Tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam đang ở mức đáng báo động với sự xuất hiện của loại siêu vi khuẩn kháng tất cả loại thuốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Điều đáng nói là thói quen tự ý mua và sử dụng thuốc của nhiều người dân khiến tình trạng này ngày càng trầm trọng.
Đến 2050, dự kiến kháng kháng sinh gây ra 10 triệu ca tử vong hàng năm
Đấy là dự kiến đến năm 2050, kháng kháng sinh sẽ gây ra hằng năm; đồng nghĩa, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các vi khuẩn kháng thuốc. Hiện, trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Trong khi đó, tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc kháng sinh thế hệ mới lại không theo kịp so với mức độ gia tăng của vi khuẩn kháng thuốc. Cụ thể, trong hơn 5 năm (từ 1983 đến 1987), chỉ có 18 loại kháng sinh được Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ cấp giấy chứng nhận sử dụng, và từ năm 2008 đến nay không có thêm loại kháng sinh mới nào được tìm ra.
Đồng thời, trong số các loại bệnh có nguyên nhân chính bắt nguồn từ tình trạng kháng kháng sinh của tác nhân gây bệnh, các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp mắc phải tại cộng đồng (CA-RTIs) ở nước ta có chiều hướng tăng mạnh cũng như diễn biến ngày càng phức tạp thời gian gần đây.
CA-RTIs là nhóm bệnh lý phổ biến ở cả trẻ em và người lớn, với những bệnh thường gặp như nhiễm khuẩn hô hấp trên (viêm tai giữa, viêm mũi họng, viêm xoang) hay nhiễm trùng hô hấp dưới, đặc biệt là viêm phổi - một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay.
Tại sao vi khuẩn lại kháng được thuốc kháng sinh?
Để trả lời câu hỏi trên, từ lâu các nhà khoa học đã đi sâu vào nghiên cứu cơ chế kháng lại các kháng sinh của vi khuẩn. Theo PGS-TS Phan Quốc Hoàn - Khoa sinh học phân tử, Bệnh viện TƯQĐ 108 - thật ngạc nhiên và thú vị là vi khuẩn dù rất bé nhỏ nhưng lại có muôn vàn phương kế để đối phó với con người, và hầu như chúng ta luôn chạy theo sau vi khuẩn. Các kháng sinh mới, đắt tiền, vừa được đưa vào sử dụng rộng rãi thì ngay sau đó không lâu đã xuất hiện các chủng vi khuẩn kháng lại kháng sinh đó. Có rất nhiều cách để vi khuẩn làm mất tác dụng của kháng sinh, nhưng gộp chung có 3 nhóm nguyên nhân chính để vi khuẩn có thể qua mặt được chúng ta.
Đầu tiên, vi khuẩn có cách để làm hạn chế việc xâm nhập của các kháng sinh vào bên trong tế bào vi khuẩn, dẫn đến kháng sinh sẽ ít có cơ hội tác động để tiêu diệt vi khuẩn. Ở nhóm nguyên nhân này, vi khuẩn có thể gia tăng củng cố các màng bảo vệ của chúng, ví dụ như màng ngoài ở các vi khuẩn gram âm hoặc sử dụng các bơm đẩy từ bên trong tế bào để bơm kháng sinh ra ngoài như ở trực khuẩn mủ xanh. Nói dễ hiểu, ở nhóm nguyên nhân này, vi khuẩn dùng “áo giáp” và bơm công suất lớn để đẩy kháng sinh ra ngoài.
Một trong những nguyên nhân chính khác, đó là vi khuẩn sản xuất ra các men (enzymes) để phá huỷ các kháng sinh. Có thể nói, khi các kháng sinh đủ mạnh để phá vỡ “áo giáp” của vi khuẩn, và không bị bơm ra ngoài, thì vi khuẩn sẽ sử dụng “hoá chất” để phá huỷ cấu trúc của kháng sinh. Cuối cùng, vi khuẩn có thể che chắn hoặc làm biến đổi các đích tác động của kháng sinh, làm mất hiệu lực của kháng sinh. Hiện tượng này là do nguồn gốc từ các đột biến gen trên nhiễm sắc thể hoặc plasmide bên trong tế bào vi khuẩn. Chẳng hạn, đối với nhóm kháng sinh beta-lactam, muốn tiêu diệt vi khuẩn thì kháng sinh này phải bám vào được các đích tác động đó là các PBP (protein gắn penicillin). Việc giảm áp lực của các PBP với các thuốc nhóm beta – lactam có thể do đột biến gen ở nhiễm sắc thể, hoặc do mắc phải gen bên ngoài các các PBP mới thông qua các plasmids.
Có thể thấy, vi khuẩn sử dụng đủ các loại vũ khí, từ hoá học, sinh học đến vật lý học để chống lại các kháng sinh mà loài người tạo ra để tiêu diệt chúng. “Có lẽ, thời khắc mà vi khuẩn giơ tay đầu hàng các bác sĩ còn rất xa” – PGS-TS Phan Quốc Hoàn cảm thán.
Người Việt dùng quá nhiều kháng sinh
Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, Đại học Dược Hà Nội - có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh đang rất lo ngại hiện nay, tuy nhiên có thể tổng kết ở những nguyên nhân chính. Thứ nhất, đó là dùng quá nhiều kháng sinh kể cả cho những trường hợp không cần thiết. Tỷ trọng dùng kháng sinh ở Việt Nam là tương đối lớn. Theo thống kê, tỷ lệ dùng thuốc kháng sinh ở các bệnh viện ở nước ta cao hơn khoảng gấp 3 lần, thậm chí cao gấp 10 lần so với bệnh viện cùng cấp, cùng số lượng giường bệnh so với các nước đang phát triển.
Theo thông tin từ WHO, bằng chứng cho thấy 88–97% các cửa hàng bán thuốc kê kháng sinh mà không có đơn thuốc của bác sĩ mặc dù điều này đã bị cấm theo luật pháp Việt Nam.
Nguyên nhân thứ hai là đã dùng nhiều kháng sinh và dùng không hợp lý. Điều này có cả ở cộng đồng và ngoài cộng đồng cùng với sự không hợp lý của cán bộ y tế từ liều dùng, sự phối hợp kháng sinh, thời gian dùng… Khi sử dụng không hợp lý dẫn đến sự kháng kháng sinh xảy ra ngày càng nhiều. Một nghiên cứu tiến hành tại các bệnh viện Việt Nam cho thấy một phần ba số bệnh nhân nội trú đã sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý trong quá trình nhập viện. Điểm tồn tại lớn nhất trong sử dụng kháng sinh hiện nay là sử dụng trong trường hợp chưa có biểu hiện của nhiễm khuẩn. Chúng ta lẫn lộn giữa nhiễm vi rút và nhiễm vi khuẩn, vì thế chúng ta mắc sai lầm là chúng ta điều trị bao vây hơn là điều trị theo đúng mục tiêu.
Thứ ba nữa là đã dùng rồi, nếu phải dùng điều trị quyết liệt có nhiễm khuẩn thực sự thì chúng ta lại e ngại liều dùng về mặt tác dụng phụ, tức là e ngại con có uống nhiều kháng sinh quá hay không, nên liều chúng ta tự gia giảm. Ví dụ bác sĩ cho uống 3 lần/ ngày, chúng ta chỉ cho uống 2 lần sáng tối và bỏ luôn liều ở giữa, khi các cháu đỡ một chút, chúng ta lại tự cắt kháng sinh sớm. Vì thế, tồn tại hiện nay là chúng ta có dùng kháng sinh, nhưng tại sao hiệu quả lại không được như mình mong muốn và tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng cao “đơn giản vì chúng ta đã tôi luyện vi khuẩn trong một môi trường không đúng cách chúng ta dùng nó không đúng cách” – PGS-TS Hoàng Anh nói.
Làm sao để hạn chế vi khuẩn kháng thuốc?
PGS.TS Phan Quốc Hoàn cho rằng: Sự kháng thuốc kháng sinh xét về bản chất là do việc sử dụng kháng sinh không đúng gây ra. Theo những quan điểm tiến hoá, sự kháng thuốc sẽ xảy ra dần dần, vì vi khuẩn phải có thời gian để đột biến. Thời gian này có thể là 10 năm, có thể là 30 năm hoặc lâu hơn nữa. Nhưng chính sự sử dụng kháng sinh không đúng đã làm cho hiện tượng đột biến xảy ra nhanh hơn, mạnh hơn và thời gian kháng thuốc sẽ ngắn dần. Để phòng ngừa kháng kháng sinh, ngoài sự quy chuẩn của y tế, thì chính bản thân người bệnh là những người quyết định đến vận mệnh chống nhiễm trùng của mình nhất.
PGS-TS Hoàn khuyến cáo người dân Không lạm dụng thuốc kháng sinh như một thuốc thông thường. Chúng ta không nên chỉ đau, ho là đã ngay lập tức sử dụng kháng sinh vì những triệu chứng trên chưa hẳn là biểu hiện của một bệnh nhiễm khuẩn. Nên nhớ, kháng sinh chỉ có tác dụng khi có mầm bệnh là vi khuẩn gây bệnh. Chỉ sử dụng kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, dự đoán chắc chắn nhiễm trùng nặng sẽ xảy ra thì có thể sử dụng kháng sinh dự phòng, nhưng nên nhớ, chỉ sử dụng ở một liều tối thiểu.
Cần chấm dứt ngay việc sử dụng kháng sinh khi đã đủ liệu trình cho phép, nhưng cũng không được kết thúc quá sớm trước thời gian tiêu chuẩn. Sử dụng quá lâu sẽ làm cho vi khuẩn có cơ hội “tìm hiểu” kháng sinh và đột biến nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu kết thúc quá sớm sẽ làm vi khuẩn có nguy cơ hồi sinh và có “kinh nghiệm chinh chiến” nhiều hơn để thay đổi.
Cần sử dụng đúng kháng sinh với đúng loại mầm bệnh. Tránh sử dụng kháng sinh tuỳ tiện, sử dụng mà không thăm khám. Việc sử dụng đúng kháng sinh sẽ hạ thấp được liều điều trị, thành công hoá mục tiêu, kiểm soát và hạn chế được tối đa sự kháng thuốc.