Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong hôm 28/9 đã thúc giục các nước giàu trên thế giới nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ các nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nếu không sẽ phải hứng chịu ảnh hưởng từ đà tăng trưởng toàn cầu thấp cùng làn sóng người di cư như một hậu quả.
Một gia đình ở Lalmonirhat, Bangladesh phải sống chung với lũ lụt. (Nguồn: Guardian).
Trong một cảnh báo đưa ra trước khi công bố báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Toàn cầu vào tháng tới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, có trụ sở tại Washington, cho hay, các nước có thu nhập thấp thường gây ra rất ít lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khi không có đủ khả năng để giải quyết vấn đề này do thiếu thốn các nguồn lực cần thiết.
"Nhiệt độ đang tăng dần sẽ gây ra những hiệu ứng không đồng đều trên khắp thế giới, khi mà gánh nặng của nó lại đè nặng trên vai của những người không thể giải quyết được vấn đề đó" - IMF nói trong một tuyên bố.
Theo cảnh báo của IMF, cộng đồng quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường và phối hợp về mặt tài chính, hỗ trợ theo nhiều cách đối với các nước thu nhập thấp. Khi các nền kinh tế thị trường tiên tiến và đang trỗi dậy đóng góp để đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu, giúp đỡ các nước thu nhập thấp đối phó với ảnh hưởng của nó, thì đó mới là một chính sách kinh tế toàn cầu toàn diện.
Bằng việc đưa ra giả thuyết trên, IMF nói rằng vào năm 2100 thu nhập bình quân đầu người ở các nước thu nhập thấp điển hình sẽ thấp hơn 9% với tình trạng gia tăng nhiệt độ như hiện nay. Tổ chức này thêm rằng, giá trị của sự thất thoát trên sẽ tương đương với tổng giá trị kinh tế cả một năm của một quốc gia nghèo.
Ảnh hưởng mà tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu gây nên sẽ còn kéo dài và gây ra hậu quả là sản lượng nông nghiệp sụt giảm, sản lượng của các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết giảm, các khoản đầu tư giảm và sức khỏe con người giảm...
Nhiệt độ cao hơn cũng đồng nghĩa với việc mức tăng trưởng ở các khu vực có thời tiết nóng bức trên thế giới bị kiềm chế, ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế đang phát triển và đang trỗi dậy, hơn là đối với các nước giàu. IMF cho rằng để hạn chế tình trạng này, các quốc gia trên thế giới cần phát tiếp tục phát triển để giảm thiểu tầm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Theo cảnh báo của IMF, các quốc gia thu nhập thấp "cần có một khoản chi phí khổng lồ cùng các nguồn lực khác để nhận được khoản đầu tư đối phó với biến đổi khí hậu".
Hiện nay, LHQ đã nhất trí về các mục tiêu phát triển bền vững dự kiến đạt được vào năm 2030, tuy nhiên đạt được những mục tiêu này lại đòi hỏi các quốc gia nghèo phải tăng chi tiêu công tới 30% giá trị GDP. Điều này gần như là bất khả thi đối với hầu hết các quốc gia, theo IMF.
"Hơn nữa, chỉ riêng các chính sách trong nước là không đủ để các nước thu nhập thấp tránh khỏi ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu, khi mà nhiệt độ cao hơn sẽ gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái của các nước này, có khả năng gây ra đại dịch, nạn đói hoặc nhiều thảm họa thiên nhiên khác, cùng lúc gây ra sức ép về tình trạng di cư và rủi ro xung đột" - IMF cảnh báo.
Cơ quan này còn cảnh báo rằng, dòng người di cư, có khả năng tràn tới đường biên giới các quốc gia, có thể gia tăng nếu như biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho mực nước biển gia tăng. Theo một báo cáo toàn cầu mới đây, hàng trăm triệu người dân sống ở các khu vực địa hình thấp có thể bị ảnh hưởng bởi lụt lội, buộc họ phải rời bỏ nhà cửa.
Trên toàn cầu, tình trạng biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính đang diễn biến xấu, gây ra những tác động không thể tránh khỏi đối với tương lai nhân loại. Báo cáo của tạp chí Scientific mới đây cho rằng, nếu Trái đất tiếp tục nóng lên với tốc độ như hiện nay, các trận lũ lụt trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, khiến nhiều quốc gia và thành phố, đặc biệt là ở ven biển sẽ biến mất khỏi bản đồ thế giới.
Tạp chí Scientific nhấn mạnh, nếu vào năm 2050 mực nước biển toàn cầu tăng gấp đôi, từ 10 cm hiện nay lên 20 cm, sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ lũ lụt ở các quốc gia cũng như các thành phố ven biển.
Tại các quốc gia nhiệt đới, cư dân sống dọc các con sông lớn cũng phải đối mặt nguy cơ lũ lụt với tần suất tăng gấp đôi hiện nay, đặc biệt là người dân ở các quốc gia có mật độ dân số cao ở châu Á và châu Phi.
Biến đổi khí hậu có thể lan tràn nhanh chóng tới các nước dễ bị tổn thương, khiến các nước này chịu rủi ro về xung đột và nạn di cư cao hơn, IMF cho hay. "Chỉ có một nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống mức có thể chấp nhận được mới có thể hạn chế ảnh hưởng dài hạn của tình trạng biến đổi khí hậu", IMF nhấn mạnh.