Đó là vấn đề được nhiều chuyên gia nhìn nhận tại buổi tọa đàm “Chủ trương, chính sách khoáng sản sau 5 năm thực hiện và định hướng thời kỳ tới” do Ban Kinh tế Trung ương và Liên minh Khoáng sản tổ chức ngày 23/12, tại Hà Nội.
Một bãi khai thác vàng sa khoáng.
Diễn biến phức tạp
Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thạc sĩ Vũ Mạnh Hùng, Vụ Nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã giảm từ năm 2012 đến nay.
Tuy nhiên số địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều, nhất là cát, sỏi lòng sông gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước, ô nhiễm môi trường.
“Tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương làm cho nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, thất thu ngân sách nhà nước, đồng thời tác động xấu đến môi trường nơi có tài nguyên khoáng sản bị khai thác trái phép”-ông Hùng nói.
Nguyên nhân theo ông Hùng là do việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khoáng sản nhất là đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép chưa quyết liệt, chưa có hình thức xử lý mạnh mẽ đối với một bộ phận cán bộ, thậm chí lãnh đạo chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài nhưng chưa xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận.
Ông Hùng cũng cho rằng, công tác quản lý việc cấp phép khai thác khoáng sản còn nhiều hạn chế, việc cấp phép tràn lan dẫn đến việc khai thác nhỏ lẻ, manh mún không đem lại hiệu quả quả kinh tế cao làm ô nhiễm, tàn phá môi trường kéo theo tình trạn khai thác trái phép. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản chủ yếu thanh tra, kiểm tra trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản mà chưa triển khai theo đúng nghĩa của thanh tra chuyên ngành.
Thạc sĩ Trần Thanh Thủy, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã chỉ ra mối liên hệ giữa khai thác khoáng sản và nghèo đói ở cấp địa phương thông qua việc chiếm dụng đất, tác động môi trường, việc làm, tác động với cơ sở hạ tầng.
Và bà đưa ra dẫn chứng: “Ở Thái Nguyên diện tích đất khai khoáng chiếm 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh; riêng các mỏ than lộ thiên đang hoạt động chiếm dụng 5.700 ha đất ở Quảng Ninh. Hàng năm khai thác than ở Quảng Ninh phát sinh 4,6 tỷ m3 đất đá thải, khai thác apatit ở Lào Cai phát sinh 3 triệu m3 đất đá thải, khai thác bauxit ở Tân Rai phát sinh 11 triệu m3 bùn đỏ. Trong khi đó cơ hội việc làm theo thống kê 2014 số lao động ngành mỏ chỉ chiếm 0,48% tổng số lao động của cả nước”.
TS. Lê Ái Thụ, Liên minh khoáng sản cho rằng, dù đã có Luật khoáng sản năm 2010 nhưng 6 năm thi hành, quy định đấu giá gần như không được triển khai. Theo ông Thụ, tại 63 tỉnh chỉ có một vài mỏ “lẻ tẻ” được đấu giá nhưng nhìn chung thấy nhiều nơi đấu giá không đúng quy định.
Vai trò chính quyền các cấp
Đưa ra phân tích: “Ở cấp địa phương, phân bổ ngân sách chủ yếu dựa vào Luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn, các chính sách chuyên ngành về khoáng sản ít được cân nhắc trong quá trình xem xét phân bổ, vấn đề bảo hệ quyền lợi của người dân và khắc phục hậu quả môi trường chưa được chính quyền cấp địa phương quan tâm, thiếu vắng các cơ chế cho sự tham gia của cộng đồng và chính quyền cấp xã trong giám sát hoạt động khoáng sản, vai trò và trách nhiệm của chính quyền các cấp chưa được quy định cụ thể rõ ràng”, từ đó Thạc sĩ Trần Thanh Thủy đề nghị, cần đồng bộ hóa chính sách, các quy định về bảo hộ quyền lợi cộng đồng cần được đưa vào chính sách pháp luật quản lý và sử dụng ngân sách.
Quy định rõ hơn vai trò của chính quyền các cấp trong bố trí sử dụng ngân sách phục vụ đầu tư phát triển xã hội khắc phục hậu quả môi trường nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Xây dựng những cơ chế cụ thể hơn cho sự tham gia của cộng đồng và chính quyền cấp xã huyện. Đồng thời công khai các thông tin về phân bổ ngân sách và đầu tư phát triển kinh tế xã hội khắc phục hậu quả môi trường.
Trong khi đó, Thạc sĩ Vũ Mạnh Hùng cho rằng, Quốc hội cần rà soát, đánh giá việc thực hiện một số chính sách, quy định của Luật khoáng sản 2010 liên quan đến vấn đề sở hữu tài nguyên khoáng sản. Vấn đề quản lý tài sản công là khoáng sản như: tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản để có định hướng hoàn thiện chính sách pháp luật về khoáng sản trong thời gian tới.
“Bộ Tài nguyên và môi trường sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản nhằm tạo sự đồng bộ đầy đủ của hệ thống pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản. Còn Bộ Công thương sớm ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về chế biến sâu đối với từng loại khoáng sản có tiềm năng lớn để có cơ sở cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm khai khoáng”-ông Hùng đề xuất.