Vấn đề tình cảm gia đình và trách nhiệm hình sự che giấu tội phạm được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự, tuy nhiên khi sửa đổi lại gây tranh cãi. Vậy giữ nguyên hay sửa đổi bỏ đi điều luật này?
Lê Văn Luyện kéo theo người thân vào vòng lao lý. (ảnh tư liệu).
Liên quan đến việc người thân (ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng) của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự khi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm, Luật Hình sự 1999 quy định tại các Điều 21, Điều 22 và Điều 313. Điều 21 quy định về tội “Che giấu tội phạm” như sau: “Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định”.
Điều 22 quy định về tội “Không tố giác tội phạm” như sau: “1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 313 của Bộ luật này. 2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313 của Bộ luật này”. Như vậy, cùng nhận biết về hành vi phạm tội của người thân, nhưng cách ứng xử như thế nào sẽ quyết định hành vi phạm tội của họ. Dấu hiệu phân biệt giữa 2 tội là “có hành động” hay “không hành động”. Và căn cứ vào việc vi phạm mà mức án sẽ khác nhau. Với tội “Che giấu tội phạm” mức án cao nhất là từ 5 đến 7 năm tù. Còn với tội “Không tố giác tội phạm” mức án cao nhất là 3 năm tù.
Những năm gần đây, số lượng người phạm tội “Che giấu tội phạm” và “Không tố giác tội phạm” có xu hướng gia tăng ở mức đáng báo động. Nhiều vụ án chỉ có 1, 2 người gây án mà kéo theo 4 đến 5 người thân vào vòng lao lý. Điển hình gần đây nhất là vụ án Lê Văn Luyện giết người cướp tài sản ở Bắc Giang. Ông Lê Văn Miên (bố Lê Văn Luyện), Trương Thanh Hồng (anh họ), Lê Thị Định (cô ruột), Lê Văn Nghi và vợ chồng ông Trương Văn Hợp (bố, mẹ của Hồng) bị truy tố về các tội che giấu, không tố giác tội phạm. Chỉ vì tình thương mù quáng mà họ đã làm ảnh hưởng lớn tới công tác điều tra.
Trong lịch sử, các triều đại phong kiến đặc biệt hà khắc với người thân của các tội phạm. Kẻ phạm tội khi quân, giết vua sẽ khiến cả ba họ bị tru di. Điển hình như trường hợp án oan Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi tại Lệ Chi Viên (Gia Bình, Bắc Ninh). Bị vu giết vua Lê Thái Tông, cả ba họ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ đều bị xử trảm.
Bộ luật Hình sự năm 1999 đã thể hiện phần nào sự nhân đạo trong khi xem xét đến tội “Không tố giác tội phạm”. Theo đó, người thân của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313. Còn tại dự thảo Luật Hình sự sửa đổi đang lấy ý kiến nhân dân, khía cạnh mang tính “nhân văn” này được đẩy thêm một bước. Nếu ở tội “Che giấu tội phạm” thì người thân của người phạm tội được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Còn riêng với tội “Không tố giác tội phạm” thì người thân của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Có ý kiến cho rằng: Đồng thuận với sửa đổi xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi người thân có hành vi che giấu tội phạm. Nhưng nên giữ nguyên quy định ở tội “Không tố giác tội phạm”. Bởi vì người thân biết người ruột thịt của mình phạm tội mà không tố giác thì sẽ gây cản trở tới quá trình điều tra, hơn nữa, chỉ vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng tới lợi ích của người khác, của xã hội.
Còn theo quan điểm của luật sư Nguyễn Duy Hữu - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: “Tôi đồng ý với luật sửa đổi. Điều 22 trong dự thảo được quy định tại Điều 19 thể hiện tính nhân văn của nó. Trong thực tế, ở một số trường hợp, có thể người thân sợ bị liên luỵ trách nhiệm hình sự với người phạm tội sẽ làm đơn xin từ bỏ mối quan hệ thì sao? Và không nên quy định bắt buộc luật sư bào chữa cũng phải chịu trách nhiệm hình sự khi người phạm tội nói cho họ biết hết về hành vi phạm tội của mình ngoài nội dung bị truy tố. Bởi lẽ, lời nói của người phạm tội không phải là chứng cứ để kết tội. Hơn nữa, điều này cũng sẽ tạo cản trở lớn tới hoạt động nghề nghiệp của luật sư”.
Luật sư Nguyễn Duy Hữu cũng đề nghị nên bổ sung thêm nội dung: Người chưa thành niên không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm.