Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến cuối tháng 5/2017, cả nước có 939 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 5,59 tỷ USD.
Ảnh minh họa.
Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2017, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ 66,7%. Mặc dù còn dùng dằng sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương nhưng Việt Nam vẫn đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là do FDI nắm giữ, DN FDI cũng đang đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tác.
Chính sự phát triển khá mạnh của DN FDI vô hình trung tạo ra hai nền kinh tế song song trong một quốc gia. Nhìn nhận từ kế hoạch và chiến lược phát triển của DN FDI, các chuyên gia kinh tế cùng chính quyền địa phương phải tấm tắc khen ngợi về sự lớn mạnh từ quy mô, nguồn vốn, quản trị, công nghệ, nhân lực.
Phát triển của doanh nghiệp FDI là thế. Tuy nhiên mới đây tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2017, các chuyên gia kinh tế mổ xẻ về những yếu điểm của FDI lại cho rằng, FDI đóng góp khá lớn cho sự phát triển của nền kinh tế nhưng không hỗ trợ DN nội địa chuyển giao công nghệ, tiêu thụ đầu ra sản phẩm. DN Việt gần “đèn” nhưng không thấy “sáng” hơn.
Cụ thể, vài chục năm nay nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam với nhiều lĩnh vực riêng lẻ và Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn, ngoài việc đóng góp, phát triển kinh tế, doanh nghiệp FDI còn hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân chuyển giao công nghệ, đổi mới dây chuyền sản xuất.
Thế nhưng, tính đến thời điểm này, sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước chưa diễn ra một cách hiệu quả, nhất là một số ngành quan trọng làm cản trở tăng năng suất thông quan chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ quản lý.
Ngoài sự yếu kém về hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển công nghệ hiện đại, DN FDI chưa thật sự là điểm tựa để tiêu thụ sản phẩm cho DN nội địa.
Theo đó, tỷ lệ DN tư nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho DN FDI rất hạn chế. Hiện chỉ có khoảng 14% DN tư nhân đang là khách hàng của các DN FDI và chỉ có khoảng gần 27% sản phẩm đầu vào được mua từ các DN Việt.
Bởi vì theo DN FDI, DN trong nước không đủ năng lực tham gia chuỗi giá trị do sản phẩm của DN tư nhân không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, kỹ thuật.
Điều cần làm nhất hiện nay là thay đổi thể chế cho phù hợp với xu hướng hội nhập. Tạo điều kiện thuận lợi, công bằng trong môi trường đầu tư, tránh tình trạng quá thiên vị bằng các hình thức như: ưu đãi thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, thuế đất cho DN FDI.