Khẳng định giá trị trái cây Việt

MINH PHƯƠNG 02/02/2022 13:55

Không những được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng, nhiều loại trái cây còn được sử dụng làm những món quà biếu người thân, đối tác, khách hàng. Ðó là cơ hội cho trái cây Việt, cũng là niềm kỳ vọng cho người nông dân trong năm 2022.

Thanh long và vải là một trong những loại trái cây được người tiêu dùng châu Âu coi là đặc sản.

Nâng tầm cho trái cây Việt

Trong khi trái vải, nhãn, thanh long, xoài… khi ra thị trường thế giới, được đặt trang trọng trên kệ của hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, giá rất cao thì ở thị trường nội địa, từng vụ mùa thu hoạch vẫn đang tái diễn cảnh ế thừa, giải cứu.

Những ngày cuối năm, chứng kiến hàng loạt xe chở nông sản, đặc biệt là các loại trái cây như mít, dưa hấu, thanh long… bị ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, ai cũng cảm thấy xót xa. Hàng trăm chiếc xe container, hàng ngàn tấn nông sản bị đình lại tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh) kéo dài nhiều ngày gây ra muôn vàn khó khăn cho DN xuất khẩu, nhà sản xuất.

Trong khi đó, ngày 11/1 vừa qua, 3 tấn quả bơ đông lạnh chính thức bước chân sang thị trường Úc. Lô hàng trái bơ sang thị trường Úc này do Công ty Ưu Đàm Việt Nam xuất khẩu và phân phối. Đại diện công ty Ưu Đàm cho biết, toàn bộ lô hàng đã được các đại lý đặt mua hết và dự kiến sẽ bán ra với giá khoảng 7 AUD/kg (tương đương 120.000 đồng/kg).

Trước đó, hồi tháng 7/2021, người dân vùng vải tỉnh Hải Dương vui mừng khi đón nhận thông tin trái vải được thị trường châu Âu hào hứng đón nhận. Đặc biệt, người tiêu dùng tại các nước Pháp, Bỉ, Đức, Hà Lan, Cộng hòa Séc... vô cùng thích thú với sản phẩm vải quả đến từ Việt Nam.

Những lô vải thiều Thanh Hà gắn tem truy xuất nguồn gốc, lần đầu tiên nhập khẩu vào Pháp, đã chính thức có mặt trên những kệ hàng ở hệ thống siêu thị châu Á tại Paris từ trung tuần tháng 6. Chỉ trong vài ngày, những quả vải đỏ au, thơm ngọt đã được tiêu thụ nhanh chóng mặc dù giá thành không phải là rẻ. Châu Âu cũng đang rất ưa chuộng trái cây của Việt Nam. Vậy không có lý do gì, chúng ta không tận dụng thị trường thế giới để nâng tầm cho trái cây Việt.

Sau gần 5 năm vắng bóng, năm 2021, với sự trợ giúp của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, quả vải thiều đã trở lại thị trường này. Ban đầu là Thanh Binh Jeune, tiếp đến là Tang Frères, Grand Frais và một số siêu thị khác cũng đã đồng loạt vào cuộc. Chỉ trong vài ngày, gần 4 tấn vải thiều Thanh Hà đã được người tiêu dùng Pháp đón nhận.

Còn tại Nhật Bản, những trái vải mọng đỏ, thơm ngon đã được người dân Nhật Bản nâng niu biến thành những món quà quý, trang trọng gửi tặng người thân, bạn bè, đối tác. Điều khác biệt ở chỗ, nếu như ở trong nước, đã có lúc trái vải thiều rơi vào cảnh ế thừa, giá bị giảm thảm hại, chỉ vài ba ngàn đồng/kg “rẻ như cho”… thì khi sang thị trường quốc tế, một kg vải có giá lên tới 400.000 – 500.000 đồng/kg.

Tương tự, trái thanh long được người tiêu dùng Châu Âu coi là một món quà quý, là đặc sản đến từ Việt Nam thì những ngày qua, tại thị trường trong nước, thanh long phải chờ… giải cứu.

Vải thiều sang thị trường Nhật Bản được bán với giá cao.

Cánh cửa đang rộng mở

Phác thảo qua bức tranh thị trường nông sản Việt, để thấy, hàng nông sản của Việt Nam không phải là không có giá, mà ngược lại giá trị còn rất cao và được thế giới hết sức ưa chuộng.

Recee, một người Anh sau khi đã đến Việt Nam du lịch trải nghiệm hồi năm 2018 đã không thể quên hương vị của trái vải Lục Ngạn (Bắc Giang), cứ mỗi năm vào vụ vải, bao giờ Recee cũng nhắn một người bạn ở Việt Nam gửi cho anh món quà thấm đượm hương vị Việt này. “Tôi đến Việt Nam luôn ấn tượng những sản phẩm trái cây của các bạn, từ trái vải, nhãn, cho đến chôm chôm, na… mỗi thứ lại có một hương vị rất riêng, thơm ngon đến không thể nào quên. Ăn một lần là nhớ mãi” – Recee chia sẻ.

Recee chính là một trong số nhiều người tiêu dùng châu Âu đang trở thành “người hâm mộ” các sản phẩm trái cây có nguồn gốc, xuất xứ từ Việt Nam.

“Các loại trái cây nhập khẩu vào EU đều phải đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng được tươi, ngon và chất lượng… Các DN cần đẩy mạnh xuất khẩu trái cây hữu cơ, đạt các tiêu chuẩn về sạch cũng như đầy đủ xuất xứ, chỉ dẫn địa lý. Việc tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật là yêu cầu tuyệt đối phải được thực thi” - Thương vụ Việt Nam tại Bỉ khuyến cáo.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, người tiêu dùng tại châu Âu ngày càng quan tâm và có xu hướng gia tăng tiêu thụ các loại trái cây nhiệt đới, nhất là những loại tốt cho sức khỏe và có hương vị mới. Đơn cử, trái lựu đã trở thành món ăn tráng miệng ưa thích của người tiêu dùng châu Âu. Hay chanh dây, trái vải… cũng được bày bán tại một số nhà bán lẻ lớn vào những dịp khác nhau. Riêng chôm chôm, thanh long vẫn được người tiêu dùng ở Bỉ coi là đặc sản. Có thể thấy, với những sở thích của người tiêu dùng châu Âu, hoa quả, trái cây của Việt Nam – một miền đất nhiệt đới phong phú, đa dạng các nông sản - đang có nhiều cơ hội lớn để chinh phục thị trường này.

Vậy, không có lý gì chúng ta không tận dụng những cơ hội đó để đưa các sản phẩm trái cây thơm, ngon ta vươn ra thế giới. Nhất là khi chúng ta đang hội nhập sâu rộng, Việt Nam đang thực thi các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam-EU (EVFTA). Nói như chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Thị trường châu Âu với 450 triệu dân đầy tiềm năng đang chờ đợi chúng ta!

“Tại Australia, một số sản phẩm như xoài, vải, nhãn, thanh long Việt Nam được đánh giá rất cao và được người tiêu dùng đón nhận mạnh mẽ. Tuy nhiên, để mở rộng xuất khẩu trái cây sang thị trường này, doanh nghiệp cần tiếp tục giữ chất lượng ổn định cả về hình thức mẫu mã. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chú trọng việc truyền thông, quảng bá, tiếp thị sản phẩm để dần thay đổi thị hiếu, thói quen người tiêu dùng nước sở tại” - Ông Nguyễn Phú Hòa - Phó Tổng lãnh sự tại Sydney, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẳng định giá trị trái cây Việt