Có đến trên 70% dân số Việt sử dụng internet. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh và internet tăng mạnh đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng, buộc DN phải đổi mới cách thức cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Nhìn lại năm 2020, có thể thấy đây là một năm đầy khó khăn đối với cộng đồng DN khi mà hầu hết các giao dịch thương mại truyền thống bị đình trệ, giữa người mua và người bán không thể gặp nhau trực tiếp để trao đổi hàng hóa cũng như thực hiện các giao dịch kết nối đối tác.
Tuy nhiên, đối với những DN đã có sự đầu tư, số hóa từ trước đó, thì dường như đại dịch thế kỷ này lại không tác động nhiều. Thậm chí, đối với nhiều DN, đó lại còn là cơ hội để làm ăn, trỗi dậy.
Đơn cử như trường hợp một công ty chuyên về trao đổi hàng hóa (hàng đổi hàng), theo chia sẻ của giám đốc công ty này, giãn cách xã hội, các đối tác không gặp nhau trực tiếp và hàng hóa bị tồn đọng lại trở thành cơ hội để công ty khai thác bạn hàng.
Theo đó, vị giám đốc đã tìm cách kết nối các đối tác với nhau, tìm được người cần mua và người cần bán đúng những món hàng mà đôi bên cần để trao đổi. Tất cả đều được thực hiện online. Từ sự kết nối này, vị giám đốc cho biết, đã giải tỏa được một lượng lớn hàng tồn kho của nhiều DN từ quần áo thời trang, cho đến đồ uống, đồ gia dụng... khi lượng hàng không thể tiêu thụ trong “mùa covid”.
Trường hợp của DN nói trên là một minh chứng rõ nét cho sự “thức thời” của các DN trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đã gặt hái được những hiệu quả tích cực.
Theo nhận định của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), năm 2020 là một năm bản lề cho việc chuyển mình của các DN Việt khi ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử (TMĐT) để phát triển kênh phân phối mới.
Nhiều DN đã khai thác tốt các nền tảng trực tuyến, đẩy mạnh TMĐT là một trong các giải pháp được 14,6% DN lựa chọn để đối phó với đại dịch nên TMĐT đã dần trở nên phổ biến, vừa là giải pháp cho DN Việt, vừa tạo nên xu hướng mới, thuận tiện cho người tiêu dùng.
Chính bởi thế dù khó khăn gây ra bởi dịch bệnh, TMĐT năm 2020 vẫn chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ ngay sau khi hàng hóa biên giới vẫn được thông thương thuận lợi trở lại. Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 đã ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60 giờ, tăng 267% so với cùng kỳ. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nêu rõ, dịch Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại, nhưng cũng chính là “cú huých” mạnh mẽ cho sự phát triển của TMĐT.
Tuy nhiên, đánh giá về bức tranh tổng thể DN Việt Nam hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, sự chủ động của các DN đối với quá trình chuyển đổi số vẫn chưa thực sự rõ nét. PGS.TS Trần Ðình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ rõ, DN mới đang ở vị trí nhập cuộc chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà phần lớn DN hiện nay mới chỉ ở giai đoạn sẵn sàng, thậm chí một tỷ lệ không nhỏ các DN chưa có kế hoạch áp dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) cho quản lý chuỗi cung ứng; mức áp dụng ICT cho giám sát sản xuất, kiểm soát chất lượng cũng rất thấp.
“Thực tế này đòi hỏi các DN Việt cần phải chủ động và nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau”, PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.