Kinh tế

Khai thác thế mạnh nông sản Việt

Thanh Xuân 05/12/2023 06:52

Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.

anhbaitren.jpg
Cà phê là ngành hàng mang lại giá trị xuất khẩu cao. Ảnh: Thanh Nga.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển thương hiệu nông sản” do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 4/12.

Nhiều lợi thế

Theo nhận định của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, sản xuất nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đạt nhiều thành tựu to lớn, sản lượng lương thực thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đóng góp ngày càng nhiều vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Mặc dù có nhiều lợi thế, song theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản vẫn thấp, giá thành cao, chất lượng không ổn định và chưa có nhiều thương hiệu vươn tầm quốc tế. “Hàng năm, dù kim ngạch xuất khẩu nông sản đều đạt mức cao nhưng hiệu quả lại thấp do sức cạnh tranh kém. Việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu thời gian qua chủ yếu do tăng sản lượng, trong khi đó thương hiệu là yếu tố rất quan trọng tạo nên giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của nông sản chưa được củng cố” – ông Tiệp nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định, bà Nguyễn Mai Hương - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng, 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, xây dựng thương hiệu cho nông sản có vai trò rất lớn trong việc gia tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao vị thế và giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nâng sức cạnh tranh bằng thương hiệu

Theo bà Hương, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của Việt Nam là một giải pháp quan trọng nhằm gia tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam ở thị trường trong nước và thế giới. Chủ trương này đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết, chiến lược, chương trình ở cấp quốc gia và chính sách, chương trình, đề án ở cấp bộ, ngành. Dù được đề cập nhiều nhưng vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản vẫn chung chung, chưa cụ thể phát triển như thế nào. Các sản phẩm nằm rải rác ở các quyết định, chương trình, chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho nông sản; chưa có sự kết nối, điều phối giữa các bên liên quan.

Đến nay mới chỉ có 2 sản phẩm trong tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm: nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” do Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu và nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu. Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra... đang trong quá trình xây dựng.

Thậm chí, dù nhãn hiệu chứng nhận gạo Việt Nam đã được bảo hộ trong nước và tại một số nước, nhưng cho đến nay chưa được cấp cho bất cứ DN nào sử dụng vì còn một số vướng mắc về cơ sở pháp lý quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ ra nước ngoài cũng gặp khó khăn do thiếu kinh phí; một số nước chỉ chấp nhận bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu thông thường, không bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận.

Từ đó, bà Hương nêu giải pháp: Cần xây dựng hành lang pháp lý quy định cụ thể về việc sử dụng và quản lý tên quốc gia (“Việt Nam” hoặc tương đương) để tạo điều kiện đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản quốc gia trong thời gian tới tại cả thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho việc đăng ký bảo hộ đối với các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý…

Đại diện Cục Xúc tiến thuơng mại, Bộ Công thương cho rằng, để việc phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam đạt hiệu quả, trước tiên cần lựa chọn một số loại nông sản tiêu biểu, có thế mạnh vượt trội, có tiềm năng sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, cần có chính sách để nâng cao chất lượng và phải đảm bảo chất lượng trên diện rộng để tạo thành thương hiệu cho một ngành hàng.

Giới chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, hiện nay Việt Nam chưa có chính sách riêng nào để hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu nông sản. Vì vậy, cần xây dựng một cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu cho nông sản đảm bảo phù hợp hợp với các chủ trường, chính sách, cơ sở pháp lý liên quan; trong đó, tập trung vào các chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu thông qua thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong và ngoài nước; hỗ trợ xây thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.

Để việc phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam đạt hiệu quả, trước tiên cần lựa chọn một số loại nông sản tiêu biểu, có thế mạnh vượt trội, có tiềm năng sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, cần có chính sách để nâng cao chất lượng và phải đảm bảo chất lượng trên diện rộng để tạo thành thương hiệu cho một ngành hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai thác thế mạnh nông sản Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO