ở khu vực TP HCM ngày càng gia tăng mức báo động. Nhìn vào các dự án vành đai 3 và 4 kết nối các tỉnh lân cận với TP HCM nhiều người lại lo lắng thêm cho thành phố đông dân nhất nước, khi hạ tầng của các tỉnh lân cận đang được quy hoạch, xây dựng nhanh và tốt hơn ở thành phố trong khoảng vài năm trở lại đây.

Bởi vậy, nếu không có những chuyển mình mạnh mẽ thời gian tới, hạ tầng giao thông ở TP HCM chắc chắn sẽ tụt hậu so với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và thậm chí cả Long An.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ì ạch dự án đường vành đai