Khi điểm thi khác học lực

Vi Cầm 27/09/2021 06:30

Cuối tuần qua, câu chuyện 58 thí sinh điểm cao nhưng không trúng tuyển vào các trường đại học đã đăng ký lại một lần nữa trở thành đề tài “hot”, khi Cục Đào tạo - Bộ Công an lý giải về hiện tượng này.

Theo đó, Cục Đào tạo đã tra soát danh sách 58 thí sinh (55 nam, 3 nữ) theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) để kiểm tra cụ thể từng trường hợp và xác định 58 thí sinh đều đăng ký xét tuyển vào các trường công an nhân dân ở nguyện vọng 1, điểm các thí sinh đều từ 29,25 trở lên (theo cách tính điểm của Bộ GDĐT) và không trúng tuyển vào các trường công an nhân dân đã đăng ký.

Theo Cục Đào tạo, qua kiểm tra dữ liệu tuyển sinh của Bộ Công an, 55 thí sinh trên là chiến sĩ nghĩa vụ công an tại ngũ không đủ điều kiện để xét tuyển đại học do không bảo đảm tiêu chuẩn về học lực (có môn thuộc tổ hợp xét tuyển dưới 6,5 điểm, kết quả học 3 năm THPT chưa cao). Có những thí sinh trong số đó đạt điểm thi 3 môn tổ hợp từ 9,0 cho đến cận 10 điểm, nhưng qua đối chiếu học bạ lại có sự chênh lệch lớn so với kết quả học tập 3 năm THPT, chỉ đạt 6,7 (lớp 10), 7,0 (lớp 11), 6,9 (lớp 12)…

Tương tự như vậy, ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mùa tuyển sinh này cũng có tới 67 thí sinh đủ điểm đỗ, nhưng vẫn không trúng tuyển vào trường. Theo PGS Trần Trung Kiên - Trưởng Phòng Tuyển sinh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các thí sinh này có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn, nhưng không đạt điều kiện tham gia xét tuyển nhà trường đã đưa ra đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (điểm trung bình mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển học bạ ở 6 học kỳ THPT phải từ 7 trở lên). Hiện trường đã làm việc với Bộ GDĐT để điều chỉnh kết quả trúng tuyển cho các em này.

Tình trạng điểm thi cao nhưng không đạt yêu cầu về học lực (theo quy định của các trường), được lý giải là do lỗi chủ quan đến từ thí sinh. Trong quá trình làm hồ sơ tuyển sinh, các em đã không chú ý tới tiêu chí phụ trong xét tuyển. Đây cũng là thực tế từng xảy ra ở những mùa tuyển sinh trước.

Song câu chuyện này đang đặt ra một băn khoăn khác. Làm sao để các em đạt được mong muốn và quyền lợi khi được vào học ngành hoặc trường mình yêu thích? Tại sao điểm thi lại vênh với điểm học bạ? Vậy điểm thi phản ánh đúng thực chất hay điểm học bạ phản ánh đúng học lực của thí sinh?

Trong một đối sánh giữa điểm thi và điểm học bạ được Bộ GDĐT công bố cuối tháng 7/2021 với học sinh lớp 12 THPT, ghi nhận cho thấy, trung bình điểm thi của hầu hết các môn ở nhiều địa phương đều thấp hơn điểm trung bình ghi trong học bạ. Đáng lưu ý có sự chênh lệch lớn ở hai môn Lịch sử và Tiếng Anh. Điều này có thể hiểu, học bạ ít nhiều đã được “làm đẹp”.

Nhưng còn về điểm thi cao, cao hơn hẳn so với học bạ sẽ phải lý giải thế nào đây? Do đề thi năm nay dễ quá; do hình thức thi trắc nghiệm, điểm cao - thấp là may rủi, hay còn lý do nào khác nữa? Theo lẽ thông thường nếu học lực tốt, thì thi cũng phải đạt điểm tốt là đương nhiên.

Theo các chuyên gia giáo dục, điểm thi THPT quốc gia quá cao là chưa phản ánh đúng năng lực của học sinh. Dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, kiến thức được tinh giản, đề thi cũng được giảm cấp độ, nên đã không đảm bảo độ công bằng đánh giá học lực. Do đó điểm thi cao cũng chưa hẳn đã tương quan đến khả năng học đại học…

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cho rằng, Bộ GDĐT nên quan tâm nghiên cứu và xử lý tốt các nguyên nhân chủ quan về “điểm cao vẫn trượt” đây là do trách nhiệm của chính ngành mình.

Trong đó, các trường dành tỷ lệ tuyển thẳng 30-50% tuyển sinh là quá cao, hết cả chỉ tiêu xét tuyển qua thi. Ít chỉ tiêu mà nhiều thí sinh đăng ký, thì tăng điểm chuẩn tới 30 hoặc trên 30 điểm là tất yếu. Mặt khác coi trọng quá nhiều đối tượng tuyển thẳng đặc thù là lệch lạc với quan điểm đổi mới giáo dục hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi điểm thi khác học lực