Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 cho thấy, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước. Tuy nhiên kê khai tài sản vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Nhất là gần đây đa có một số địa phương tổ chức “bốc thăm” để xác minh ngẫu nhiên việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức. PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (cơ quan nghiên cứu Chỉ số PAPI hàng năm) đa trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV: Thưa ông qua xác minh chỉ phát hiện có 74 người kê khai chưa đúng quy định. Như vậy là, kê khai nhiều nhưng phát hiện ít, trong khi tham nhũng vẫn được đánh giá là nghiêm trọng. Phải chăng biện pháp kê khai đã không còn hiệu quả?
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Kê khai tài sản là vấn đề từ trước tới nay chúng ta vẫn đang làm. Tuy nhiên kê khai tài sản muốn chính xác thì giấy tờ cũng phải chính xác. Ở ta, dùng tiền mặt là phổ biến. Chưa kể tài sản không đứng tên mình mà được đứng tên người khác như họ hàng, người thân nên khó có thể kiểm soát tài sản, thu nhập ở bản kê khai tài sản.
Kê khai tài sản không phải là giải pháp chính để phát hiện tham nhũng. Đây là một trong những phương thức để làm minh bạch hóa một phần các hoạt động sở hữu tài sản. Tôi cho rằng, việc kê khai vẫn có những tác dụng nhất định. Trên thế giới, các nước đều áp dụng kê khai tài sản. Nhưng họ áp dụng với các chính trị gia, chính khách, cán bộ công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, những người khá giả, thậm chí là cầu thủ bóng đá để xem tài sản như thế nào, có gian lận trốn thuế hay không? Mua bán bất động sản có đóng thuế hay không? Do đó kê khai tài sản vẫn rất cần, vẫn phát huy tác dụng.
Như vậy chúng ta cần thu hẹp đối tượng kê khai để dễ kiểm soát, thưa ông?
- Đúng vậy! Chúng ta vẫn phải kê khai tài sản nhưng theo tôi không nên kê khai mở rộng đối tượng mà chỉ tập trung vào kê khai tài sản đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, hay người được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, chức vụ quan trọng. Ví như tất cả các Ủy viên Trung ương, các Bộ trưởng, cán bộ công chức giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, đại biểu Quốc hội, và đại biểu HĐND cấp tỉnh thì phải kê khai tài sản. Đây là hình thức các nước đang áp dụng. Nghĩa là những người có chức vụ, có cơ hội để tham nhũng chứ không nên bắt buộc công chức ai cũng phải kê khai tài sản.
Lý do vì sao, thưa ông?
- Theo tôi cán bộ công chức bình thường cũng không nên kê khai tài sản. Lương cán bộ công chức, viên chức chỉ vài triệu đồng/tháng thì kê khai làm gì. Như tôi đã đề cập ở trên chỉ nên kê khai tài sản đối với cán bộ công chức giữ vị trí lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị, cơ quan, tổ chức. Hay như việc trong cùng cơ quan nhà nước cũng nên tập trung kê khai ở những lĩnh vực công tác nhạy cảm như: thuế, hải quan, tài nguyên môi trường. Như tại Sở Tài nguyên và Môi trường chẳng hạn, chỉ nên kê khai tài sản lãnh đạo, rồi cán bộ quản lý các phòng, các cán bộ đi kiểm tra, thanh tra, cấp phép còn nhân viên bảo vệ không cần phải kê khai. Trong kê khai tài sản, nếu chúng ta tập trung làm, và làm nghiêm túc, chặt chẽ thì sẽ hiệu quả hơn.
Pháp luật không chỉ xử lý mà còn có cảnh báo ngăn chặn để phòng ngừa. Kê khai tài sản là một biện pháp để phòng ngừa tham nhũng chứ không phải là chống.
Không chỉ kê khai mà việc kiểm tra tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn ít. Và đây cũng là vấn đề không mới, phải chăng tính “lay động” chưa cao, thưa ông?
- Thời gian qua, các vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu do người dân, báo chí. Còn việc tự phát hiện tham nhũng tại nội bộ các cơ quan, đơn vị, tổ chức còn yếu. Thực tế, tham nhũng xảy ra từ trong chính quyền, nó giống như bệnh xảy ra từ trong cơ thể, cơ thể tự nó không phát hiện ra được mà bác sĩ mới phát hiện ra bệnh. Về mặt lý luận thì nếu thủ trưởng tham nhũng liệu nhân viên có dám nói? Vì thế muốn phát hiện ra sai phạm cần có những kênh độc lập, và báo chí chính là kênh đó.
Ở các nước, các sự vụ tham nhũng hầu như được phát hiện từ bên ngoài chứ không phải trong nội bộ. Đã có quyền lực sẽ dẫn đến lộng quyền, tham nhũng bằng cách này cách kia. Cái chính là phải kiểm soát quyền lực.
Lần này trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ có dẫn chỉ số PAPI để nói lên tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Là người từng nghiên cứu và công bố về chỉ số PAPI, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Người dân, doanh nghiệp vẫn cảm thấy chưa hài lòng với bộ máy công chức. Như vụ Việt Á là vụ án biểu hiện tham nhũng có hệ thống. Tuy nhiên cần tìm ra nguyên nhân tại sao họ có thể làm được như vậy? Tham nhũng có nguyên nhân của nó. Hiện chúng ta đang chống tham nhũng mạnh như thế, kiên quyết như thế vậy mà vẫn để xảy ra vụ Việt Á, diễn ta tại nhiều tỉnh, thành. Bởi vậy, phải làm cho rõ tại sao xảy ra vụ Việt Á? Kẽ hở từ đâu? Biết nguyên nhân thì mới chống được.
Theo tôi phải đồng bộ các yếu tố trong hệ thống như: chính sách, pháp luật, và cán bộ. Thể chế chính sách gắn với pháp luật. Ví như đất đai có nơi chỉ vài triệu/m2 nhưng thay đổi chính sách thì có thể lên đến vài trăm triệu/m2. Chính sách thế nào thì pháp luật như thế, từ đó gắn với bộ máy, con người thực thi.
Trân trọng cảm ơn ông!
Kê khai tài sản không phải là giải pháp chính để phát hiện tham nhũng. Đây là một trong những phương thức để làm minh bạch hóa một phần các hoạt động sở hữu tài sản. Việc kê khai vẫn có những tác dụng nhất định. Ở trên thế giới, các nước đều áp dụng kê khai tài sản. Nhưng họ áp dụng với các chính trị gia, chính khách, cán bộ công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, những người khá giả, thậm chí là cầu thủ bóng đá để xem tài sản như thế nào, có gian lận trốn thuế hay không? Mua bán bất động sản có đóng thuế hay không? Do đó kê khai tài sản vẫn rất cần, vẫn phát huy tác dụng.