Vốn vẫn thường xuất hiện nhiều và rất thông dụng ở khắp các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ nhưng khoảng vài năm trở lại đây, các sản vật mùa nước nổi đang ngày càng khan hiếm và giá cũng được đẩy lên rất cao.
Hiện từ cá linh, chuột đồng, rắn nước, tôm cua cho tới bông súng, điên điển, so đũa... đều được săn lùng với giá cao ngất ngưởng, tới cả nửa triệu đồng mỗi ký lô. Tuy nhiên, đó cũng là tín hiệu tích cực với những người dân chọn nghề sông nước để mưu sinh.
Những ngày này, nước nổi đã tràn về khắp các cánh đồng miền biên giới Long An, Đồng Tháp, An Giang. Dù so với vài năm trước, nước không cao bằng nhưng nhiều cánh đồng biên giới cũng đã tràn bờ. Ghe thuyền tấp nập chạy ngược xuôi để săn bắt các sản vật thiên nhiên ban tặng từ ngàn đời nay.
Anh Nguyễn Văn Chuyện, 44 tuổi, ngụ ở xã Tân Công Chí (huyện Tân Hồng, huyện Đồng Tháp), một người nhiều năm gắn bó với đồng nước miền biên giới chia sẻ, từ hơn một tháng trước anh đã bắt đầu ghe lưới để đi mùa nước. “Năm nay mưa sớm và cũng nhiều hơn mọi năm. Từ tháng 8 nước đã về kênh nhưng phải tới đầu tháng này nước mới tràn bờ. Ban ngày hai vợ chồng tôi chạy ghe vào đồng, có lúc xuôi xuống Sa Rài, Tân Thành có khi ngược lên Giồng Giăng, Tân Hộ Cơ để tháo dớn, thả lưới. Ban đêm thì mình đi vớt chuột, rắn mối. Mùa nước nổi giờ ngắn lắm, có khi giữa tháng sau là đồng đã khô rồi nên cố làm thêm một chút” - anh Chuyện cho biết.
Cũng theo người đàn ông này, dù vất vả nhưng hiện nay các sản vật mùa nước nổi đều có giá bán rất cao. “Mùa nước về cái gì cũng sinh ra tiền hết cả. Mấy bụi cây điên điển, so đũa trổ bông hái cũng có trăm ngàn, mấy đám súng ma, sen nước cũng có tiền. Riêng cá linh thì giá cao nhất, khoảng 400 tới 450 ngàn đồng mỗi ký lô. Rồi cá heo, cá chốt, cá lóc... giá cũng thường hơn trăm ngàn một ký mua tại ngã ba quốc lộ 30. Ban đêm mà vớt được chuột, rắn mối thì giá cũng 200 ngàn mỗi ký” - anh Chuyện kể tiếp. Hỏi về thu nhập của anh những ngày này, anh Chuyện cho biết gắn bó rất lâu năm với nghề sông nước ghe lưới. Khi mùa nước về thì thu nhập cao hơn, có khi chừng hơn triệu đồng một ngày.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc vùng biên giới Long An, Đồng Tháp, An Giang thời gian này đang rất tấp nập những người làm nghề ghe lưới, đánh bắt sản vật mùa nước nổi như anh Chuyện. Đây là nhịp sống lâu đời của người dân vùng này. Trên những tuyến đường như quốc lộ 62, 30 hay những đường tỉnh lộ có nhiều những chợ cóc, chợ tạm, chợ ven đường bày bán sản vật mùa nước nổi. Tại chợ Trường Xuân (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), chợ cá đồng lớn nhất miền Tây Nam bộ, nơi giao nhau của 2 tuyến kênh Trung Ương và Tháp Mười cũng như 2 tỉnh lộ ĐT 845 và 844, hàng trăm ghe thuyền của người dân tập trung mỗi ngày. Hàng chục tấn cá cua, ốc ếch cùng các sản vật khác mùa nước nổi được thương lái thu mua, đưa lên xe chở về TP Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Tư, chủ một vừa cá đồng ở chợ kể gia đình bà hiện có 3 xe tải để chở hàng lên TPHCM. “Bình thường mỗi ngày vựa tôi chỉ chở 1 chuyến lên chợ Bình Điền (quận 8, TPHCM) nhưng mùa nước năm nay sản vật nhiều, phải thuê thêm 2 xe nữa. Xe cũng chạy gần như suốt ngày chứ không chạy ban đêm như bình thường vì sản vật cần tươi sống, chỉ lấy đá lạnh bảo quản chứ không cấp đông. Nhiều loại rau, bông còn phải tươi nữa. Dân ở trong đồng bên Long An, Đồng Tháp họ chạy ghe qua đây bán, có gì tôi cũng mua hết. Khách trên thành phố giờ họ chuộng sản vật lắm, giá lại cao nữa. Buôn bán được cũng mừng chứ 3 năm gần đây, nước về ít nên khách gọi điện thoại cũng không có hàng mà đưa lên nữa” - bà Tư nói.
Tại vựa của bà Tư, có hàng chục thùng nhựa màu xanh cỡ lớn đặt sau nhà, sát mé nước. Các ghe vỏ lãi của ngư dân cập vào đó, đưa cá cua, ốc ếch lên rồi gia đình bà phân loại, đưa vào những thùng riêng để chất lên xe tải. Nhiều loại cá thường có bình sục khí ô xy để chúng sống được lâu hơn.
Cũng như nhiều sản vật tự nhiên khác, những sản vật đặc trưng của mùa nước nổi ở miền Tây Nam bộ đã không còn nhiều, thậm chí khan hiếm cho dù con nước lên. Đó cũng là lý do khiến nhiều loại có giá thành cao, đắt đỏ.
Mỗi năm cứ độ rằm tháng 7 âm lịch là mùa nước nổi dần về ruộng đồng miền Tây Nam Bộ. Mực nước cứ cao dần theo các tháng 8, 9, 10... và "chở" theo các sản vật đồng quê về chợ. Cua đồng, cá linh, rau điên điển. Những con cá linh óng ánh màu vẩy sáng. Rồi cá trê, cá rô đồng, cá leo, cá bông lau, cá lăng sông...nhìn hấp dẫn vô cùng.