Dù sản phẩm làm ra đảm bảo tiêu chí sạch, an toàn, ngon nhưng tỷ lệ hàng nông sản của nông dân tiêu thụ trên kênh hiện đại khá khiêm tốn. Đây chính là lý do khiến nhiều nông dân đầu tư sản xuất theo quy trình hiện đại nhưng lại bí đầu ra cho sản phẩm.
Khó khăn đầu ra
Mật ong Việt Nam xuất khẩu liên tục sang EU, Mỹ; xoài Sơn La xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Anh, Australia; trái vải Lục Ngạn được đánh giá rất cao ở Nhật Bản, Pháp…cho thấy những chính sách xây dựng, phát triển thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ và đặc biệt là việc cung cấp thông tin thị trường cho bà con ở khu vực nông thôn, miền núi đang phát huy tác dụng, không chỉ khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam ở thị trường thế giới mà còn giúp tạo sinh kế cho người dân, nâng cao đời sống và góp phần giảm nghèo cho đồng bào ở khu vực này.
Thực thế là vậy, tuy nhiên, số lượng hàng nông sản của nông dân được xuất khẩu cũng như tiêu thụ tại những kênh phân phối hiện đại tại thị trường trong nước vẫn còn rất khiêm tốn.
Đề cập đến những khó khăn khiến tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi giá trị thấp, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết, Hà Nội được xem là trung tâm tiêu thụ nhưng thực tế tỷ lệ nông sản của nông dân được tiêu thụ qua chuỗi giá trị chỉ chiếm chưa đến 10%. Nguyên nhân là do phần lớn nông dân còn mơ hồ hoặc hiểu chưa đúng về chuỗi giá trị dẫn đến liên kết với tác nhân khác còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Thậm chí, nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh...
Ông Đỗ Văn Huân (ở xã Trung Châu, huyện Đan Phượng) cho biết, sản phẩm giá đỗ của gia đình đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, gia đình đang cung cấp cho các bếp ăn trường học, bếp ăn công nghiệp với sản lượng 1 tấn/ngày. Dự kiến, trong năm 2023, ông Huân sẽ mở rộng quy mô sản xuất, nhưng băn khoăn cũng như mong muốn lớn nhất của ông là làm sao tìm được đối tác để ký kết tiêu thụ sản phẩm vào kênh siêu thị theo hướng bền vững, lâu dài.
Chủ động tìm hiểu thị trường
Để sản phẩm nông nghiệp vào được hệ thống phân phối hiện đại, nhiều ý kiến cho rằng, HTX cần chú trọng các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu; sản lượng đồng đều; giá thành hợp lý…Bên cạnh đó, nông dân, HTX cần biết phân loại đối tượng người tiêu dùng theo từng phân khúc (nông thôn hay thành thị) và chủ động tìm hiểu thị trường. Đặc biệt, liên hệ với đơn vị, cơ quan quản lý Nhà nước để được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Chia sẻ về giải pháp tìm đầu ra cho nông sản của địa phương, ông Phạm Công Toản - Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết, để nông sản Bắc Giang nói chung và trái vải thiều Lục Ngạn nói riêng có chỗ đứng trên thị trường, tỉnh đã có sự có chuẩn bị từ nhiều năm, đồng thời kiên định nâng cao chất lượng; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện, chuẩn hóa bao bì, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc (tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí bao bì, tem nhãn).
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cũng cho rằng, kênh bán lẻ hiện đại là những trung tâm thương mại và siêu thị đòi hỏi cao tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, siêu thị còn kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở sản xuất, tiếp đến mới quyết định ký hợp đồng với nhà sản xuất. Do đó, nông dân, HTX cần đặc biệt lưu ý vấn đề sản xuất an toàn để sản phẩm đạt chất lượng đồng đều.
Gợi mở về giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi, ông Đoàn Đức Dân cho rằng, nông dân cần lưu ý việc quy hoạch vùng sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc hữu cơ được các tổ chức, cơ quan chức năng chứng nhận thì giá trị sản phẩm mới được nâng lên. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp tin tưởng, sẵn sàng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với bà con.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công thương cho biết, Bộ Công thương đã xây dựng một chiến lược phát triển thị trường thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2021. Trong đó đã giao cho các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt vai trò chủ chốt là Bộ Công thương về việc tổ chức ra được thị trường tiêu thụ hỗ trợ sản xuất trong nước, trong đó nhấn mạnh đến mặt hàng nông sản.