Vải chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch rộ, sau đó đến nhãn. Dư địa thị trường xuất khẩu rất lớn cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên để nông sản thương hiệu Việt khẳng định vị thế trong hệ thống phân phối quốc tế thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Trước mắt cần khắc phục ngay tình trạng phụ thuộc vào mùa vụ; được mùa, mất giá và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Nhiều đặc sản vào vụ thu hoạch
Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, vải thiều sớm Bắc Giang đã bắt đầu thu hoạch từ ngày 20/5, dự kiến kết thúc cuối tháng 7/2024. Theo ông Tấn, sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm nay giảm gần 50% so với năm trước do thời tiết không thuận lợi. Dự báo sản lượng vải toàn tỉnh năm 2024 khoảng gần 100.000 tấn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh việc thu hoạch, tiêu thụ vải thiều đang diễn ra rất sôi động; giá bán vải thiều dao động từ 25-70 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, xuất khẩu (XK) vải thiều qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai) được nhanh chóng thuận lợi. Hiện, tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai các bước để thực hiện chiếu xạ vải thiều XK sang Hoa Kỳ được thực hiện tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội; hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã tỉnh Bắc Giang kết nối, tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để XK vải thiều sang các thị trường quốc tế…
Được biết, tỉnh Bắc Giang hiện đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ XK với diện tích gần 17.200ha và 40 cơ sở đóng gói quả vải tươi XK. Bắc Giang đang có nhiều giải pháp tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu quả vải thiều Bắc Giang với người tiêu dùng tại các nước; giới thiệu các DN, thương nhân đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, thu mua, tiêu thụ vải thiều trong mùa vụ 2024.
Theo bà Vũ Thị Kim Phượng - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương, vải thiều là một trong 8 loại nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương. Vải thiều Hải Dương được thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Diện tích trồng vải thiều của Hải Dương là 8.850ha, trong đó có 2.750ha vải sớm. Riêng huyện Thanh Hà có 2.385ha trồng vải thiều. Những năm trước, sản lượng vải thiều của tỉnh Hải Dương đạt khoảng 55.000 - 60.000 tấn, nhưng năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, sản lượng dự kiến chỉ đạt 40.000 - 45.000 tấn. Hiện Hải Dương có 52 vùng trồng đã được cấp chứng nhận VietGAP và GlobalGAP, đủ tiêu chuẩn XK sang các thị trường cao cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, XK vải thiều vẫn đang gặp một số khó khăn về thông tin thị trường, rủi ro khi thanh toán quốc tế hoặc công tác mở rộng thị trường còn hạn chế… Vì thế, việc tìm đầu ra cho quả vải đang được xúc tiến rất mạnh mẽ. Sau vụ vải, nhãn cũng đến vụ thu hoạch, chưa kể các loại nông sản khác như chanh leo, mít, thanh long… cũng đang vào mùa.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Trưởng Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Boston (Mỹ) cho biết, vải thiều Việt Nam rất “được giá” và được bán rộng rãi tại phía Tây Nam Hoa Kỳ. Để XK được quả vải sang Hoa Kỳ, ông Quyền cho rằng bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí khắt khe về chất lượng, DN cần chuẩn bị trước cho các thủ tục xuất nhập khẩu từ 1-2 năm, để tránh lúng túng. Ngoài ra, DN cần liên kết với đối tác đáp ứng đủ các điều kiện của thị trường; nên XK vải thiều đã chế biến để được giá cao thay vì XK quả vải tươi.
Nâng sức cạnh tranh
Từ đầu năm đến nay, XK tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khi duy trì được đà tăng trưởng hết sức ấn tượng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch XK tháng 5 đạt 32,81 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành rau quả là một trong những mặt hàng có kim ngạch XK tăng trưởng ấn tượng so với năm ngoái, kim ngạch tháng 5 ước đạt 700 triệu USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD.
Như vậy, nông sản của Việt Nam tạo rất nhiều cơ hội lớn cho cả nông dân và cả phía DN. Từ mỗi phía, cần tận dụng và có những năng lực, lợi thế, phát huy khác nhau để tạo cho toàn ngành phát triển.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), dư địa thị trường XK là rất lớn, tuy nhiên cạnh tranh về mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại giữa các nước tham gia XK ngày càng khốc liệt. Để các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Việt xuất hiện rộng rãi và khẳng định giá trị trên các kệ hàng hóa tại hệ thống phân phối quốc tế, đòi hỏi các DN XK và nhà sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu...
“Rau củ quả, trái cây Việt Nam được nhà nhập khẩu nước ngoài đánh giá rất cao trong những lần nhập khẩu đầu tiên, sau đó thì hay bị hụt sản lượng, chất lượng không đồng đều, do vậy để đủ sức cạnh tranh, DN cần có tính ổn định trong chất lượng và sản lượng, giá cả, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư công nghệ chế biến sâu để gia tăng giá trị” - ông Phú cho hay.
Đa dạng hóa thị trường
Là giám đốc của Công ty Nông nghiệp công nghệ cao DNT, ông Tuấn Ngọc chia sẻ, các sản phẩm nông nghiệp trồng đạt tiêu chuẩn hoàn toàn không lo ngại về đầu ra. Song quan trọng hơn cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành nông nghiệp phát triển theo chuỗi để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm XK và đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, DN cần đa dạng hóa thị trường XK, tập trung vào những thị trường mới như Đông Bắc Á, Trung Đông, UAE để không phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Các địa phương cũng nên dành ngân sách cho DN trong tỉnh tham dự các hội chợ lớn để tìm nhà nhập khẩu, khách hàng. Đặc biệt, DN cần chủ động tham dự các hội chợ quốc tế và chuyển nhanh sang XK chính ngạch, vừa được giá và bền vững.
Được mùa mất giá, được giá mất mùa là đặc tính thời vụ, do vậy để tránh tình trạng được mùa mất giá, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cần tổ chức, sắp xếp lại khâu sản xuất, thành lập các hợp tác xã hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất theo quy hoạch, theo thị trường, tuân thủ quy trình quy phạm, an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap, GlobalGap...) để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn và đúng theo nhu cầu thị trường; nghiên cứu nhằm giảm bớt tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp như rải vụ, trái vụ giảm bớt áp lực cho tiêu thụ và nâng cao lợi nhuận; đầu tư nhiều hơn cho công nghệ sau thu hoạch, máy móc thiết bị, phương tiện thu hoạch, bảo quản, vận chuyển phù hợp với các sản phẩm rau quả để giảm bớt tỷ lệ hư hỏng (35-40%); khuyến khích đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản để giảm tỷ trọng xuất tươi, xuất thô. Xây dựng các liên kết sản xuất tiêu thụ thực chất, ổn định, bền vững. Tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm trong nước và tại các thị trường trọng điểm để có nhiều khách hàng hơn, thị phần lớn hơn.
Về vấn đề này, vai trò của chính quyền địa phương hết sức quan trọng vì sâu sát với nông dân, với các thương nhân trên địa bàn. Các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La thời gian qua đã mang đến bài học rất tốt trong việc tham gia trực tiếp hỗ trợ cho người nông dân. Ví dụ như các địa phương tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài đến xem hàng, mua hàng, thực hiện các khâu đóng gói, lựa chọn trước ở trong nước. Sau đó, khi hàng lên biên giới chỉ thông quan chứ không cần làm các thủ tục lựa chọn trở lại.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng hướng dẫn cho nông dân, thương lái đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí về đóng gói, bao bì, nhãn mác, quy định về mã vạch, truy xuất nguồn gốc… để khi hàng lên đến cửa khẩu không rơi vào tình trạng vì một lỗi nhỏ mà bị từ chối thông quan. Một khi chính quyền địa phương vào cuộc, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền thì sự hỗ trợ của các bộ, ngành sẽ thuận lợi hơn trong các mặt, ví dụ như kết nối giao thương, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin hoặc hướng dẫn cho người nông dân, thương lái những tiêu chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hoá. Các bộ, ngành không thể hỗ trợ được tất cả các nơi nếu vai trò của chính quyền địa phương chưa được phát huy.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, quy trình sản xuất được nâng cao, sự đa dạng về sản phẩm cùng những nỗ lực tuân thủ yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn an toàn sản phẩm là những yếu tố quan trọng giúp nông sản Việt Nam đã chinh phục và giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng tại nhiều thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, giá trị nông sản toàn cầu, bất chấp những yếu tố khó khăn mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt.