Sau một năm thực hiện kế hoạch 38/KH-MT, như có luồng gió tạo sự đổi mới về công tác nắm bắt tình hình nhân dân tại các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình. Từ đây những việc làm tốt hay vấn đề mới nảy sinh nhanh chóng được phát huy và kịp thời giải quyết mang hiệu quả rõ nét đối với công tác tuyên truyền, vận động, giám sát của Mặt trận.
Cán bộ Mặt trận các cấp tham dự sinh hoạt tại KDC đã kịp thời phát hiện nhiều vấn đề nảy sinh.
Nhiều cách làm hay
Ngày 16/4/2015, đánh dấu mốc quan trọng trong việc đổi mới công tác Mặt trận ở tỉnh Ninh Bình. Ông Trần Hồng Quảng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình đã chủ trì cùng Ban Thường trực xây dựng và triển khai kế hoạch số 38/KH-MT về việc cán bộ MTTQ các cấp nắm tình hình nhân dân, dự sinh hoạt Ban công tác Mặt trận (CTMT) tại khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Mục đích đặt ra đối với kế hoạch này là giúp cán bộ, chuyên viên MTTQ các cấp nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Tiếp thu dư luận xã hội và nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt Ban CTMT của các KDC. Ông Hoàng Lương Khôi - Chủ tịch MTTQ huyện Nho Quan đánh giá: “Thực hiện kế hoạch 38/KH-MT, chúng tôi đã triển khai học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng cách rèn luyện tư cách người cán bộ Mặt trận, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quy định của địa phương, hương ước thôn, làng”.
Theo con số thống kê của MTTQ tỉnh Ninh Bình, sau một năm thực hiện kế hoạch đã có 1.295 lượt cán bộ MTTQ các cấp tham dự sinh hoạt với Ban CTMT ở KDC. Nội dung của các buổi sinh hoạt tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Qua việc tham dự sinh hoạt cùng KDC, cán bộ MTTQ các cấp từ tỉnh tới huyện, xã đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động trong hoạt động chuyên môn; kịp thời thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và dân dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Từ việc thực hiện kế hoạch 38/KH-MT, có nhiều địa phương đã năng động, sáng tạo, phát huy sáng kiến, đưa ra được cách làm hay, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế. Cụ thể như: Ban CTMT thôn Thanh Quyết, xã Gia Sơn, huyện Nho Quan; Ban CTMT phố Yên Thổ, thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô; Ban CTMT xóm Vinh Ngoại, xã Thượng Kim, huyện Kim Sơn… Tại những địa phương nêu trên, Ban CTMT đã nhân rộng nhiều điển hình tiên tiến trong phong trào hiến đất làm đường, làm công trình phúc lợi phục vụ xây dựng nông thôn mới; xây dựng mô hình tự quản trong KDC; các hoạt động nhân đạo từ thiện; phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xứ đạo bình yên, chùa tinh tiến.
Tạo niềm tin trong nhân dân
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Hồng Quảng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình, “cha đẻ” của kế hoạch nêu trên cho biết: Từ việc yêu cầu cán bộ MTTQ đi về cơ sở dự sinh hoạt cùng Ban CTMT KDC đã thu thập được nhiều kết quả tốt. Cán bộ MTTQ các cấp bám sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân và dư luận xã hội, phản ánh kịp thời, trung thực tới các cấp có thẩm quyền, góp phần quan trọng trong việc đưa Nghị quyết Đại hội VIII MTTQ Việt Nam vào cuộc sống. Từ đó, động viên, cổ vũ bà con hăng hái tham gia các phong trào, các cuộc vận động lớn do MTTQ chủ trì phát động.
“Cũng thông qua kế hoạch này, chúng tôi đang từng bước góp phần tạo không khí phấn khởi trong xã hội, xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, vấn đề sản xuất, tiêu thụ nông sản, những khó khăn cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp cũng được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, tháo gỡ”, ông Quảng chia sẻ.
Tuy nhiên, kế hoạch mới được đưa vào thực tiễn trong vòng một năm nên khó tránh khỏi tồn tại những hạn chế. Cụ thể, ở một số địa phương, việc kiến thiết xây dựng cơ sở hạ tầng còn gặp khó khăn do bà con phải đóng góp vượt khả năng, một số cá nhân bức xúc liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, việc thi công chậm tại các dự án; vấn đề ô nhiễm môi trường quanh khu công nghiệp; giải quyết việc làm cho lao động khi bị thu hồi đất… chưa được giải quyết dứt điểm.
Mặt khác, vẫn còn một bộ phận cán bộ các ngành, các cấp và cán bộ MT chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò trách nhiệm của MT nói chung và Ban CTMT nói riêng dẫn tới có những phong trào, CVĐ tổ chức ở KDC còn chồng chéo, chưa rõ vai trò chủ trì của Trưởng Ban CTMT.
Trong thời gian tới, thông qua kế hoạch 38/KH-MT, Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt định kỳ của Ban CTMT, coi đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo hoạt động của Ban CTMT đem lại những hiệu quả thiết thực.
“Cán bộ, chuyên viên MTTQ các cấp hằng tháng sẽ phải tiếp tục tăng cường bố trí thời gian xuống cơ sở, nêu cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ được phân công. Cán bộ MT phải sâu sát, chủ động, kịp thời nắm bắt, phản ánh đúng tình hình công tác MT, nhất là những vấn đề phức tạp ở địa phương được phân công theo dõi và báo cáo với lãnh đạo cơ quan, đồng thời tham mưu, đề xuất giải pháp trong việc giải quyết”, ông Trần Hồng Quảng khẳng định.
Để thực hiện đạt hiệu quả cao hơn nữa đối với kế hoạch 38/KH-MT, cũng theo ông Trần Hồng Quảng, Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình đề xuất: HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình cần có chính sách nâng mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban CTMT ở KDC. Đây vừa là sự động viên tinh thần vừa ghi nhận công sức đóng góp của CTMT trong quá trình xây dựng, phát triển xã hội ổn định, vững chắc.