Khi trí tuệ nhân tạo ‘tấn công’ văn học - nghệ thuật

THƯ HOÀNG 25/06/2023 20:56

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một bước tiến của nhân loại, có khả năng hỗ trợ con người trong nhiều lĩnh vực, thậm chí thay thế những công việc có tính chất lặp đi lặp lại, ít sáng tạo. Vậy, khi AI xuất hiện, liệu có thể sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật thay thế các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia…?

Ann - ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam có ngoại hình xinh xắn.

Từ những vần thơ vui…

Xin được bắt đầu bằng câu chuyện: vào dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8/3 năm nay, ứng dụng Zalo đưa thêm tính năng “Tạo thiệp 8/3 với AI”. Tính năng này được phát triển trên nền tảng Zalo Mini App. Người dùng dễ dàng truy cập tính năng này tại mục Nhật ký trên ứng dụng Zalo mobile. Khi nhấn vào “Tạo thiệp chúc”, sẽ có các lựa chọn để AI làm thơ phù hợp với mục đích của người dùng: Chia sẻ lên nhật ký, Tặng mẹ, Gửi người trân quý, Tặng nửa kia, Gửi tặng bạn bè đồng nghiệp, Tặng cô giáo. Sau khi chọn người để gửi tặng xong, Zalo AI sẽ ngay lập tức “viết” một khổ thơ lục bát gồm 4 dòng. Người dùng có thể đổi câu thơ khác nếu chưa ưng ý hoặc tùy chỉnh dựa trên bài thơ mà Zalo AI “viết” trước đó.

Và đây là một số câu thơ do AI viết:

“Gửi tặng em mấy câu thơ

Chúc em hạnh phúc đôi bờ yêu thương

Bên nhau chung một con đường

Yêu thương san sẻ vấn vương một đời”.

Chưa hết:

“Quốc tế phụ nữ hôm nay

Chị em phấn khởi hăng say chuyên cần

Việc nhà việc nước đảm đang

Công dung ngôn hạnh xứng hàng hoa khôi”…

Ngay sau khi tính năng này ra đời, thống kê cho thấy đã có 10 triệu người thử làm thơ với AI và kết quả có hơn 3,3 triệu bài thơ được gửi đi nhờ Zalo AI trong ngày 8/3 vừa qua.

Thêm một câu chuyện nữa, tất nhiên vẫn liên quan đến thơ AI: Hồi tháng 5, khi ứng dụng ChatGPT được nhiều người bàn luận, tại tọa đàm “Viết - Đọc trong bối cảnh thời đại số và trí tuệ nhân tạo” tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, một người dùng đã yêu cầu ChatGPT “sắm vai” một nhà thơ để viết một bài thơ 5 chữ cho thiếu nhi, chủ đề về trăng. Chỉ ít giây sau, ChatGPT đã cho kết quả:

“Trăng tròn trăng trắng,

Trên cao soi sáng,

Bé nhìn lên trên,

Trăng kể chuyện miệt mài.

Nó kể về một cô bé,

Mơ ước đến một vùng xa xôi.

Trăng đã giúp cô bé đi,

Vượt qua những ngọn núi đồi.

Trăng luôn đồng hành bên bé,

Mỗi đêm trên bầu trời.

Và khi bé đã tìm được niềm tin,

Trăng lại ngủ yên giấc nồng say.

Hãy nhìn lên trên cao,

Ngắm trăng soi sáng.

Cùng nhau lắng nghe câu chuyện,

Mà trăng muốn kể cho bé yêu”.

Nếu phân tích bằng góc nhìn chuyên nghiệp hẳn sẽ thấy những câu thơ, tứ thơ “vô cảm”, “có vấn đề”... Thậm chí, dễ dàng chỉ ra sự “ngớ ngẩn” vì yêu cầu làm thơ 5 chữ nhưng AI lại viết ra có những câu 6, 7 thậm chí 8 chữ.

Thế nhưng, nếu bỏ qua những soi xét cụ thể ấy, nhìn một cách tổng quan, thì thấy rằng, AI đã và đang bước vào đời sống của chúng ta, hỗ trợ chúng ta…

Chân dung nhà thơ Xuân Quỳnh (Bên trái là bức ảnh cũ, bên phải là bức ảnh do công cụ AI phục chế).

Đến bức tranh “ẵm giải” và lên sàn đấu giá

Ở lĩnh vực hội họa, các ứng dụng miễn phí như DALL-E 2 của OpenAI, AI Dream của WOMBO, AI Midjourney, AI Nightcafe, AI DeepAI… cho phép người dùng “biến chữ thành tranh”. Có nghĩa là, người dùng chỉ cần nhập câu chữ miêu tả hình ảnh, phong cách hội họa họ muốn, AI sẽ tạo ra nó chỉ sau ít giây.

Điều này khiến cho nhiều công ty, thậm chí nhiều họa sĩ thiết kế cảm thấy “dễ thở” bởi nếu trước đây, họ phải chi phí một khoản tiền kha khá để thuê họa sĩ vẽ, và phải cần thời gian nhiều ngày thậm chí nhiều tuần, thì nay ứng dụng có sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp họ giải quyết vấn đề chỉ trong vài phút. Với họa sĩ thiết kế, nếu các công cụ tìm kiếm trên mạng cũng không giúp họ có một hình ảnh đang cần, thì AI sẽ “giải cứu” họ trong vòng “một nốt nhạc”.

Ngoài ra, những công cụ này có thể hộ trợ đắc lực người dùng trong việc xây dựng thương hiệu, tạo nội dung truyền thông xã hội, quảng cáo, poster… Hoặc ngay cả khi người dùng không sử dụng công cụ vẽ tranh AI một cách chuyên nghiệp thì quá trình này rất thú vị mà bất kỳ ai cũng có thể tham gia trải nghiệm và tự tạo ra những bức tranh có “một không hai” của riêng mình.

Có lẽ, trong các lĩnh vực văn học - nghệ thuật thì, trí tuệ nhân tạo và hội họa đang gây xôn xao hơn cả. Bởi gần đây những bức tranh do AI tạo ra khiến nhiều người bất ngờ. Vào tháng 9 năm ngoái, khi bức tranh “Théâtre D'opéra Spatial” do AI thực hiện theo yêu cầu của một người dùng ở Mỹ được trao giải nhất cuộc thi vẽ tranh kỹ thuật số, được tổ chức tại Hội chợ bang Colorado, Mỹ. Theo đó, anh Jason Allen sống tại quận Pueblo (bang Colorado, Mỹ), đã dùng phần mềm trí tuệ nhân tạo có tên gọi Midjourney để hoàn thành bức tranh trên. Chia sẻ với truyền thông sau đó, Jason Allen cho biết, anh đã sử dụng Midjourney để tạo ra hàng trăm bức tranh khác nhau và sau nhiều tuần, đã chọn ra được 3 bức tranh đẹp nhất để tham dự cuộc thi mỹ thuật tại Hội chợ bang Colorado (hạng mục tác phẩm kỹ thuật số). Kết quả, Allen đã vượt qua 20 tác phẩm khác để giành được giải nhất (trị giá 300 USD).

Đây không phải trường hợp đầu tiên, cũng không phải là câu chuyện cá biệt. Trước đó, năm 2015, các nghệ sĩ Mỹ gồm: Robbie Bart, Mario Klingemann, Anna Ridler dùng trí tuệ nhân tạo để tạo ra một số “tác phẩm mỹ thuật”, sau đó bán với giá 10.000 - 15.000 USD. Đến năm 2018, nhiều người tỏ ra kinh ngạc khi bức tranh “Edmond de Belamy” (Chân dung Edmond de Belamy) của một nghệ sĩ được bán với giá kỷ lục 432.500 USD (khoảng 10 tỷ đồng) trong một phiên đấu giá tại New York, Mỹ. Sự kiện này cũng ghi một dấu mốc quan trọng: Lần đầu tiên một tác phẩm hội họa do AI tạo ra được lên sàn đấu giá.

Khi con người bị so sánh với AI

Từ những câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy, trí tuệ nhân tạo đã và đang bước vào đời sống văn học - nghệ thuật, không chỉ ở bên ngoài thế giới mà ngay trong cuộc sống hiện tại của chúng ta, ở Việt Nam. Tất nhiên, không chỉ trong thơ văn, hội họa, mà ở nhiều lĩnh vực khác, như nhiếp ảnh chẳng hạn. Trí tuệ nhân tạo đã giúp cho người dùng các dứng dụng này dễ dàng tạo ra những bức ảnh theo mong muốn của mình, hoặc người dùng có thể yêu cầu AI tạo ra hàng trăm, hàng nghìn phương án để lựa chọn. Ví như hồi tháng 4 vừa qua, kỹ sư viễn thông Phạm Sơn đã chia sẻ những tấm chân dung của các nhà thơ, nhà văn lớn của Việt Nam như Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Huy Cận, Xuân Diệu, Quang Dũng, Xuân Quỳnh… được phục chế lại bằng ứng dụng AI. Nhiều người, trong đó có cả người thân trong gia đình một số nhà thơ, nhà văn cũng bày tỏ sự thích thú, bất ngờ trước việc trí tuệ nhân tạo hỗ trợ khôi phục hình ảnh một cách sinh động, sắc nét.

Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên lo lắng về việc trí tuệ nhân tạo “lấy mất” nhiều công việc trước đây là “nghề” kiếm kế sinh nhai của một bộ phận. Đơn cử như việc trí tuệ nhân tạo góp phần khôi phục ảnh, một số ý kiến cho rằng, “thế này người làm phục chế ảnh mất hết nghề rồi”.

Trong âm nhạc, mới đây làng nhạc Việt xôn xao khi lần đầu tiên ở Việt Nam ca sĩ ảo chính thức phát hành sản phẩm MV đầu tay. Cô ca sĩ ảo tên Ann và MV của cô có tựa đề “Làm sao nói thương anh”. Ann được ra đời dựa trên thuật toán AI cùng kỹ xảo âm thanh sống động. Nhà sáng lập BoBo Đặng - đại diện êkíp, cho biết, giọng ca của nữ ca sĩ ảo được "hòa trộn" bởi nhiều giọng ca thuộc công ty của anh nhằm tạo ra một màu giọng riêng biệt. Sau đó, phần giọng này sẽ được xử lý bằng công nghệ để đáp ứng trường độ, cao độ trong thanh nhạc.

Ann được tạo hình là một ca sĩ 18 tuổi, mang phong cách nhẹ nhàng và trẻ trung. Nhà sản xuất cũng lý giải so với nghệ sĩ thật, nghệ sĩ ảo sở hữu nhiều đặc tính nổi bật. "Thứ nhất, Ann có diện mạo tương đối chiếm thiện cảm của khán giả. Thứ hai, đây là dự án dài hơi, lấy âm nhạc làm cốt lõi, khác biệt với các dự án ngắn hạn. Thứ ba, bản thân Ann được định hình không chỉ là ca sĩ ảo mà còn là nghệ sĩ ảo. Tương lai, Ann có thể đóng phim, diễn thời trang, tham gia các show giải trí bằng cách tiếp cận phù hợp"…

Sự xuất hiện của Ann được ví như một phép thử cho thị trường âm nhạc Việt Nam. Hiện tại, có vẻ như Ann chưa gây ra những áp lực, nhưng rõ ràng, là tín hiệu khởi đầu cho thấy thị trường âm nhạc đã có sự lựa chọn mới, và công chúng cũng sẽ có những cơ hội thưởng thức mới từ sự phát triển của AI.

Còn ở lĩnh vực hội họa, trên thế giới, nhiều họa sĩ cũng đã bị giảm nguồn thu nhập vì các ứng dụng có sử dụng trí tuệ nhân tạo đang trở nên phổ biến. Amber Yu – một họa sĩ ở Trung Quốc, trước đây từng kiếm 5.000 nhân dân tệ (17 triệu đồng) cho mỗi poster, nhưng giờ chỉ được thuê để chỉnh sửa thiếu sót của AI với giá bằng 1/10. Đây không chỉ là chuyện riêng của họa sĩ này, mà còn ảnh hưởng tới nhiều họa sĩ khác. Bởi hàng loạt công ty video game ở Trung Quốc đều sử dụng AI để thiết kế và tạo ra những nhân vật, khung nền và các sản phẩm quảng cáo cho game. Đó là chưa kể, tác phẩm do con người tạo ra còn bị các “ông chủ” đem ra so sánh với các sản phẩm được hoàn thành bởi AI. Bên cạnh đó, có những lĩnh vực, họa sĩ chỉ vẽ được một cảnh hoặc một nhân vật/ngày, nhưng với sự giúp đỡ của AI, hiện họ đã có thể vẽ 40 tấm/ngày tha hồ lựa chọn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, áp lực mà các họa sĩ đồ họa đang phải chịu đựng sẽ sớm lan sang các ngành nghề khác. Quả thực, trí tuệ nhân tạo đang phát triển với một tốc độ đáng gờm, thậm chí còn vượt ngoài sức tưởng tượng của con người. Chính vì thế, ở một số nơi trên thế giới, có những nhóm người mong muốn các ứng dụng AI hoàn toàn biến mất.

AI không thể thay thế con người

Nỗi lo lắng của một số người trước việc xuất hiện của AI là có thật. Và câu hỏi, liệu AI có thay thế con người vẫn thường được đặt ra ở nhiều nơi.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trí tuệ nhân tạo đang đe dọa và làm chúng ta hoảng hốt. “Sự thông minh của AI có thể trả lời cho con người tất cả các câu hỏi, có thể thay thế hàng nghìn nhân công, nhưng có một thứ tôi tin rằng trí tuệ nhân tạo dù đến thời nào, có phát triển đến đâu cũng không tạo ra được đó là cảm giác như: sự thổn thức, sự dày vò khi đau đớn, niềm vui hân hoan...” - ông Thiều nói, đồng thời cho rằng, trong tương lai gần, cũng có thể có sự cạnh tranh giữa trí tuệ nhân tạo và con người. “Nhưng điều đó chỉ xảy ra ở một mức độ nào đó chứ nó không thể đe dọa. Bởi vì con người vẫn là chủ thể. Trí tuệ nhân tạo vẫn là do con người sinh ra”.

Đồng quan điểm, họa sĩ Đặng Tiến cho rằng, trí tuệ nhân tạo vẫn chỉ là “cái máy”, thể hiện theo cách suy nghĩ, theo lệnh của con người mà không tự suy nghĩ, sáng tạo được. Tôi nghĩ, công nghệ càng phát triển, sự tiện lợi càng nhiều - tất nhiên cái gì cũng có mặt trái, nhưng yếu tố con người - tác giả vẫn không thể thiếu được. “Sẽ có rất nhiều người áp dụng AI để đi tắt nhiều công đoạn, nhưng không thể thay thế con người trong sáng tạo và tình cảm. Thực tế, khi nhìn một nhát bút của một họa sĩ tài năng (từ độ chuẩn xác về bố cục, độ đậm nhạt, mạnh mẽ hoặc “run rẩy, nguệch ngoạc…), người ta có thể “nổi gai ốc” - đó chính là tình cảm của họa sĩ được thể hiện rất tinh tế trong đó, mà máy móc không thể làm được” - ông Tiến nhấn mạnh.

Còn đối với họa sĩ Đào Hải Phong, ông không lo lắng đến việc bị trí tuệ nhân tạo lấy mất công việc của mình, nhưng ông lo sợ với sự tham gia của trí tuệ nhân tạo sẽ làm lẫn lộn các giá trị thật - giả. Trong khi đó con người ngày càng bận rộn, người ta sẽ không đủ thời giờ tĩnh tâm để phân biệt. Và nhiều người sẽ đơn giản hóa việc thưởng thức nghệ thuật.

Họa sĩ Đỗ Phấn cũng cho rằng, về lâu dài, có thể những sản phẩm mỹ thuật do AI tạo ra sẽ khiến cho công chúng hiểu sai đi - hoặc hiểu dễ dãi hơn - về tác phẩm hội họa do các họa sĩ sáng tạo ra. “Tuy nhiên tôi cũng không lo ngại quá về điều đó. Bởi vì công chúng bây giờ đã có nhiều nguồn thông tin kiểm chứng. Rất khó để dẫn dắt họ đi vào những mặc định về thẩm mỹ. Kể cả những giá trị đã được định hình. Những thứ mới mẻ vẫn cần một khoảng thời gian khá dài để làm quen với thị hiếu công chúng. Nghệ thuật của các bậc thầy Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương cũng phải mất đến non một thế kỷ mới tạm được công nhận như ta thấy hôm nay” - ông Phấn phân tích.

“Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người”, đó là câu trả lời mang tính khẳng định của hầu hết các chuyên gia ở các lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Bởi, nếu trong những lĩnh vực mang tính “tay chân”, “lặp đi, lặp lại” thì AI hoàn tòa có thể thay thế, và làm nhanh hơn, hiệu quả hơn con người. Tuy nhiên, trong văn - thơ - nhạc - họa, đó là những lĩnh vực đòi hỏi nhiều cảm xúc cá nhân để tạo ra những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân thì AI, dù có thể vẽ nhanh, viết nhanh, nhưng sự sáng tạo và đặc biệt là cảm xúc khó có thể khiến người ta rung động. Nói như họa sĩ Đào Hải Phong, nhìn vào những bức tranh do AI tạo ra được lan truyền mạng thời gian gần đây nhận ra sự “điêu luyện” nhưng không thấy sự rung động nào. Mà hội họa “ăn nhau” ở sự rung cảm, khiến người ta rung động khi ngắm nhìn.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cũng nhấn mạnh: Trí tuệ nhân tạo chỉ là phương tiện tối ưu để phục vụ con người chứ không thể thay thế con người. Trí tuệ nhân tạo chỉ tổng hợp các trạng thái tình cảm của con người để làm thơ nhưng ở đó không có một sự sáng tạo nào trong hình ảnh cũng như ngôn từ. Trí tuệ nhân tạo bị sáo mòn bởi nó mượn tất cả những gì nhà văn, nhà thơ đã nói để khi chạm vào nó bật ra theo cài đặt hệ thống.

Cũng theo ông Thiều, trí tuệ nhân tạo sẽ có những cạnh tranh ở một số lĩnh vực nào đó, thậm chí cạnh tranh với nhà văn. Nhưng nếu nhà văn sống một cách chân thực nhất, sống với tất cả những gì con người đang sống, đang trải nghiệm, đang diễn ra thì không có gì có thể thay đổi vị trí của nhà văn trong cuộc sống này.

Có thể ở thời điểm bây giờ, AI chưa thể tác động đến đời sống văn học – nghệ thuật của chúng ta. Nhưng nếu nhìn xa hơn, ta sẽ thấy AI mang tới một lời nhắc nhở: Những người hoạt động trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật cũng không nên chủ quan với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Bởi cũng cần biết một điều, cùng với công nghệ phát triển, nguồn dữ liệu được cập nhật từng giây từng phút, kết hợp với khả năng “tự học”, thậm chí “học sâu” của các AI khiến cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng hoàn thiện.

Họa sĩ thực thụ không mấy ai quan tâm đến những thao tác của trí tuệ nhân tạo. Họ không dùng nó. Thậm chí còn chẳng cần biết nó làm được những gì. Bởi vì họ có niềm tin vào trí tuệ và tình cảm của con người được thể hiện trực tiếp qua bàn tay họ. Thứ mà suốt đời họ theo đuổi. Thứ mà một họa sĩ theo đuổi chưa bao giờ là những thao tác khéo tay của anh thợ vẽ chứ đừng nói đến chuyện khéo léo của một cỗ máy.

Họa sĩ Đỗ Phấn

Trong lĩnh vực hội họa, tôi lo sợ với sự tham gia của trí tuệ nhân tạo sẽ làm lẫn lộn các giá trị thật với giá trị giả. Trong khi đó con người ngày càng bận rộn, người ta sẽ không đủ thời giờ tĩnh tâm để phân biệt. Và nhiều người sẽ đơn giản hóa việc thưởng thức nghệ thuật.

Tuy nhiên, thoạt đầu trí tuệ nhân tạo có thể thỏa mãn sự tò mò nào đó, nhưng tôi cho rằng, rất sớm thôi, loài người sẽ chán những sản phẩm mỹ thuật do AI tạo ra.

Họa sĩ Đào Hải Phong

Sự thông minh của trí tuệ nhân tạo có thể trả lời cho con người tất cả các câu hỏi, có thể thay thế hàng nghìn nhân công, nhưng có một thứ tôi tin rằng trí tuệ nhân tạo dù đến thời nào, có phát triển đến đâu cũng không tạo ra được đó là cảm giác, như: sự thổn thức, sự dày vò khi đau đớn, niềm vui hân hoan…

Trong tương lai gần, có thể có sự cạnh tranh giữa trí tuệ nhân tạo và con người. Nhưng điều đó chỉ xảy ra ở một mức độ nào đó chứ nó không thể đe dọa. Bởi vì con người vẫn là chủ thể. Trí tuệ nhân tạo vẫn là do con người sinh ra.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi trí tuệ nhân tạo ‘tấn công’ văn học - nghệ thuật