Ngày 23/6, người dân nước Anh đã bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu- EU, chấm dứt cuộc “hôn nhân” 43 năm. Cuộc trưng cầu dân ý mang tính chất lịch sử, sau khi kết quả cuối cùng được công bố có người đã thốt lên “nước Anh đã giành được độc lập”. Nhưng cũng rất nhiều người lại băn khoăn lo lắng, sau khi “chia tay” EU, đất nước này sẽ đi về đâu? Cuộc chia tay đầy giằng xé ở đất nước sương mù đã tạo nên một cơn địa chấn toàn cầu, với nhiều cảnh báo về những hậu quả chính trị và kinh tế không chỉ ri
Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10 tới.
Kết quả cuộc trưng cầu lịch sử ở Anh cuối cùng đã nghiêng về phía những người ủng hộ “ra đi”, với tỷ lệ 51,89 người ủng hộ Brexit- nước Anh rời khỏi EU, so với 48,11% số người ủng hộ ở lại. Theo thống kê, có khoảng 46,5 triệu cử tri Anh đã đăng ký tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu được tổ chức vào hôm thứ Năm vừa qua.
Thủ lĩnh đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) có tư tưởng ủng hộ rời bỏ EU, ông Nigel Farrage, đã nói trước báo giới tại Westminster sau chiến thắng rằng EU đang “hấp hối”. Kêu gọi thành lập một “chính phủ Brexit”, ông Nigel thêm rằng “chúng ta đã tự tạo nên một cơ hội để tái hòa nhập với thế giới. Ngày 23/6 cần phải trở thành một ngày lễ quốc gia và chúng tôi sẽ gọi nó là Ngày Độc lập”.
Cùng lúc, ông Nigel còn kêu gọi Thủ tướng Anh David Cameron từ chức sau khi cuộc trưng cầu dân ý có kết quả chính thức. “Bình minh đang tới với một Vương quốc Anh độc lập, điều mà Thủ tướng đã nỗ lực hết mình, sử dụng mọi quyền lực để ngăn chặn”; ông Nigel nói về Thủ tướng Cameron. “Ông đã để mất niềm tin của người dân Anh. Hãy ra đi”.
Kết quả trưng cầu dân ý lịch sử ở Anh vừa qua cũng đã thể hiện sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Anh. Thị trấn Boston ở Lincolnshire có tỷ lệ bầu chọn “ra đi” chiến thắng cao nhất nước: 76% so với 24%, trong khi vùng lãnh thổ Gibraltar lại có tỷ lệ người bầu chọn “ở lại” cao nhất: 96%.
Cần nhắc lại, Liên hiệp vương quốc Anh (UK) đã là một thành viên của EU kể từ năm 1973.
Tỷ lệ ủng hộ và phản đối Brexit trên khắp nước Anh (Nguồn: DM).
Những phản ứng trái chiều
Kết quả của cuộc trưng cầu ở Anh vốn đã thu hút được sự quan tâm của toàn thế giới, và kết quả của nó cũng lập tức gây ra nhiều phản ứng trái chiều từ giới chính trị gia trên toàn cầu.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã gọi kết quả trưng cầu ở Anh là một “cái tát” đối với dự án châu Âu trong một cuộc họp báo ở Brussels. Ông thúc giục EU nên sử dụng “động lực khó khăn của EU” này như một cơ hội mới để phô diễn giá trị của dự án châu Âu đối với người dân trên khắp châu lục, tránh trường hợp như của nước Anh sau này. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier thì viết trên tài khoản Twitter cá nhân rằng: “Thông tin về nước Anh thực sự là bất ngờ. Nó giống như một ngày buồn cho châu Âu và cả nước Anh vậy”.
Chính trị gia Hà Lan Geert Wilders thì hoan nghênh quyết định của người dân Anh, đồng thời kêu gọi cũng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự ở Hà Lan về việc ở lại hay rời khỏi EU.
“Chúng tôi muốn tự chịu trách nhiệm về quốc gia của mình, đồng tiền của mình, biên giới của mình và cả chính sách nhập cư”- ông Wilders nói trên website cá nhân của mình. “Nếu tôi trở thành Thủ tướng, sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU ở Hà Lan. Hãy để người dân Hà Lan quyết định và tôi tin người dân Hà Lan cũng sẽ quyết định ra đi”.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thì đăng tải một tuyên bố trên tài khoản Facebook chính thức của ông, nói rằng: “Chúng tôi tôn trọng nguyện vọng của người dân Anh, đã được thể hiện sau cuộc trưng cầu dân ý, là rời khỏi Liên minh châu Âu. Đây là một quyết định mang tính chất lịch sử”. Phát biểu này được coi là “trung tính” hơn cả, tuy nhiên nó cũng ngầm phát đi thông điệp càng “tự quyết” càng tốt.
Phát biểu sau khi kết quả được công bố, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho biết lấy làm tiếc về kết quả này, nhưng khẳng định EU đã “chuẩn bị sẵn sàng” cho tình huống này.
“Giờ chúng ta đã biết rõ người Anh muốn đi theo con đường của riêng mình, vậy thì châu Âu cũng cần mau chóng hành động”- ông Martin Schulz nói. Nhiều ý kiến tương tự cũng cho rằng, châu Âu cần gấp rút bàn thảo việc “chia tay” với nước Anh, không đợi đến tháng 10 khi Thủ tướng Cameron từ chức. Bởi lẽ, nếu “xuôi chèo mát mái” thì phải chừng 2 năm “thủ tục li dị” mới hoàn tất.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng quan hệ giữa Mỹ với cả Anh và Liên minh châu Âu sẽ vẫn duy trì, sau khi người Anh bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi liên minh.
“Người dân Vương quốc Anh đã có tiếng nói, và chúng tôi tôn trọng quyết định của họ”- ông Obama nói. “Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu sẽ vẫn là những đối tác không thể thiếu của Mỹ, kể cả khi họ bắt đầu đàm phán về mối quan hệ chia tay của mình”.
Thị trường tài chính thế giới rúng động
Kết quả trưng cầu dân ý ở Anh cũng tạo nên một cơn chấn động trên khắp các thị trường tài chính thế giới.
Đồng Bảng Anh đã giảm mạnh hơn 12% xuống mức kỷ lục, 1 Bảng đổi lấy 1,34 USD; mức thấp nhất kể từ năm 1985 đến nay. Chỉ số Nikkei của Nhật giảm 6,7%, chỉ số chính của Hong Kong cũng giảm 3,7% ngay sau khi kết quả sơ bộ trưng cầu dân ý ở Anh được công bố. Các thị trường ở London và New York giảm mạnh khi mở cửa phiên giao dịch đầu tiên sau kết quả này.
Trước cơn bão tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Anh đã lập tức tung ta một tuyên bố nói rằng họ đang “kiểm soát tình hình chặt chẽ” và rằng “đã có kế hoạch đối phó với tình trạng khẩn cấp và đang làm việc chặt chẽ với Bộ Tài chính, các ngân hàng trung ương nước ngoài”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính tiền tệ cho rằng, đó chỉ là “liều thuốc an thần” vì không ai có thể đoan chắc lúc nào cơn bão tiền tệ mới chấm dứt vì việc “chia cổ tức” để nước Anh “ra riêng” thoát khỏi EU còn lâu mới tiến hành.
Tuy nhiên, động thái của Ngân hàng Anh cho rằng họ sẽ tiến hành mọi bước đi cần thiết để bình ổn thị trường tài chính và tiền tệ, phần nào cũng khiến những cái đầu nóng phải bình tĩnh lại. Kết quả trưng cầu dân ý dẫn đến việc nước Anh chia tay EU cũng gây nên một làn sóng bán tháo cổ phiếu trên khắp các thị trường toàn cầu. Các giao dịch trên thị trường cổ phiếu London đã giảm tới 7%, trong khi con số này ở Mỹ là 2% chỉ 1 giờ sau khi kết quả cuối cùng được công bố.
Ngoài việc đồng Bảng sụt giá thê thảm, giá dầu thế giới cũng giảm 4%. Vàng, một trong những món hàng mà các nhà đầu tư nhảy vào khi cảm thấy bất ổn đã lên giá 2%.
Trước dư chấn mà sự kiện ở Anh gây ra trên khắp thế giới, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã tuyên bố rằng họ đang quan sát kỹ lưỡng các thị trường tài chính sau sự kiện trưng cầu ở Anh và sẵn sàng để đưa ra các biện pháp cần thiết trong trường hợp các thị trường tiếp tục suy giảm. Chính phủ Hàn Quốc thì cho hay họ sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn liên quan tới kết quả trưng cầu dân ý ở Anh.
Đồng Bảng Anh đã giảm mạnh hơn 12% xuống mức kỷ lục, 1 Bảng đổi lấy 1,34 USD trong phiên giao dịch ngày 24/6; mức thấp nhất kể từ năm 1985 đến nay. Giá dầu thế giới giảm 4%, trong khi vàng tăng giá 2%.
Hiệu ứng Domino
Các nhà phân tích lo lắng việc Anh chọn rời EU có thể khiến các nước khác theo chân, tác động đến cảnh quan chính trị châu Âu.
Tỷ lệ bỏ phiếu để Anh ở lại EU ở Scotland lên tới 67%, nhưng khi nước Anh đã quyết định rời khỏi EU, rất nhiều người dân ở hòn đảo này cảm thấy rằng đây sẽ là xúc tác cho một cuộc trưng cầu dân ý khác ở Scotland, cho phép nước này được lựa chọn ở lại hay rời khỏi Liên hiệp Anh (UK).
“Scotland đã đưa ra một lá phiếu mạnh mẽ và rõ ràng rằng hãy ở lại EU, và tôi hoan nghênh quan điểm ở lại EU”- Bộ trưởng thứ nhất của Scotland, Nicola Sturgeon, nói trong một tuyên bố. “Và người dân Scotland rõ ràng muốn tương lai của họ gắn liền với EU”.
Một cuộc thăm dò gần đây của YouGov cho thấy, trong số 7 nước được thăm dò, thì tại 6 nước, phần lớn người dân đều cảm nhận rằng nhiều nước sẽ theo đuôi Anh, chọn rời khỏi liên minh. 69% người Thụy Điển tin rằng sẽ có thêm nhiều nước rời EU “hậu Brexit”; 66% người Đan Mạch và 57% người Na Uy có cùng cảm nghĩ.
“Tôi không nghĩ mình còn phù hợp để làm thuyền trưởng cầm lái con thuyền Anh đến bến bờ tiếp theo”- Thủ tướng Anh David Cameron nói. “Tôi sẽ làm mọi điều có thể trong thời gian còn đương chức để ổn định con tàu”. Ông Cameron tuyên bố ông sẽ từ chức vào tháng 10, sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu. Ông Cameron cho biết hiện chưa có lịch trình cụ thể nhưng sẽ hướng đến việc “có một Thủ tướng mới khi hội nghị đảng Bảo thủ cầm quyền bắt đầu vào tháng 10”. |
Một đi không trở lại
Như vậy, sau kết quả trưng cầu lịch sử, Anh sẽ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi EU kể từ khi khối này được thành lập. Tuy nhiên, lựa chọn ra đi không có nghĩa rằng Anh sẽ lập tức phải rời khỏi liên hiệp gồm 28 quốc gia thành viên.
Thực tế tiến trình này sẽ mất tối thiểu 2 năm, trong khi các nhà vận động chiến dịch “rời EU” cho rằng tiến trình này phải đến năm 2020 mới hoàn thiện- thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử ở Anh.
Thủ tướng Anh David Cameron sẽ phải quyết định khi nào thì khởi động Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, trong đó cho UK khoảng thời gian 2 năm để đàm phán về việc họ ra đi khỏi EU. Một khi Điều 50 được khởi động, một quốc gia không thể tái gia nhập mà không có sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên.
Trước đây, ông Cameron từng nói rằng ông sẽ khởi động Điều 50 ngay khi kết quả là Anh rời khỏi EU, nhưng các chính trị gia Boris Johnson và Michael Gove thuộc chiến dịch Brexit từng cảnh báo rằng không nên quá vội vàng.
Các chính trị gia này cũng tuyên bố rằng, dù Anh chưa thể lập tức rời khỏi EU, nhưng trước mắt các phán quyết của EU đối với Anh sẽ bị hạn chế và việc nhân công di chuyển tự do như trước đây cũng bị hạn chế. Ngoài ra, chính phủ Anh cũng sẽ phải tái đàm phán lại các mối quan hệ thương mại trong tương lai với EU và sửa đổi lại các thỏa thuận thương mại mà họ từng ký kết với các nước không phải thành viên EU trước đây.
Trong suốt 4 tháng khơi dậy chiến dịch “rời EU”, các nhà vận động ủng hộ Brexit từng thuyết phục người dân Anh rằng cách duy nhất để nước Anh “lấy lại kiểm soát” các vấn đề riêng là rời khỏi EU.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học và các tổ chức quốc tế từng cảnh báo về ảnh hưởng của Brexit đối với nước Anh, đặc biệt là về chính trị và kinh tế.
Điều gì chờ đợi nước Anh ở phía trước? Đó là câu hỏi nặng nhọc sẽ day dứt nước Anh lâu dài sau khi tinh thần “mừng độc lập” đi qua.
Hơn 1,1 triệu người Anh ký tên đòi trưng cầu ý dân lại
Gần 24 giờ sau khi nước Anh bỏ phiếu ủng hộ rời EU, nhiều người bỏ phiếu thuận đã bày tỏ sự tiếc nuối vì đã lựa chọn như vậy. Rất nhiều người dân Anh đề nghị Hạ viện tổ chức thêm một cuộc trưng cầu ý dân.
Theo tờ Guardian (Anh) ngày 25/6, đã có tới hơn nửa triệu người đã ký tên vào trang web của Hạ viện đòi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về việc Anh ở lại hay rút khỏi EU. “Trang web của Hạ viện đã sập vì hàng trăm nghìn người cùng lúc truy cập và ký tên” - Guardian viết. Theo báo này, ngay sáng sớm thứ bảy (giờ Anh), đã có hơn 520.000 người ký tên, gấp 5 lần con số cần thiết để một vấn đề được trình ra quốc hội. Những người tham gia ký tên chủ yếu sinh sống ở các thành phố lớn ở Anh, trong đó thủ đô London chiếm số lượng nhiều nhất.
Đến gần 17 giờ 30 ngày 25/6 (giờ Việt Nam), theo thông tin từ trang RT, hơn 1,1 triệu người đã ký tên vào trang web của Hạ viện đòi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về việc Anh ở lại hay rút khỏi EU. Một phát ngôn viên của Hạ viện Anh cho biết: “Số lượng người truy cập cùng một lúc lớn chưa từng có để cùng ký tên vào một đề nghị đã khiến trang web bị sập. Cho đến nay, đây là sự kiện thu hút người ký tên nhiều nhất trên trang web của chúng tôi”.
Hệ thống ký tên đề xuất đưa các vấn đề ra Quốc hội Anh do một cơ quan có tên là Ủy ban đơn thỉnh nguyện phụ trách. Với những vấn đề có hơn 100.000 chữ ký, ủy ban này sẽ cân nhắc để đưa ra bàn ở quốc hội. Được biết, ngày 28/6, ủy ban này sẽ họp để xem xét về đề nghị tổ chức thêm một cuộc trưng cầu ý dân về “mối tình” Anh - EU.
Trong một diễn biến khác, đến nay cũng đã có gần 100.000 người Anh ký tên vào một đề xuất, kêu gọi thị trưởng London, ông Sadiq Khan, tuyên bố độc lập và nộp đơn xin gia nhập EU.N.Hoa