Tình trạng ùn ứ hàng nghìn xe container hàng hóa nông sản ở biên giới đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc thay đổi cách chế biến, tiêu thụ nông sản, trong đó có việc tiêu thụ nội địa. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa chú trọng khai thác thị trường nội địa, điều này dẫn đến nguy cơ mất ưu thế ngay trên “sân nhà”.
Chưa chú trọng thị trường nội địa
Đề cập đến tiềm năng thị trường nội địa, ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết, hiện nay ở Việt Nam, tại các thành phố đang phát triển rất mạnh, nông thôn cũng đã thay đổi nhiều, mức sống của người dân đã khác hẳn trước. Cùng với đó, hiện nay hệ thống giao thông vận tải rất thuận lợi, kết nối giữa các vùng không còn khó khăn, do đó việc đưa sản phẩm nông thủy sản đến với các vùng quê rất thuận lợi. Chính vì vậy doanh nghiệp (DN) nên quan tâm đến thị trường nội địa.
“Đối với các DN chế biến nông thuỷ sản, thị trường 10 triệu dân đã là rất quý, nên với gần 100 triệu dân trong nước mà bỏ qua thì quá lãng phí và thiếu sót”, ông Hùng nói.
Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Thanh Hòa - Cục phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, năng lực sản xuất nông thủy sản của Việt Nam rất lớn. Hiện nay, Việt Nam đang trong top 56 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu trên thế giới, có nhiều sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào được thị trường khó tính. Tuy nhiên, các DN chưa thực sự chú trọng đến tiêu thụ trong nước.
PGS.TS Dương Văn Chín - nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ, nếu DN bỏ thị trường nội địa tức là đã tạo cơ hội cho hàng nước ngoài. Chẳng hạn, nếu không chăm chút phát triển thị trường nội địa cho trái cây Việt Nam, trái cây Thái Lan sẽ tràn vào, với những lợi thế về giá cả và mẫu mã sẽ chiếm ưu thế trên chính thị trường nội địa.
“Nếu nguy cơ mất ưu thế trên thị trường nội địa là hiện hữu, người nông dân Việt Nam, DN Việt Nam chính là những đối tượng bị thiệt hại. Bởi lẽ, khi sản phẩm nước ngoài vào chiếm lĩnh, sản xuất trong nước sẽ bị teo tóp lại. Đó là hậu quả của chuyện không chịu cải tiến để cạnh tranh thắng lợi trên sân nhà” - ông Chín nói.
Thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, tiêu dùng nội địa trong thời điểm hiện nay là hết sức cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sản xuất và đời sống của bà con nông dân. Trong khi đó, theo dự báo ngành nông nghiệp, nhu cầu sản phẩm nông nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ tăng so với năm trước. Cụ thể: Lúa gạo 43,86 triệu tấn (tăng 2%), thịt các loại 6,2 triệu tấn (tăng 14,8%), trứng 16 tỷ quả (tăng 10%), thủy sản 8,73 triệu tấn (tăng 1%), rau 1,8 triệu tấn (tăng 1,7%)... Do vậy, các DN, hợp tác xã cần tập trung sản xuất, chế biến bảo đảm nguồn cung phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tận dụng lợi thế “sân nhà”
Theo TS Nguyễn Việt Dũng - Viện KH&CN Nhiệt Lạnh (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội), năm 2022 là năm thứ 3 có dịch Covid-19 nên nhiều chuỗi cung ứng, kinh doanh đã thay đổi và thương mại điện tử đi kèm với chuyển đổi số sẽ rất phổ biến. Không gian mạng sẽ đi thẳng từ người sản xuất đến người tiêu dùng mà không có các giai đoạn trung gian vì vậy, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy một hướng đi mới trong tiêu thụ nông, thủy sản trong thời gian tới. Ngành chức năng và các DN cần tận dụng cơ hội này để thúc đẩy tiêu thụ nội địa, nhất là dịp Tết Nguyên đán tới đây nhu cầu của người dân gia tăng.
Với góc nhìn của một doanh nghiệp sản xuất, ông Hoàng Văn Sơn - Giám đốc Công ty CP XNK Natur Fish khẳng định, thị trường nội địa chính là một lợi thế cạnh tranh, là một cơ hội phải làm thật nhanh và quyết tâm đầu tư càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, doanh nghiệp cũng gặp phải một số khó khăn khi chinh phục thị trường nội địa, đó là thay đổi thói quen dùng đồ tươi sống sang đồ đông lạnh của người dân, giá thành, mặt bằng, chi phí kinh doanh... Chính vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng có những chính sách hỗ trợ DN để khai thác thị trường tiềm năng này.
Tại diễn đàn đẩy mạnh kết nối tiêu thụ tại thị trường nội địa mới đây, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, để chinh phục người tiêu dùng Việt Nam không khó. Các bộ, ngành liên quan cần có chính sách khích lệ tổ chức sản xuất vừa năng suất vừa chất lượng, có khối lượng lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến, đóng gói đẹp không thua kém hàng nước khác nhập khẩu vào Việt Nam.
Song song với đó, các doanh nghiệp kinh doanh phải xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp, tiếp thị cả kênh truyền thống lẫn kênh hiện đại, cả siêu thị lẫn chợ truyền thống các mặt hàng của Việt Nam.
Để thúc đẩy tiêu thụ nông thủy sản nội địa, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công thương, Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam để sửa đổi một số quy định về dư lượng chất kháng sinh trong các sản phẩm thủy sản. Qua đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, các địa phương phải chủ động rà soát năng lực, nhu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản; thực hiện có hiệu quả công tác kết nối tiêu thụ nội địa giữa các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, bà con nông dân với doanh nghiệp thu mua, cơ sở chế biến, các hệ thống phân phối, tiêu thụ hoặc thông qua các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản...