Đối với cán bộ cơ quan Ủy ban MTTQ TPHCM, cái tên Trần Khắc Hạnh đã trở nên quen thuộc khi anh là tình nguyện viên tiêu biểu đã gắn bó, chung sức đồng lòng trong những ngày cam go, khốc liệt của cuộc chiến với đại địch Covid-19.
Sinh năm 1985 tại Hà Nam nhưng anh Hạnh đã có thời gian gắn bó với TPHCM hơn 20 năm. Là một doanh nhân trẻ, anh hăng hái tham gia các hoạt động xã hội của Thành đoàn. Tháng 5/2021, đại dịch bùng phát ở TPHCM, hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố, anh Hạnh đã tham gia vào đội tình nguyện viên phòng, chống dịch ở quận Gò Vấp.
Tháng 7/2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, là người đã có kinh nghiệm tham gia phòng, chống dịch ngay từ những ngày đầu, anh Hạnh được Thành đoàn cử sang hỗ trợ MTTQ TPHCM với vai trò là đội trưởng đội tình nguyện viên. Mặc dù chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19, phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm rình rập nhưng với ý thức trách nhiệm của một công dân, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình nguyện viên Trần Khắc Hạnh đã lăn xả vào công việc.
Trong vai trò là đội trưởng, công việc mỗi ngày của anh rất bận rộn với việc phân bổ khối lượng hàng trong ngày, đóng gói, vận chuyển, luân chuyển kho, phân phối lên xe, phân công nhiệm vụ cho từng người khi xe hàng cứu trợ đến... Cuối ngày lại họp để thống kê số liệu và hoàn thiện các thủ tục giấy tờ liên quan. Không chỉ có vậy, bản thân anh trực tiếp khuân vác, phân phát hàng cứu trợ ở rất nhiều nơi. Chỗ nào ô tô không đến được, anh dùng chiếc xe máy mượn của bạn để đến tận nơi. Các cán bộ trực chốt dường như đã quá quen thuộc với hình ảnh của một tình nguyện viên trong bộ đồ bảo hộ kín mít, phía trước xe có dán sẵn giấy đi đường đã ép plastic, sau xe là một chiếc thùng nhựa to, không quản ngại ngày đêm, mưa nắng len lỏi khắp từng con hẻm để mang hàng cứu trợ đến cho bà con.
Có những đêm mưa gió, hết giờ trực, anh lái xe đi khắp Củ Chi, Nhà Bè, quận 9, Bình Chánh, Bình Tân... để tiếp thêm nhu yếu phẩm cho những hộ nghèo, các khu trọ công nhân và các gia đình mắc Covid-19 đang cầu cứu. Từ ngày tham gia đội tình nguyện viên, anh không về nhà, thời gian chủ yếu ở trụ sở Mặt trận, ở trên các cung đường. Khi cần nghỉ ngơi lấy sức thì về văn phòng nơi vẫn thường làm việc chợp mắt.
Hăng hái, xông xáo tham gia phòng, chống dịch Covid-19 cùng cán bộ Mặt trận, tình nguyện viên Trần Khắc Hạnh cũng đã có nhiều kỷ niệm, nhiều trải nghiệm, tự thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều và tin những ngày tháng đó là bài học quý giá để anh làm tốt hơn công việc của mình. Anh chia sẻ: Tôi nhận thấy khi lời kêu gọi, hiệu triệu của Mặt trận cất lên giữa thời điểm cam go đã được các tổ chức, các địa phương và nhân dân đồng lòng hưởng ứng. Hàng ngày, chứng kiến những đoàn xe trọng tải lớn chở hàng về trụ sở Ủy ban MTTQ TPHCM, anh em cán bộ Mặt trận và đội tình nguyên viên chúng tôi trào dâng xúc động. Trên những chiếc xe đâu chỉ là nhu yếu phẩm từ khắp nơi gửi về mà còn chứa đựng biết bao tình cảm của đồng bào gửi gắm trong đó. Những tấm băng rôn căng trên xe, những lời chúc tốt lành, những chiếc bánh chưng, túi ruốc bông… từ mảnh đất Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc xa xôi đến những quả bí của bà con Bình Định có khắc những dòng chữ động viên, cổ vũ TPHCM bền lòng vững chí vượt qua đại dịch. Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là thứ vaccine vô giá nhất lúc đó.
Anh Hạnh không bao giờ quên những ánh mắt và cái chắp tay cảm ơn của một đội xây dựng bị mắc kẹt tại công trình bên chợ Bình Điền. Họ đã hết lương thực hơn 1 ngày và đang rất lo lắng vì khi đó Bình Điền vẫn là vùng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Những túi an sinh kịp thời của thành phố khi đó mới thực sự quý giá biết chừng nào. Hay hình ảnh một tài xế lái xe từ Thanh Hóa vào TPHCM mà không nghỉ đêm nào, chỉ mong sao hàng cứu trợ đến nơi càng nhanh càng tốt. Lúc dỡ hàng, đội tình nguyện viên lặng người khi nhìn thấy trên cabin còn sót lại mấy vỏ hộp sữa tươi và bánh mỳ nguội lạnh. Điều đó tiếp thêm động lực, ý chí, sức mạnh cho anh chị em trong Mặt trận và đội tình nguyện viên. Ai cũng căng sức làm việc hết công suất để hàng cứu trợ đến được với người dân nhanh nhất.
Trong đại dịch, anh càng thấm thía về truyền thống và những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Chính vì vậy, anh đã thiết kế và sản xuất ra những tấm patch về chủ đề phòng, chống Covid-19. Mỗi tấm patch là một câu chuyện cảm động về những con người đã xả thân trong đại dịch, về tình người, về tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam để lưu lại cho các thế hệ mai sau. Đồng thời, anh cũng đã giữ lại rất nhiều các tư trang, kỷ vật sử dụng trong những ngày tham gia chống dịch: giấy đi đường, thẻ tình nguyện viên, bộ đồ dụng cụ cắt tóc… đặc biệt là chiếc xe máy giúp anh vận chuyển nhu yếu phẩm đến với bà con đã được anh mua lại để trao tặng cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Điều hạnh phúc nhất đối với anh là sau khi đại dịch kết thúc, một số người dân ở Củ Chi vẫn nhớ đến anh như một cán bộ Mặt trận, thi thoảng gọi điện hỏi thăm, có rau xanh hay hoa quả tươi nhà trồng được họ lại gửi lên cho.
Là một tình nguyện viên có nhiều đóng góp trong đại dịch Covid-19 nhưng Trần Khắc Hạnh lại rất khiêm tốn khi nói về mình. Với anh, đó là trách nhiệm của mỗi công dân, là cơ hội để anh trả ơn thành phố nơi anh đã gắn bó, học tập, làm việc, trưởng thành…
Đại dịch Covid-19 đã được đẩy lùi nhưng ký ức và những kỷ vật về những tháng ngày cả dân tộc chiến đấu kiên cường trong đó có tình nguyện viên Trần Khắc Hạnh vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để kể câu chuyện về tinh thần đại đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái, về vai trò quy tụ, phát huy sức mạnh nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong dòng chảy tiếp nối của lịch sử.