Thâm nhập thị trường các nước phát triển vốn đã khó, tạo chỗ đứng lâu dài còn khó hơn. Để làm được điều này, thời gian qua, không ít doanh nghiệp ngành rau, quả đã luôn tìm cách đổi mới để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe, vốn có nhiều biến động của các đối tác.
Bà Lý Mai Thảo -Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xuất - nhập khẩu Nông sản Hải Nam (tỉnh Bình Thuận) cho biết, trước đây xuất khẩu trái thanh long chỉ được tuyển chọn mua từ các hộ dân rồi xử lý, đóng gói, xuất khẩu. Tuy nhiên, cách làm này chỉ có hiệu quả thời gian đầu. Sản phẩm xuất đi Mỹ, Úc không được phía đối tác đặt mua, thậm chí có nhiều lô hàng còn bị trả về.
Nguyên nhân, theo bà Thảo, tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường nói trên đòi hỏi ngày càng cao hơn. Cụ thể sản phẩm xuất khẩu cần phải tuân thủ Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm dịch động thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất tồn dư khác ở dưới mức cho phép, không có các loại sâu bệnh thuộc đối tượng dịch hại mà các nước quan tâm, nhất là ruồi đục quả. Để đáp ứng được yêu cầu như trên đối với các nhà vườn ở Việt Nam là cực kỳ khó, bởi mỗi gia đình thường sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống. Vị Tổng giám đốc Công ty Hải Nam chia sẻ, muốn đưa được loại đặc sản này đến các thị trường khó tính cần phải thay đổi cách làm.
Vào giữa năm 2018, bà Thảo bắt tay vào hình thành khu nguyên liệu cho riêng công ty, bằng cách thuê hơn 200ha đất canh tác của các hộ dân ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, rồi tự tay bà tuyển chọn các loại cây giống phù hợp. Đồng thời đất canh tác phải xử lý lại hoàn toàn để không còn nguồn dịch bệnh gây hại và không còn dư lượng hóa chất độc hại từ nguồn phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trước đây.
Bên cạnh nguồn đất thuê, công ty còn đặt hàng nhiều hộ dân trong huyện trồng thanh long xuất khẩu. Tất cả quy trình trồng chăm sóc, thu hoạch phải đảm bảo tiêu chuẩn GlobalGAP. “Đối với một trái thanh long xuất khẩu đi Mỹ, Úc hay các nước EU phải đảm bảo: Không cho phép đất, cát, bụi bẩn, vết nhựa đen, kim loại… trên bề mặt trái; Không còn côn trùng, dấu vết của thuốc trừ sâu; trọng lương khoảng 300g-350g/quả; phải ghi rõ vườn sản xuất, địa chỉ, mã code. Ngoài ra, thanh long phải được chiếu xạ khử trùng với liều lượng hấp thụ tối thiểu 400 gram” - bà Thảo nói.
Nhờ cách làm mới và tuân thủ các bước như trên mà số lượng xuất khẩu của DN bà Thảo luôn tăng trưởng mỗi năm từ 30-40% (khoảng 1200-1500 tấn/năm). Thậm chí, trong gần 2 năm qua, dù bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nhưng công ty vẫn duy trì được số lượng, chất lượng hàng hóa xuất đi.
Đầu tư vào lĩnh vực được cho là có nhiều rủi ro hơn, đó là trồng rau quả sạch, bà Ngô Thị Thanh - Tổng Giám đốc công ty rau quả Thái Nga cho biết, trước đây, công ty cũng đã phát triển nguồn rau quả bình thường trên chính trang trại sẵn có của mình. Sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ trong nước và xuất khẩu đi các nước lân cận như Trung Quốc, Campuchia. Tuy nhiên, việc này không mấy thành công do nguồn cung ở Lâm Đồng, các tỉnh miền Tây quá lớn.
Nhận thấy để phát triển đột biến, phải có cách làm khác. Qua tìm hiểu, lĩnh vực rau, củ quả sạch ở trong nước vẫn còn mới mẻ, người tiêu dùng cũng đang hướng tới ăn thực phẩm sạch. Hơn nữa muốn phát triển được các thị trường khó tính đòi hỏi sản phẩm của công ty sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn chính nước nhập khẩu.
Để làm được điều đó, công ty phải kêu gọi vốn, đầu tư thêm trang trại, thuê chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn về kỹ thuật, phát triển thị trường. Theo bà Thanh, hàng của công ty chủ yếu phục vụ xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Để thuyết phục được đối tác nước ngoài mua hàng hực sự không hề đơn giản, bởi họ luôn đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất cao...
Bà Thanh kể, có những lúc công ty tưởng chừng không thể đứng vững nhưng với vai trò là người đứng đầu công ty, bà luôn động viên anh em kiên trì. Phải mất 3 năm như thế, công ty mới tạo được chỗ đứng ở thị trường. “Để có được thành công như ngày hôm nay, ngoài những sự quyết tâm, kiên trì, chấp nhận rủi ro thì nguyên nhân thành công còn nằm ở chỗ công ty đã đi đúng hướng trong việc tự mình phát triển nguồn nguyên liệu” - bà Thanh chia sẻ.