Một trong những khó khăn của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hiện nay là nhiều giờ thực hành, thí nghiệm, đồ án… của sinh viên đang phải tạm hoãn do dịch bệnh.
Ưu tiên sinh viên năm cuối
Do dịch bệnh, đa số các trường ĐH nằm trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương ở vùng tâm dịch xác định đã phải học trực tuyến từ đầu năm học đến nay. Với các nội dung lý thuyết, việc học không có nhiều trở ngại nhưng với các môn học thực hành, thí nghiệm đòi hỏi những điều kiện chuyên biệt, trực tiếp thực hành các thao tác kỹ thuật chuyên môn không chỉ hướng dẫn qua màn hình máy tính mà phải “cầm tay chỉ việc” là một khó khăn với thầy và trò hiện nay.
Với phương châm ưu tiên cho các khóa sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và những sinh viên còn nợ môn, các trường đã và đang lên lịch để sinh viên năm cuối được đến trường hoàn thành các học phần thực hành, thí nghiệm, đồ án.
Từ ngày 1/11, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM đã tổ chức dạy học, hướng dẫn, nghiên cứu trực tiếp tại trường các học phần thực hành, thí nghiệm, đồ án môn học, khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên có nhu cầu.
Lãnh đạo nhà trường cho biết khi dạy - học trực tiếp tại trường, giảng viên, người học phải tiêm đủ 2 liều vaccine và có điều kiện di chuyển đến trường. Đồng thời phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch. Tối đa, mỗi lớp có 20 người, ưu tiên sinh viên khóa 2018 trở về trước. Đại diện nhà trường cũng cho biết đối với những sinh viên chưa đáp ứng các điều kiện hoặc không có nhu cầu đăng ký học thì nhà trường sẽ tổ chức các học phần trên khi đáp ứng đủ các điều kiện tổ chức dạy và học, nghiên cứu theo quy định chung.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) thông báo bắt đầu từ 6/12 sẽ mở lại các học phần có nội dung thực hành cho sinh viên khóa 2018 trở về trước chưa hoàn tất giảng dạy trong học kỳ II và các học phần thực hành của học kỳ I (năm học 2021-2022). Các học phần lý thuyết sẽ vẫn học trực tuyến để bảo đảm phòng, chống dịch
Ở phía Bắc, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã cho sinh viên năm cuối và năm thứ 4 quay trở lại trường từ sau ngày 25/11 để hoàn thành các nội dung học thực hành với các quy định hết sức chặt chẽ về an toàn phòng, chống dịch. Dự kiến, từ sau ngày 15/12, sinh viên năm thứ 3 và năm thứ 2 sẽ đến trường học trực tiếp các nội dung thực hành, còn các nội dung lý thuyết vẫn tiến hành với hình thức trực tuyến. Riêng sinh viên năm thứ nhất chưa đến trường.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, theo kế hoạch, các trường thành viên chỉ ưu tiên tổ chức cho sinh viên thực hành, thí nghiệm, đồ án để tốt nghiệp học trực tiếp theo quy mô nhỏ.
Đẩy mạnh các xưởng thực hành ảo
Trên thực tế, đối với các trường khối ngành kỹ thuật hoặc các khoa, ngành theo định hướng ứng dụng thì số giờ thực hành tương đối nhiều. Trong đó, bao gồm thực hành tư duy và thực hành thao tác kỹ thuật. Nhìn chung, với các học phần lý thuyết và thực hành tư duy, các trường có thể tổ chức đào tạo trực tuyến rất thuận lợi. Tuy nhiên, các học phần thực hành thao tác kỹ thuật thường đòi hỏi phải học trực tiếp mới bảo đảm chất lượng đào tạo.
Sinh viên Nguyễn Cường (sinh viên năm 4 ngành Du lịch, Trường ĐH Văn Hóa Hà Nội) cho biết, theo lịch, đáng lẽ từ cuối năm thứ 3, Cường và các bạn đã có thời gian 2 tháng thực tập ở một nhà hàng, khách sạn hay công ty lữ hành. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên đến nay việc thực tập vẫn bị tạm hoãn. Mặc dù các bài học lý thuyết khá đa dạng và phong phú, thầy cô tích cực đưa các ví dụ thực tế vào bài giảng song do “học chay”, chưa được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế nên Cường và các bạn của mình vẫn thấy chưa đủ tự tin vì thiếu hụt kinh nghiệm. Khó khăn trước mắt là chưa đủ điều kiện về số giờ thực hành nên lo bị trễ tốt nghiệp nhưng quan trọng hơn là thiếu kỹ năng thực tế khiến ít cơ hội xin việc.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết trước những khó khăn về vấn đề thực hành, nhà trường quyết định sử dụng một số phần mềm mô phỏng để sinh viên có thể tự học, tự thực hành, hỗ trợ cho việc thực hành ở xưởng. Theo đó, những phần mềm mô phỏng các công nghệ tiên tiến của nước ngoài cho phép sinh viên có thể thực hành ngay trên máy tính, những thao tác như lắp ráp, sửa chữa thiết bị. Ưu điểm của các phần mềm mô phỏng hay thiết bị thực tế ảo đó là sinh viên có thể tập làm quen với thiết bị, thực hành ảo và sau này, khi được trở lại trường với dụng cụ, thiết bị thật sẽ không mất nhiều thời gian làm quen.
Đây không chỉ là giải pháp tạm thời mà là xu hướng tất yếu khi công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong ngành Giáo dục, đặc biệt là ở khối giáo dục ĐH và CĐ, trung cấp thì việc tăng cường nội dung thực hành để “học đi đôi với hành” được đảm bảo dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.