Kinh tế

Khai thác cơ hội từ hiệp định thương mại

T.Hằng 25/12/2023 07:30

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) tăng mạnh nhưng các doanh nghiệp cho hay, họ vẫn đối diện nhiều thách thức khi tham gia vào dòng chảy của các FTA.

anhbaia.jpg
Để có thể tận dụng được các ưu đãi từ các FTA, doanh nghiệp cần phải nỗ lực tái cơ cấu, tăng cường nội lực. Ảnh: Quang Vinh.

Cơ hội chưa được phát huy

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác với 193 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 5 đối tác chiến lược toàn diện, 18 đối tác chiến lược, 12 đối tác toàn diện); có quan hệ thương mại với 224 thị trường, đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế; đàm phán, ký kết và thực thi 19 FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế.

Việc thực thi các FTA đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, đưa hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu từ đó thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng cao và cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư.

2022 là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam có xuất siêu với mức thặng dư hơn 11 tỷ USD. 11 tháng năm 2023 ghi nhận mức xuất siêu gần 26 tỷ USD.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, quá trình thực thi các FTA vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ. Bà Phương dẫn chứng tỷ lệ tận dụng FTA tại các thị trường đối tác của Việt Nam chưa đạt được kỳ vọng. Ví dụ như với EU, dù là thị trường được đánh giá tỷ lệ tận dụng tương đối cao cũng chỉ đạt ở mức 26 %.

Bên cạnh đó, các DN đang tận dụng tốt FTA phần lớn là DN FDI, còn các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, việc này còn “hạn chế”.

Đại diện Bộ Công thương cho hay, phần lớn sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gia công, doanh nghiệp chưa xây dựng được các sản phẩm có thương hiệu “Made in Việt Nam” trên thị trường các nước FTA.

PGS.TS Tạ Văn Lợi -Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng Việt Nam xuất khẩu nhiều vào các thị trường trọng điểm tại châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… nhưng cũng nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN… nên hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn nằm xung quanh các chuỗi giá trị. Lợi ích của toàn cầu hóa không phải là chia đều cho các quốc gia, nước nào càng nhiều năng lực và tiềm lực sẽ chiếm được nhiều lợi thế hơn. Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển, năng lực của DN còn yếu, cơ hội mở ra nhưng phần nhận được vẫn không quá lớn.

Doanh nghiệp cần tăng nội lực

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, 3 năm qua sau khi thực hiện Hiệp định CPTPP, tỷ lệ xin xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan rất thấp. Trong số 7 nước đã ký CPTPP thì Việt Nam hầu như đã có hiệp định song phương hoặc đa phương, nên các ưu đãi gần như đã tận dụng từ trước. Theo ông Dương, đối với ngành may thì vấn đề xuất xứ từ sợi trở đi là điểm yếu để khiến Việt Nam chưa được hưởng ưu đãi. Ông Dương cho rằng, muốn DN tận dụng được các ưu đãi nhất định phải thay đổi về chính sách, chế độ.

PGS. TS Tạ Văn Lợi nhận định, các DN Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế cần gia tăng sức mạnh để tận dụng những cơ hội và dư địa. Các DN phải cải cách mạnh mẽ, tìm các đối tác để chuyển giao công nghệ, nâng cao cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực… theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Giới chuyên gia cho rằng yếu tố cơ bản là cần cải thiện năng lực kinh tế. Cơ quan quản lý nên đưa ra các chính sách để gia tăng khả năng cạnh tranh cho quốc gia và DN, tăng cường truyền thông để cộng đồng DN hiểu và có chiến lược chuẩn bị cho những biến động, xu hướng thay đổi từ các thị trường lớn trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ tận dụng tối đa không gian chính sách mà Việt Nam được phép trong các cam kết để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời, tạo cơ sở phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước (nhất là khâu hợp tác sản xuất, cung ứng vật tư nguyên liệu cho sản xuất từ nguồn tại chỗ) để thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai thác cơ hội từ hiệp định thương mại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO