Khi các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, nhiều dòng thuế được đưa về 0%, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong nước sẽ có cơ hội xuất khẩu hàng hóa đến nhiều thị trường trên thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc chủ động tìm kiếm thị trường mới, các DN xuất khẩu phải nắm rõ những yêu cầu, quy định cũng như tiêu chuẩn về hàng hóa nhập khẩu tại thị trường mình hướng tới.
Ảnh minh họa.
Chia sẻ của một số DN ngành cao su, để chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế, các DN đã lên kế hoạch để gia tăng sản xuất, nâng sức cạnh tranh, đặc biệt là tìm kiếm thị trường mới. Cũng đã lên kế hoạch cho việc xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu, Tổng công ty Lương thực miền Bắc cho hay, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống, DN này đã và đang tập trung phát triển thị trường thương mại, mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại một số nước tìm cơ hội khai thác tốt thị trường xuất khẩu gạo. Có thể thấy, các DN trong nước không “ngồi yên” chờ hội nhập mà đã có nhiều động thái để không bị động khi cánh cửa hội nhập kinh tế quốc tế đã rộng mở.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo, các DN Việt cần phải nắm rõ những quy định, yêu cầu tại các thị trường trên thế giới vì khi mở cửa thị trường, hàng rào thuế quan được phá bỏ, đồng nghĩa với việc các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định cũng khắt khe hơn, đặc biệt, các rào cản thương mại sẽ là những tấm lá chắn được các quốc gia nhập khẩu sử dụng nhiều hơn.
Ông Đào Trần Nhân- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ khuyến cáo, để có thể qua được “cửa ải” đối với một thị trường khó tính như Hoa Kỳ, nắm rất rõ thị hiếu, nhu cầu của thị trường này đồng thời đối với các sản phẩm xuất khẩu, phải được trang bị rất kỹ các chứng chỉ về ISO, về an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ hàng hóa… bởi đây là thị trường rất chặt chẽ, quy định rất nghiêm ngặt, đặc biệt là vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cũng cảnh báo các DN phải rất thận trọng khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường quốc tế, trong đó có Ukraina, ông Hồ Trung Thanh- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ukraina cho rằng, Ukraine đã tham gia vào khu vực thương mại tự do với EU nên các DN xuất khẩu của Việt Nam cần phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa nếu không muốn hàng hóa khi sang thị trường này gặp phải các rào cản thương mại.
Giới chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, DN Việt Nam muốn xuất khẩu thành công hàng hóa sang một thị trường mục tiêu nào đó, cần nắm rõ tiêu chuẩn đang chi phối về chất lượng hàng hóa thế giới, cũng như tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu. Từ đó, có phương thức sản xuất đảm bảo sản phẩm xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường mục tiêu. Lúc đó, vấn đề rào cản kỹ thuật sẽ chỉ là “chuyện nhỏ”.
Nói như ông Nestor Scherbay- Giám đốc Công ty tư vấn CTRMS Việt Nam: “Vấn đề hàng rào kỹ thuật sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nếu các DN Việt Nam nắm rõ và đáp ứng đầy đủ những quy định của thị trường. Khi đó, kể cả những thị trường khó tính như Mỹ, EU hay Australia cũng sẽ phải “tâm phục khẩu phục”.