Trước thông tin khu vực Ga Hà Nội và phụ cận sẽ xuất hiện những tòa nhà cao tầng (40-70 tầng), vấn đề quy hoạch vùng lõi đô thị lại được đặt ra. Đó là làm gì để hạn chế sự xuất hiện của những cao ốc, với sự đe dọa “nuốt phố”. Nhà quản lý thì cho rằng không nên quá lo theo kiểu cảm tính; nhưng giới chuyên gia kiến trúc, quy hoạch thì lại có ý kiến trái ngược. Vậy, đâu là thực chất của vấn đề?
Nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều khiến nội đô Hà Nội thêm chật chội.
Tuần qua nhiều người bất ngờ trước thông tin: khu vực Ga Hà Nội và phụ cận sẽ xuất hiện những tòa nhà cao tầng( 40-70 tầng). Bất ngờ là bởi, trước đây, một trong những lý do mà đại diện Công an Hà Nội muốn đề xuất di dời ga khỏi khu vực này là để giúp loại bỏ những xung đột giao thông, giảm áp lực cho khu vực trung tâm…Nhưng liệu ga Hà Nội với những tòa cao ốc nghễu nghện giữa phố có khiến áp lực về giao thông sẽ giảm nếu nơi đây là cực hút về dân số?
Xây nhà cao tầng tại khu vực ga Hà Nội có trái với Quy chế quản lý quy hoạch?
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội Lê Vinh cho biết, quy hoạch này do Sở QHKT chủ trì lập. Đơn vị tư vấn là Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltđ (NSC) của Nhật.
Theo Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và phụ cận, Hà Nội đề xuất xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, có kết nối với các tuyến đường sắt đô thị số 3 trên phố Trần Hưng Đạo; trung tâm về giao thông vận tải đa phương thức bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, thương mại, kinh doanh, văn hoá... của Thủ đô. Tăng khả năng tiếp cận giữa khu vực ga Hà Nội tới các công trình của khu phố cổ, khu phố Pháp và khu vực phía Tây quận Đống Đa. Đồng thời, phát triển không gian ngầm nhằm khai thác tối đa hiệu quả quỹ đất hiện có.
Về việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, TP đề xuất quy hoạch 9 phân vùng không gian chức năng. Cụ thể: các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40-70 tầng bố cục ở phía Bắc khu đất quy hoạch; Khu truyền thông cao khoảng 40-70 tầng và khu công viên bố cục ở phía Đông; Khu thương mại quốc tế; khu lối sống mới cao khoảng 40-60 tầng bố cục ở phía Tây Nam; Khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40-60 tầng; Khu ga đường sắt cao 40-70 tầng được bố trí nằm tại khu vực trung tâm của khu quy hoạch. Theo tính toán của đơn vị lập Đồ án, tổng nhu cầu vốn đầu tư sẽ rơi vào khoảng 23.800 tỉ đồng.
Dự kiến việc đầu tư sẽ được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đến năm 2020, giai đoạn 2 phát triển đến năm 2030, giai đoạn 3 phát triển từ năm 2025 đến 2035.
Trước nhiều ý kiến lo ngại với tổng dân số quy hoạch trong khu vực này lên đến 44.000 người, mật độ dân số cao sẽ gây áp lực cho khu vực nội đô, ông Lê Vinh khẳng định, lo ngại như vậy chỉ là cảm tính. Bởi, chúng tôi đã tính toán tổng dân số ở khu vực này một cách khoa học nhất. Phần lớn trong số này là dân tái định cư tại chỗ.
Dẫu cơ quan quản lý đã khẳng định không ngán áp lực dân số và đã có phương án kỹ nhưng nhiều ý kiến cho rằng không thể không lo ngại vấn đề này. Bởi bản vẽ thì rất đẹp nhưng thực tế thì rất khác. Đó là lý do rất nhiều khu đất vàng trong khu vực nội đô lý ra được dành cho không gian xanh, không gian công cộng thì nay đã trở thành những cao ốc nghễu nghện thách thức nhà quản lý giải bài toán ách tắc giao thông, thiếu trường học, nạn ô nhiễm môi trường, ngập lụt…
Để bảo vệ đô thị lõi ngăn chặn thực trạng cao ốc nuốt phố, năm 2016, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong Khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội được ban hành. Dù Quy chế này được đánh giá là sẽ mở đường cho việc cải tạo các khu tập thể cũ của Hà Nội, nhưng đối với nhiều địa điểm khác vẫn là quá muộn màng khi mà bức tranh về nhà cao tầng trong khu vực đô thị trung tâm của thành phố đã trở nên khó cứu vãn, hoặc phải rất lâu sau mới có thể khắc phục được.
“Vậy mà Quy chế thực hiện chưa được bao lâu, người ta đã tính chuyện xé rào, xin cơ chế đặc thù để vi phạm chính quy chế họ đã ban hành” - phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm nói. Theo ông Nghiêm,việc đề xuất xây dựng một số công trình cao từ 40-70 tầng (khoảng 100-200m) tại khu vực ga Hà Nội được xem là đi ngược với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành vào tháng 4-2016. Rõ ràng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử là thể hiện mong muốn, ý chí của TP Hà Nội trước áp lực hàng loạt công trình cao tầng được xây dựng. Bản thân quy định này cũng căn cứ từ quy hoạch chung và luật Thủ đô. TP phải tôn trọng những điều đã đặt ra trong quy chế
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉnh trang ga Hà Nội khi nó sập xệ là điều cần thiết. Nhưng phải tính toán kĩ lưỡng. Đặc biệt, phải ưu tiên cho các công trình công cộng. Tránh điều chỉnh quy hoạch, xuất hiện quá nhiều cao ốc khiến Hà Nội không thể tìm được lời giải cho ách tắc giao thông do tăng dân số cơ học.
Tại cuộc họp Chính phủ với địa phương cuối năm 2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn phê bình Hà Nội về vấn nạn ùn tắc giao thông và chỉ rõ: Hà Nội ùn tắc giao thông cũng có phần do thành phố cho xây quá nhiều nhà cao tầng. Tôi nói thật để các đồng chí biết, thành phố đã cấp phép tràn lan, cho xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng trong nội đô. Tôi yêu cầu không được để như thế nữa”.
TS Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS trưởng thành phố Hà Nội thì cho rằng không thể để nhà cao tầng mọc tại đất vàng. Ông Nghiêm cho biết, theo kế hoạch, cuối năm 2017 hoặc đầu 2018, các sở ngành của thành phố sẽ được chuyển về hai khu hành chính tập trung mới. Khu thứ nhất nằm trên đường Võ Chí Công (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ). Khu thứ hai sẽ xây dựng mới tại vị trí trụ sở Sở Xây dựng số 52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng. Khu liên cơ đường Võ Chí Công đã xây dựng xong hai toà nhà 18 tầng và 14 tầng, tổng diện tích đất 4.000 m2. 8 sở ngành sẽ chuyển về đây gồm các sở: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Quy hoạch và kiến trúc, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Viện Quy hoạch. Những trụ sở cũ của các sở, ngành nằm tại vị trí “đất vàng” sẽ được bán đấu giá công khai. Chưa biết nhà đầu tư sẽ đáp ứng đủ điều kiện gì sẽ trúng thầu vụ đấu giá này. Nhưng điều mà cộng đồng đặt ra đó là đất của các trụ sở sau khi di dời không thể xây chung cư cao tầng. Nếu xuất hiện nhà cao tầng ở những địa điểm này thì bài toán ùn tắc giao thông sẽ là muôn đời không bao giờ giải được. |
Tư duy “bóc ngắn cắn dài”
Theo PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, khi cao ốc mọc giữa phố sẽ không thể nào giải được bài toán tắc đường.
Trong những năm gần đây công tác quản lý vận hành quy hoạch không tốt, hàng trăm nhà cao tầng được xây dựng trong thành phố đã phá vỡ mong muốn bảo tồn hình ảnh truyền thống của đô thị, đe dọa các di sản nghìn năm lịch sử.Khi giải tỏa các công trình, di dời nhà máy ra ngoại thành, ngay lập tức khu chung cư, nhà cao tầng mọc lên ở đó, làm dân số tăng nhiều lần.
Trong 5 năm qua dân số Hà Nội không giảm được xuống còn 80.000 người như quy hoạch mà đã tăng gấp đôi. Phải thực hiện nghiêm quy định hạn chế xây nhà cao tầng trong nội đô.Dứt khoát quản chặt quỹ đất sau khi các trụ sở bộ ngành, trường học di dời ra ngoại thành. Bởi quỹ đất này mà biến thành chung cư, trung tâm thương mại thì việc di dời các cơ sở này ra ngoại ô là vô nghĩa.
“Về xây cao tầng ở ga Hà Nội theo tôi, TP Hà Nội cần phải làm rõ nội dung đề xuất quy hoạch khu vực Ga Hà Nội như vậy có phá vỡ nguyên tắc cơ bản trong quy hoạch nội thành hay không.Nếu giải thích được điều đó thì dân đồng tình ủng hộ.Còn chỉ giải thích một số vấn đề lợi ích mang tính cục bộ thì khả năng thuyết phục được công chúng là rất khó, các Bộ ngành cũng không dám đồng ý”- PGS Trần Trọng Hanh nói.
Còn theo KTS Trần Huy Ánh, xu hướng các cao ốc mọc lên bên trong nội đô dường như là sự phát triển tất yếu của một đô thị đang trong quá trình hiện đại hóa. Nhưng việc quy hoạch lại không đồng bộ với hạ tầng giao thông nên gây ra cảnh ùn tắc giao thông và nhiều hệ lụy khác. Liệu Hà Nội đã phát triển đúng với mục tiêu hướng tới một đô thị hiện đại, văn minh chưa?
“Nếu nói Hà Nội là một đô thị hiện đại, văn minh thì đó mới chỉ là mơ ước thôi. Người dân ra đường không có đường để đi, chất lượng không khí kém đi so với trước đây, nhà cháy thì rất khó để cứu chữa, tần suất cháy tương đối nhiều... Điều này có nghĩa chất lượng sống, môi trường sống đô thị đang có vấn đề”- ông Ánh nói và thêm rằng thành phố xuất hiện nhiều nhà cao tầng là biểu hiện của một đô thị nén, khi đã có công nghệ xây dựng phát triển.
Nếu so sánh về độ cao của những tòa cao ốc và số lượng cao ốc thì Hà Nội chưa thể so sánh với Hồng Kông. Nhưng hai thành phố lại hoàn toàn khác nhau. Ở Hồng Kông, hạ tầng luôn đồng bộ với đà tăng của mật độ dân số. Rất hiếm khi người ta chứng kiến cảnh tắc đường ở Hồng Kông. Còn ở Hà Nội, người ta lại xẻ đất ra để bán, xây chung cư. Rồi người người đua nhau đặt chỗ, đặt tiền để mua nhà, tới khi mua được nhà rồi lại kêu là không có đường giao thông.
Nhìn rộng ra, đây là hai mặt của một vấn đề. Ở nước ta vẫn tồn tại tư duy “bóc ngắn cắn dài”, nhà đầu tư chỉ tập trung kiếm lợi trước mắt.Còn bán được nhà họ cứ xây, kể cả tắc đường họ vẫn làm. Rồi chính những người mua nhà sẽ phải chịu ảnh hưởng bởi điều này khi xảy ra ngập lụt, ách tắc giao thông, cháy nổ... Các cơ quan quản lý nhà nước- những người cầm cân nảy mực phải nhìn xa trông rộng, để xây dựng một kế hoạch quy hoạch tổng thể hợp lý, kịch bản phát triển bền vững.
Hà Nội là thủ đô của cả nước, chính quyền thành phố phải có trách nhiệm hơn, phải là tấm gương để các địa phương khác noi theo. Hà Nội cần giải quyết vấn đề sao cho các chung cư cao tầng trong thành phố đồng bộ với hệ thống giao thông đang dần được cải thiện.
Trụ sở của các cơ quan Nhà nước, nhà máy đã chuyển ra bên ngoài thành phố cần trả lại cho thành phố để sử dụng làm không gian công cộng.Ví dụ như trụ sở cũ của mốt số bộ ngành dù đã chuyển ra nơi khác nhưng vẫn được duy trì với vài người tới làm việc? “Trong khi tài sản của xã hội ngày càng hiếm thì chúng ta lại để phung phí. Ngay cả quỹ đất Trung ương đã giữ của Hà Nội cũng cần có một thái độ dứt khoát, để người dân có niềm tin rằng quy hoạch là có thật, có ích, có thể phát triển được. Đừng để người dân nghĩ rằng đó là quy hoạch, vẽ vời trên giấy cho vui”- ông Ánh nói.