Thách thức lớn nhất với giáo viên là từ bên trong, từ quá trình đổi mới giáo dục và vượt lên chính mình. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, đổi mới giáo dục ở chặng đường tiếp theo về thực chất là sự đổi mới ở chiều sâu của chính lực lượng nhà giáo. Các thầy cô đổi mới đến đâu, giáo dục đổi mới đến đó bởi giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục.
Trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu cần xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Trăn trở đổi mới vì học sinh cần mình
Năm học 2024 - 2025 là năm học thứ năm mà ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, được kỳ vọng là tạo nên bước phát triển đột phá, thay đổi căn bản giáo dục phổ thông Việt Nam từ giáo dục dựa trên nội dung sang giáo dục dựa trên năng lực. Để chuẩn bị cho lần đổi mới này, trong những năm qua, cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường học đã liên tục tham gia các khóa bồi dưỡng triển khai chương trình 2018 và các sách giáo khoa mới từ trực tuyến đến trực tiếp cũng như tự học, tự trau dồi không ngừng với kho học liệu số phong phú do ngành giáo dục cung cấp.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu (Trường THCS Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ chương trình mới, sách giáo khoa mới đòi hỏi mỗi giáo viên phải nghiền ngẫm thật kỹ, tìm kiếm phương pháp dạy học phù hợp với mỗi đối tượng học sinh khác nhau. Trong 13 năm đứng trên bục giảng, cô luôn cố gắng áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy sáng tạo để đưa môn Sinh học và Khoa học tự nhiên gần hơn với các em học sinh. Đó có thể là các trò chơi, câu đố vui, sử dụng các hình ảnh minh họa đẹp mắt và sinh động gần gũi với thực tiễn cuộc sống hàng ngày để thu hút, khơi gợi sự thích thú của học sinh với môn học, tổ chức làm bài tập, học theo nhóm… Cô Thu cũng là giáo viên đi đầu trong việc soạn bài giảng điện tử, tạo nên những giờ học sinh động và hiệu quả. Đặc biệt, cô không ngừng tìm tòi, nâng cao trình độ chuyên môn qua những buổi tập huấn chuyên môn, trang bị nhiều sách, tài liệu tham khảo chuyên sâu… Những giờ học truyền cảm hứng của cô Thu khiến học sinh không còn cảm thấy môn học khô khan, khó khổ mà đầy chờ mong.
Là giáo viên có hơn 30 năm gắn bó với vùng núi cao Tương Dương (Nghệ An), cô giáo Võ Thị Tuyết Chinh hiện công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Tương Dương. Cô Chinh nhớ lại những ngày đầu lên lớp, cơ sở vật chất tạm bợ, thiếu thốn đủ thứ, học sinh là đồng bào dân tộc Thái, Mông… nói tiếng Kinh chưa thành thạo, nhiều em chưa biết đọc và không nhớ hết bảng chữ cái dù đã lên lớp 3… Vậy là cô giáo trẻ căn cứ vào tình hình thực tế của học sinh để soạn giáo án mỗi ngày mà không có bất cứ giáo án mẫu nào để tham khảo. Kiên trì từng chút, chứng kiến sự tiến bộ của học sinh từng ngày là niềm vui với người giáo viên miền núi.
Dạy học theo chương trình mới, đặc biệt là với Ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 đối với các trường ở vùng khó là một thách thức vì thiếu thốn cơ sở vật chất đã đành, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là giáo viên cũng… không có. Cô Nguyễn Bích Thu - giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) đã vượt qua nỗi sợ của chính mình để đến với Trường Tiểu học Khao Mang (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) để dạy cho những học sinh vốn chịu nhiều thiệt thòi này. Là giáo viên tiếng Anh duy nhất nên cô Thu phải phụ trách dạy môn học này cho học sinh khối lớp 3, 4, 5 của cả trường với tổng số 10 lớp. Tuy nhiên, nếu như vậy sẽ quá tải cho giáo viên nên giải pháp đưa ra là học ghép các lớp trong cùng khối để giảm số tiết dạy xuống còn 24 tiết như quy định của Bộ GDĐT. Lớp học đông, cô và trò phải cùng cố gắng gấp đôi để việc học đảm bảo yêu cầu mà chương trình mới đặt ra, nhất là với những học sinh nói tiếng Việt đôi khi còn chưa sõi thì việc học ngoại ngữ là một thách thức với giáo viên.
Nhưng bằng tình yêu thương dành cho học trò, cô Thu đã áp dụng các phương pháp học tập linh hoạt, sáng tạo để giúp học sinh hào hứng tiếp thu bài học, yêu thích môn học, đem lại luồng gió mới cho ngôi trường vùng cao còn nhiều khó khăn.
Đưa AI vào trường học
Trí tuệ nhân tạo (Al) không chỉ là một công cụ học tập đơn thuần, AI còn tạo ra vô vàn cơ hội học tập mới mẻ, đồng thời mang đến sự hứng khởi và chiều sâu cho quá trình dạy và học. Giáo viên giảm tải áp lực khi AI giúp tạo ra nền tảng học tập trực tuyến, cung cấp phản hồi tức thì cho học sinh và tự động hóa các nhiệm vụ như chấm điểm bài kiểm tra. Hiệu quả học tập được nâng cao, khơi gợi hứng thú cho học sinh.
Bà Giang Thị Thanh Nhàn - Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội) có lẽ là một trong những giáo viên mầm non đầu tiên của cả nước tính đến thời điểm nay ứng dụng AI vào giảng dạy trong nhà trường. Trước đó, bà Nhàn đã chủ động tham gia các lớp học bồi dưỡng nâng cao về công nghệ thông tin, tham gia các nhóm hỗ trợ công nghệ và giảng dạy nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng để khai thác, ứng dụng AI vào học tập đạt hiệu quả.
Với những tính năng tiện ích như này, AI có thể hỗ trợ giáo viên thiết kế bài giảng, trò chơi, học tập và tạo ra tài liệu giảng dạy phong phú, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Việc ứng dụng AI, chi phí và nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Theo bà Nhàn, AI có thể hỗ trợ giáo viên mầm non chuyển hình ảnh thành văn bản (file Word), giúp số hóa tài liệu học tập; chuyển văn bản thành file âm thanh, hỗ trợ tạo các bài giảng nghe cho trẻ; thiết kế các bài giảng sinh động, hấp dẫn; chuyển ý tưởng thành tranh, giúp tạo ra các trò chơi học tập và hình ảnh minh họa; tạo video hoạt hình, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, chi phí so với việc tạo video thủ công... Đặc biệt, kho học liệu dùng chung này được chia sẻ không chỉ giữa giáo viên trong cùng trường mà trên cùng địa bàn, cả nước có thể cùng tham thảo, học hỏi.
Tại TPHCM, AI được đưa vào trường học để giảng dạy cho học sinh một số trường phổ thông và dự kiến sẽ triển khai đại trà. Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết, thầy cô dạy AI dự kiến có 2 hướng: một là giáo viên Tin học, hai là giáo viên Toán có khả năng tốt về Tin học hỗ trợ giảng dạy. Sở sẽ tổ chức tập huấn rộng cho các thầy cô.
Ở bậc đại học (ĐH), nhiều cơ sở giáo dục đào tạo đã chủ dẫn đầu trong việc triển khai AI vào chương trình giảng dạy, nghiên cứu và hợp tác quốc tế như ĐH Fulbright Việt Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Công thương TPHCM (HUIT) và ĐH RMIT… TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng HUIT nhìn nhận, AI mang đến cơ hội lớn nhưng cũng đầy thách thức vì Việt Nam hiện đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực này. Khó khăn về hạ tầng kỹ thuật và tài chính cũng là một yếu tố quan trọng cần được xem xét từng bước cho phù hợp để việc triển khai đạt hiệu quả. Vì vậy, nhà trường đã tổ chức khóa học chuyên sâu về ứng dụng AI trong giáo dục ĐH và nghiên cứu khoa học với mong muốn viên chức giảng viên sẽ có thể tối ưu hóa công việc, nâng cao hiệu quả và đạt được độ chính xác cao hơn trong giảng dạy và nghiên cứu.
Đổi mới là cơ hội để thay đổi
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, đổi mới chính là cơ hội để mỗi nhà giáo thay đổi bản thân. Các thầy cô đổi mới đến đâu, giáo dục đổi mới đến đó bởi giáo viên là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của đổi mới.
“Muốn đổi mới căn bản và toàn diện ngành GDĐT, muốn có điều kiện thực hiện đổi mới trong giáo dục phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, muốn thực hiện được những đổi mới trong giáo dục đại học, phát triển nghiên cứu khoa học, đưa hoạt động đào tạo ở bậc đại học sát với thực tiễn, đáp ứng với yêu cầu nhân lực chất lượng cao của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 thì lực lượng nhà giáo cần phải đổi mới rất nhiều” – Bộ trưởng Bộ GDĐT khẳng định và mong muốn nhà giáo cần nỗ lực vô cùng lớn và sáng tạo không ngừng.