"Cho dù có bằng thạc sĩ, tiến sĩ hay là trong quá trình công tác chúng tôi có bao nhiêu bài báo trong nước hay quốc tế được công bố nhưng mà mức lương vẫn cứ như vậy, vẫn cứ phải theo 3 năm tăng 1 lần" - một nhà khoa học nữ phát biểu.
Nhà khoa học trẻ nêu lên những tâm tư và nguyện vọng của mình.
Trong buổi gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa qua, các nhà khoa học trẻ đã có cơ hội nói lên những băn khoăn, kỳ vọng của mình vào diện mạo mới của nền khoa học và công nghệ (KH&CN) nước nhà. Hầu hết họ mong muốn sẽ được khẳng định mình hơn, được tin tưởng hơn để có thể phát huy mọi khả năng, tâm huyết dành cho KH&CN.
Hãy đặt niềm tin nơi chúng tôi
TS Phạm Thị Tuyết Nhung (Trung tâm Vệ tinh Quốc gia - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chia sẻ: Thế hệ trẻ chúng tôi cảm thấy trong những năm vừa qua, nền KH&CN của đất nước đã có được những bước chuyển biến rất tích cực, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có thể kể đến như việc thành lập Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Nhân tài đất Việt và ngày KH&CN Việt Nam.
Qua đó, TS Nhung cũng bày tỏ một số nguyện vọng của mình: Trước tiên thế hệ trẻ chúng tôi mong muốn các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học đi trước hãy tin tưởng hơn vào thế hệ trẻ chúng tôi. Chúng tôi luôn muốn đóng góp chính đáng, rõ ràng…
Một khi những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý có được tầm nhìn về chính sách phát triển cho KH&CN trọng yếu được ưu tiên, xin hãy công bố một cách rộng rãi hơn nữa đến tất cả mọi người, đến các nhà khoa học, người dân, học sinh sinh viên.
Cùng với đó đưa ra chương trình đào tạo, chế độ đãi ngộ, triển vọng nghề nghiệp… Có như vậy mới thu hút được các bạn trẻ tham gia vào nghề nghiệp, tham gia vào các lĩnh vực trọng yếu của đất nước.
PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán học - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cũng có ý kiến: Hi vọng trong thời gian tiếp theo thế hệ những nhà khoa học trẻ chúng tôi nhận được sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước, Chính phủ, để chúng tôi có điều kiện đóng góp trí tuệ của mình vào sự nghiệp KH&CN của nước nhà, trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục bày tỏ quan điểm của mình, TS Nguyễn Quốc Định (Trưởng Phòng thí nghiệm, Bộ môn Cơ sở Kỹ thuật Vô tuyến, khoa Vô tuyến Điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự) cho biết: “Ở Việt Nam sự đầu tư cho nghiên cứu phát triển từ phía doanh nghiệp rất hạn chế. Trong hiểu biết của tôi, hầu như ở Việt Nam các doanh nghiệp đều không có kinh phí dành cho sự hỗ trợ nghiên cứu tại các trường ĐH. Vì vậy chúng tôi mong muốn Chính phủ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trích một phần lợi nhuận đầu tư ngược cho giáo dục và nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao".
Anh nói thêm rằng: Gần đây trên thế giới có trào lưu trường ĐH và doanh nghiệp hỗ trợ các đầu tư mạo hiểm cho công ty khởi nghiệp, để phát triển ý tưởng khoa học có tính chất đột phá… Việc đầu tư mạo hiểm tại các trường ĐH ở Việt Nam rất hạn chế, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ KH&CN nên tạo ra các quỹ để đầu tư cho khởi nghiệp, phát triển ý tưởng khoa học lớn có tính đột phá của các nhà khoa học tại Việt Nam… Chúng tôi nghĩ rằng để xây dựng được các nhà khoa học đầu ngành trong tương lai đất nước thì cần thiết phải tin tưởng vào thế hệ trẻ, giao nhiệm vụ, thử thách và đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ trẻ để có đủ trí, đức, tài trong tương lai.
Cùng chung quan điểm, nhà khoa học trẻ Nguyễn Đình Nam (Giám đốc Công ty VP9) kiến nghị: Nên có một quỹ cho các nhà khoa học vay các khoản tiền vừa phải với lãi suất thấp, không cần thế chấp. Đối tượng cho vay là các nhà khoa học trẻ tiêu chuẩn uy tín, đạt các giải thưởng, hoặc các tác phẩm công bố uy tín muốn dùng tiền được vay để đưa các công trình khoa học của mình ra kinh doanh phục vụ cuộc sống theo mô hình khởi nghiệp.
Chắc chắn nhiều dự án sẽ thất bại, nhưng chỉ cần 1/10 các công trình thành công thì giá trị xã hội thường là đủ bù cho cả nhóm dự án. Nếu các nhà khoa học thất bại thì quỹ có thể khoanh nợ để họ có thể đi làm trả nợ trong 10-20 năm…
Khi là nhà nữ khoa học
Trong buổi gặp mặt, TS Phạm Phương Chi (Viện Văn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã có những tâm sự rất chân thực về một nhà khoa học nữ, theo đuổi lĩnh vực xã hội nhân văn (XHNV). “Về khoa học XHNV thì quan niệm bao trùm của tôi đó là giữa khoa học nhân văn và tính dân tộc, tức là không có sự nghiên cứu về khoa học XHNV nào không gắn với thực tại và triển vọng của một dân tộc nhất định.
Đó là dân tộc mà người làm nghiên cứu khoa học đã trải nghiệm đã đặt tình cảm, tự nhận mình có vai trò trách nhiệm đối với thực tại và tương lai của nó. Tất nhiên là khi nói đến khoa học thì chúng ta thường nói đến tính, tính toàn cầu, tính xuyên quốc gia nhưng trong lĩnh vực khoa học XHNV, tôi nghĩ rằng trong khi đảm bảo tính toàn cầu thì tính dân tộc vẫn là tất yếu và cần thiết. Sự cần thiết và tất yếu này tôi nghĩ được thể hiện trên hai phương diện.
Thứ nhất, khoa học XHNV là công cụ thiết yếu để xây dựng các phương diện tinh thần và tư tưởng của công dân theo hướng nhằm đảm bảo tính thống nhất đảm bảo bản sắc riêng biệt bản sắc của một quốc gia.
Thứ hai, đó là việc gắn bó với các ấn đềc của dân tộc là con đường chiến lược để khoa học XHNV ở Việt Nam có thể đối thoại, đóng góp cho khoa học và nhân văn thế giới, phá bỏ định kiến cho rằng khoa học XHNV ở Việt Nam luôn luôn là sự lặp lại hay đi theo đối với khoa học XHNV của nhân loại”.
Với quan niệm về khoa học, về ngành như vậy nên TS Phạm Phương Chi cũng có những băn khoăn về nghề. Chị băn khoăn về những thiệt thòi về vật chất tinh thần mà những người làm khoa học XHNV đang trải nghiệm: “Tôi thấy Bộ KH&CN ít có công trình nào kêu gọi sự tham gia, đấu thầu của những người làm khoa học XHNV, nhất là ngành văn học như chúng tôi. Thêm vào đó, lương của chúng tôi vẫn theo định mức và hệ số của nhà nước. Cho dù có bằng thạc sĩ, tiến sĩ hay là trong quá trình công tác chúng tôi có bao nhiêu bài báo trong nước hay quốc tế được công bố nhưng mà mức lương vẫn cứ như vậy, vẫn cứ phải theo 3 năm tăng 1 lần.
Bản thân tôi nhận thấy là làm khoa học phải có niềm đam mê vượt lên trên những chờ mong về vật chất, niềm đam mê rất là khó lý giải với người không cùng chung chí hướng nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy là lạc lõng và đôi chút hoang mang bởi vì “cơm áo không đùa với khách thơ”.
TS Phạm Phương Chi còn băn khoăn về khoa học XHNV và sự kiểm duyệt; về sự tự do và bứt phá trong nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là băn khoăn khi phát biểu với tư cách của nhà nghiên cứu nữ: “Tôi không muốn kể ra khó khăn hợp lý hóa những đòi hỏi về ưu tiên hay nhường nhịn đối với những người phụ nữ làm nghiên cứu. Bởi vì thực ra tôi nghĩ rằng là ưu tiên trong rất nhiều trường hợp là duy trì sự nhược tiểu của người được ưu tiên. Thay vào đó tôi muốn nhấn mạnh đến việc, được chịu trách nhiệm của nhà nghiên cứu nữ đối với bất cứ nhiệm vụ khoa học hay nhiệm vụ xã hội nào.
Tức là người làm khoa học nữ đòi hỏi được chịu trách nhiệm bất kỳ nhiệm vụ khoa học xã hội nào dựa trên những đánh giá về năng lực thành tích khoa học của họ chứ không phải dựa trên những chỉ tiêu về tỉ lệ cân bằng giới được ấn định ở đâu đó. Với tư cách là một nhà nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam có nhiều băn khoăn, nhưng điều chúng tôi băn khoăn nhất là công việc chúng tôi đang làm có phải là một phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng dân tộc và quốc gia Việt Nam hay không…".