Trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa. Mặc dù vậy, tiềm năng lợi thế của ngành quế nước ta chưa được khai thác xứng tầm.
Sinh kế cho người nghèo vùng núi
Từ lâu quế được xem là cây “vàng xanh” đối với đồng bào Dao ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Với tổng diện tích trồng quế khoảng 52.000ha (chiếm hơn 55,7% diện tích quế toàn tỉnh Yên Bái), cây quế đã trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây.
Hàng năm nông dân huyện Văn Yên xuất bán ra thị trường khoảng 5.000 tấn vỏ quế khô các loại; sản lượng cành lá quế đạt khoảng 65.000 tấn/năm; sản lượng tinh dầu đạt khoảng 300 tấn/năm; sản lượng gỗ quế đạt gần 51.000m3/năm; cây quế giống trên 150 triệu cây. Tổng doanh thu các sản phẩm từ quế năm 2022 của huyện, đạt tới gần 1.000 tỷ đồng.
Để hướng đến phát triển kinh tế bền vững từ cây quế, huyện đang triển khai sản xuất và trồng quế theo hướng nông nghiệp xanh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương. Đến nay, huyện còn có trên 4.500ha quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, châu Mỹ. Từ việc sản xuất quế hữu cơ, đời sống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt đối với các hộ dân tham gia dự án sản xuất quế hữu cơ đều có thu nhập cao, ổn định giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Đánh giá tiềm năng cũng như hiệu quả mà cây quế đem lại, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, với diện tích khoảng 180.000ha, cây quế đang là sinh kế cho người dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cũng theo ông Lực, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ 3 trên thế giới, chiếm 17% thị phần quế trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu quế năm 2022 đạt khoảng 300 triệu USD.
Thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cũng cho biết, tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 74.744 tấn quế, với 220,3 triệu USD, tăng 19,2% về lượng và nhưng giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu quế trung bình 10 tháng đạt 2.948 USD/tấn, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam là Ấn Độ, chiếm 43,9% thị phần, tiếp đến là Mỹ, Bangladesh, Brazil, Indonesia…
“Do xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)” - ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) nhận định.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Theo bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội VPSA, thị trường thế giới đang có nhu cầu cao về các sản phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng để tăng khả năng miễn dịch, chống chọi dịch bệnh như gừng, nghệ, quế... Tuy đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế và đã có một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến quế hiện đại, đặc biệt là một số doanh nghiệp của FDI, nhưng theo bà Liên, ngành quế Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng. Đáng nói là dù là cây có nhiều tiềm năng nhưng hiện vẫn chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng quế còn chưa chặt chẽ, mặc dù Việt Nam có hơn 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực gia vị. Cùng với đó, chuỗi cung ứng cũng chưa được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt là việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để kết nối với các doanh nghiệp.
Để tăng thị phần gia vị Việt Nam tại thị trường thế giới, theo các chuyên gia bên cạnh các sản phẩm thô, cần đa dạng hóa sản phẩm gia vị phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm...Thực tế cây gia vị không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn là nguồn gen quý, giúp xóa đói giảm nghèo, góp phầm bảo tồn đa dạng sinh học dưới tán rừng... Đây là những yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp có thể đưa vào để quảng bá sản phẩm gia vị Việt Nam trước xu hướng tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải.
Đại diện Bộ NNPTNT cũng thừa nhận, ngành quế có lợi thế xuất khẩu rất lớn, đặc biệt là các thị trường ưa chuộng sản phẩm quế của Việt Nam như Ấn Độ, Hoa Kỳ, Bangladesh, Brazil… Tuy nhiên, do sản xuất còn manh mún, thiếu các sản phẩm chất lượng cao… nên vẫn kém lợi thế cạnh tranh.
Được biết, Bộ NNPTNT đã thành lập Nhóm công tác “Đối tác công tư (PPP) về hồ tiêu và gia vị” nhằm tăng cường quản trị, chính sách và năng lực cho các đối tác công -tư để mở rộng quy mô sản xuất và thương mại bền vững cho ngành quế; tăng cường năng lực và nâng cao kiến thức về sản xuất bền vững và đáp ứng yêu cầu thị trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông hộ và hợp tác xã. Đồng thời, đảm bảo phối hợp kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng trong quế nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường.