Tuổi thọ con người đang tăng chậm lại khi chúng ta đi đến giai đoạn cuối của “cuộc cách mạng trường thọ”. Bước tiếp theo là làm chậm quá trình lão hóa, nhưng điều đó sẽ diễn ra như thế nào?
Tốc độ tăng tuổi thọ đang chậm lại
Theo một nghiên cứu mới về tuổi thọ từ năm 1990 đến năm 2019, sự gia tăng mạnh mẽ về tuổi thọ trong thế kỷ qua cuối cùng cũng đang chậm lại và dự kiến sẽ dừng lại khi tuổi thọ trung bình đạt 87 tuổi.
Nghiên cứu được công bố vào tuần trước trên tạp chí Nature Aging, do nhà khoa học lão khoa Jay Olshansky và một số đồng tác giả thực hiện, phát hiện ra rằng, sự gia tăng về tuổi thọ trong thế kỷ 20 đã chậm lại đáng kể trong 30 năm qua. Nghiên cứu đã xem xét dữ liệu về tuổi thọ khi sinh được thu thập từ năm 1990 đến năm 2019 từ 8 quốc gia có tuổi thọ cao nhất: Australia, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Ngoài ra, tuổi thọ ở Hồng Kông (Trung Quốc) và Mỹ cũng được xem xét.
Dựa trên kết quả cụ thể của từng quốc gia, Hồng Kông (Trung Quốc) đang chứng kiến sự gia tăng tuổi thọ mạnh mẽ hơn hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Theo nghiên cứu, xác suất sống đến 100 tuổi theo từng nhóm dân số xảy ra ở Hồng Kông, nơi 12,8% phụ nữ và 4,4% nam giới dự kiến sẽ đạt đến tuổi 100 dựa trên bảng tuổi thọ từ năm 2019.
Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) từ năm 2022, tuổi thọ trung bình của Hồng Kông (Trung Quốc) là 84 tuổi, trong khi tuổi thọ trung bình của thế giới là 72. Sự cải thiện về tuổi thọ ở Hồng Kông (Trung Quốc) được cho là do sự thịnh vượng kinh tế và lệnh cấm hút thuốc được áp dụng từ năm 1990 đến năm 2000.
Tuy nhiên trong thập kỷ gần nhất, tuổi thọ trung bình ở tất cả các quốc gia tăng chậm hơn so với thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20. Trong số 10 quốc gia được nghiên cứu, Mỹ cho thấy sự cải thiện chậm nhất về tuổi thọ. Theo dữ liệu năm 2022 của WB, tuổi thọ trung bình ở Mỹ là 77 tuổi.
Kết quả này tiếp nối nghiên cứu mà ông Olshansky, hiện là giáo sư dịch tễ học và thống kê sinh học tại Trường Y tế Công cộng, Đại học Illinois ở Chicago (Mỹ), đã thực hiện trước năm 1990. Tuổi thọ trung bình của toàn thế giới hiện nay là 72 tuổi. Thời điểm đó ông Olshansky lập luận rằng, thế giới đang tiến gần đến hồi kết của một "cuộc cách mạng trường thọ", y học chỉ có thể đưa chúng ta đến một khoảng cách nhất định trước khi chúng ta bị khuất phục trước quá trình lão hóa. Nghiên cứu mới nhất cung cấp thêm bằng chứng cụ thể để chứng minh cho tuyên bố này.
Vậy tại sao tuổi thọ lại tăng nhiều như vậy trong thế kỷ qua? Khoảng 100 năm trước, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tuổi thọ trung bình của con người là khoảng 50 tuổi. Đến năm 1990, con số này đã tăng lên khoảng 70 (khoảng 85 tuổi ở những nước giàu có) và theo sau là cái mà các nhà nghiên cứu gọi là "cuộc cách mạng trường thọ".
Những tiến bộ trong chăm sóc y tế giúp ngăn ngừa tử vong ở trẻ sơ sinh và đặc biệt là tử vong ở phụ nữ khi sinh con đã tạo nên cuộc cách mạng tuổi thọ đầu tiên, chứng kiến tuổi thọ trung bình của cả nam và nữ tăng lên đáng kể vì phụ nữ và trẻ em vốn thường tử vong sớm trong cuộc đời giờ đây sống đến độ tuổi "bình thường".
Từ cuối thế kỷ 20, y học đã chuyển sự chú ý sang các bệnh trở nên phổ biến hơn như: bệnh tim, ung thư, đột quỵ và bệnh Alzheimer. Mọi người hiện cũng đang sống sót sau những tình trạng này nhờ vào tiến bộ của y học.
Làm chậm quá trình lão hóa
Nghiên cứu của ông Olshansky và các cộng sự đã xem xét dữ liệu về tuổi thọ trung bình khi sinh được thu thập từ năm 1990 đến năm 2019. Nghiên cứu đã chủ ý dừng lại ở năm này để loại bỏ bất kỳ sự kìm hãm nào do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo đó, trong khoảng thời gian trên, tuổi thọ trung bình cao nhất đã vượt quá 85 tuổi ở một số quốc gia giàu có được nghiên cứu (khoảng 88 tuổi đối với phụ nữ và 82 tuổi đối với nam giới). Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình tối đa được dự đoán sẽ dừng lại ở khoảng 87 tuổi (84 tuổi đối với nam giới và 90 tuổi đối với nữ giới), hiện một số quốc gia đã gần đạt đến mức này. Tuy nhiên, sau đó, con số này sẽ ngừng tăng.
Trọng tâm của nghiên cứu này cho thấy những giới hạn mà cuộc cách mạng về tuổi thọ có thể đạt được. “Khi bạn sống đến những độ tuổi ngày càng cao (70, 80, 90, 100 tuổi), bạn sẽ gặp phải một vấn đề, đó là quá trình lão hóa sinh học. Vì vậy, khi sự sống được đẩy đến một khoảng thời gian mà chúng phải đối mặt với một lực bất biến của quá trình lão hóa sinh học thì sự gia tăng tuổi thọ phải chậm lại” - ông Olshansky cho biết.
Cuối cùng, nghiên cứu đã chỉ ra cách duy nhất để kéo dài tuổi thọ từ thời điểm này trở đi là làm chậm quá trình lão hóa.
Theo ông Olshansky, với những tiến bộ trong công nghệ y tế, tuổi thọ có nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên, nhưng vẫn có giới hạn do quá trình lão hóa tự nhiên. Do đó, bước tiếp theo để tiếp tục "cuộc cách mạng trường thọ" là làm chậm quá trình lão hóa, điều mà ông Olshansky tự tin là có thể xảy ra.
"Với những tiến bộ nhanh chóng hiện đang diễn ra trong khoa học lão khoa, có lý do để lạc quan rằng, một cuộc cách mạng tuổi thọ thứ hai đang đến gần dưới hình thức làm chậm quá trình lão hóa sinh học, mang đến cho nhân loại cơ hội thứ hai để thay đổi quá trình sinh tồn của con người" - nghiên cứu nêu rõ.
Ông Olshansky cho biết, một số cá nhân sống thọ có thể sở hữu một loại dấu hiệu di truyền nào đó, nghiên cứu sâu hơn về dấu hiệu này có thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến tuổi thọ cao. "Có khả năng là những người sống lâu sở hữu những gen cụ thể sản xuất ra protein trong cơ thể để bảo vệ họ khỏi những thứ khiến người khác không thể sống thọ" – ông Olshansky nói.