Sau 6 tháng triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia (DVC) đến nay từ 8 nhóm dịch vụ ban đầu đã tăng lên 389 dịch vụ công trực tuyến (160 cho công dân, 229 cho doanh nghiệp); cung cấp chức năng thanh toán trực truyến để người dân, doanh nghiệp nộp các nghĩa vụ tài chính liên quan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần cải tiến hơn nữa để hút người dân sử dụng các DVC trực tuyến.
Khắc phục điểm nghẽn trong triển khai dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân tốt hơn. Ảnh: TL.
Tiện ích, hiệu quả
Tính đến ngày 8/5/2020, Cổng DVC quốc gia đã có trên 35 triệu lượt truy cập; trên 134.000 tài khoản đăng ký; trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng DVC quốc gia; tiếp nhận, hỗ trợ trên 10.000 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng DVC quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
Để hút người dân và doanh nghiệp sử dụng ngày càng nhiều DVC trực tuyến đã rất nhiều DVC sẽ không còn sử dụng hình thức trực tiếp qua giấy tờ như trước. Cụ thể, thể từ 12/5, Cổng DVC quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó 6 DVC được cung cấp là hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; Kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; Kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid.
Các DVC này trên Cổng DVC quốc gia sẽ hỗ trợ cho 4 triệu đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid 19, rút ngắn thời gian thực hiện từ 6 đến 10 ngày làm việc với từng đối tượng so với cách triển khai trực tiếp. Đồng thời, thông qua kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị sẽ hỗ trợ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát việc thực hiện các gói hỗ trợ của nhà nước theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, người dân gặp khó khăn sẽ không nhất thiết phải gặp trực tiếp cán bộ mà chỉ cần một cú kích chuột thông qua Cổng DVC quốc gia để “đề đạt” nguyện vọng của mình.
Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Rõ ràng thời gian qua Chính phủ các Bộ, ngành địa phương đã rất nỗ lực để tiến tới một nền hành chính không giấy bằng việc kéo người dân tham gia vào các DVC trực tuyến, tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn còn một số bất cập, vướng mắc nhất định.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, vẫn còn nhiều khó khăn nhất định khi thực hiện DVC trực tuyến: “Có những thủ tục đòi hỏi người dân phải scan dữ liệu. Đặc biệt là trong xây dựng yêu cầu kèm bản vẽ thiết kế xây dựng nên chưa thuận lợi cho người dân, dẫn đến tỷ lệ thực hiện trong lĩnh vực này thấp. Quận cũng chưa có 1 cơ sở dữ liệu chung nên cán bộ công chức ngoài thực hiện trên máy tính thì còn làm trên giấy nên chưa rút ngắn được thời gian”.
Ngoài những quy định chung gây ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ, thì theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin -Truyền thông TP Hồ Chí Minh, một hạn chế khác khiến tỷ lệ người dân và cả doanh nghiệp chưa “mặn mà” với DVC trực tuyến, đó là công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, việc giải quyết hồ sơ nhiều nơi chưa minh bạch. Làm sao để người dân an tâm rằng hồ sơ nộp trực tuyến vẫn được giải quyết như nộp trực tiếp, được hỗ trợ kịp thời khi thiếu thông tin và tiến độ xử lý được công khai để họ theo dõi- đây là những yếu tố quan trọng để tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến tăng lên.
Trong khi đó tại Hà Nội, chị Phương một cán bộ của bộ phận 1 cửa của phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, trong quá trình sử dụng DVC trực tuyến, cán bộ luôn nỗ lực hỗ trợ người dân tối đa để họ có thể sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, người dân không phải ai cũng có thể thích ứng nhanh với công nghệ mới cho nên việc hướng dẫn đi hướng dẫn lại nhưng nhiều người vẫn chưa sử dụng được là chuyện bình thường. Vướng mắc nữa là trong quá trình thực hiện các DVC vẫn xảy ra tình trạng nghẽn mạng hay lỗi kĩ thuật khiến cán bộ không thể nhập dữ liệu vào hệ thống, khiến người dân phải chờ lâu. Trong khi đó, để xử lý tình trạng lỗi ở hệ thống thì phải chờ cấp thành phố. Đối với các thủ tục khác người dân có thể chờ đợi được nhưng vài dịch vụ như thủ tục khai tử mà để người dân phải chờ đợi quá lâu vì nghẽn mạng thì việc ứng dụng công nghệ thông tin để làm thủ tục này đôi khi khiến nhanh thành chậm.
Đánh giá về kết quả vận hành Cổng DVC quốc gia thời gian qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, chúng ta đã đạt được kế hoạch đề ra, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Cụ thể: Vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chậm hoàn thành việc tích hợp đăng nhập một lần với Cổng DVC quốc gia; chưa thực hiện đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); đôi khi việc gửi, nhận hồ sơ trực tuyến đến các bộ, địa phương còn chưa thông suốt do chậm xử lý kỹ thuật đường truyền; một số bộ, ngành còn chậm công bố, công khai TTHC, dẫn tới địa phương cũng phải chậm công bố, công khai TTHC trong lĩnh vực đó…
Bởi vậy, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng thực hiện các phần việc còn lại để tích hợp, đồng bộ các lĩnh vực, TTHC, dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm đạt tối thiểu 30% DVC trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số DVC trực tuyến của bộ, ngành, địa phương được tích hợp, cung cấp lên Cổng DVC Quốc gia năm 2020.