Từ bao đời nay Xòe Thái là sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc dân tộc và là cơ sở để sáng tạo thêm những giá trị văn hóa mới của đồng bào Thái vùng Tây Bắc. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái - địa phương vừa tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bà Lê Thị Thanh Bình cho biết, Xòe Thái mang thông điệp về sự cởi mở, thân thiện, đoàn kết; được hình thành và phát triển cùng với lịch sử phát triển của cộng đồng người Thái; là kết quả sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ lao động sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng, phản ánh sự đa dạng văn hóa, là sợi dây gắn kết cộng đồng - cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc. Đây là tài nguyên quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa. Du lịch được xem là ngành công nghiệp mà trụ cột dựa trên những giá trị văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống đã trở thành di sản, mang bản sắc riêng của dân tộc, vùng, miền, địa phương.
PV: Vậy tỉnh Yên Bái đã có những phương án nào để bảo tồn và phát triển di sản nghệ thuật này?
Bà LÊ THỊ THANH BÌNH: Đối với đồng bào dân tộc Thái tỉnh Yên Bái, Nghệ thuật Xòe là đặc trưng văn hóa được hình thành và phát triển cùng với cộng đồng người Thái, là kết quả sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ lao động sản xuất. Người Thái khi đặt chân đến Mường Lò, kinh tế truyền thống là nông nghiệp, sống quần tụ trong các bản làng ở các vùng lòng chảo, ven các sông suối. Từ môi trường tự nhiên, môi trường lao động sản xuất đã hình thành nên những điệu xòe để mô phỏng những hoạt động lao động sản xuất của người Thái.
Là một sản phẩm văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, được duy trì, phát triển trong cộng đồng người Thái, việc tôn trọng, giữ gìn bảo vệ và phát huy di sản nói chung, nghệ thuật Xòe Thái nói riêng luôn được tỉnh Yên Bái quan tâm.
Từ những năm 1990 đến nay, chính quyền các cấp và cộng đồng người Thái ở Yên Bái đã có nhiều biện pháp bảo vệ nghệ thuật Xòe Thái. Điển hình như như thành lập và duy trì các đội văn nghệ sinh hoạt Xòe Thái ở cộng đồng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 180 đội văn hóa văn nghệ cộng đồng. Các điệu xòe vẫn được cộng đồng duy trì thường xuyên trong các dịp lễ hội của bản, làng.
Phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian và thành viên cộng đồng am hiểu nghệ thuật Xòe Thái để trao truyền, thực hành, xuất bản các tài liệu trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về nghệ thuật Xòe Thái. Truyền dạy thông qua giáo dục chính quy và không chính quy, xây dựng các phương án, chương trình, tổ chức các sự kiện văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương.
Tỉnh Yên Bái hiện đã đưa nghệ thuật Xòe Thái vào các cơ sở giáo dục, kết hợp với xây dựng trường học hạnh phúc. Ngoài thực hành trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, tỉnh Yên Bái cũng khuyến khích phát triển nghệ thuật Xòe Thái thông qua việc tổ chức các chương trình sự kiện văn hóa quy mô lớn, đặc biệt là Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò được tổ chức thường niên đã tôn vinh giá trị của nghệ thuật Xòe Thái. Bên cạnh đó, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ mở lớp truyền dạy trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, hỗ trợ duy trì, phát triển làng nghề truyền thống phục vụ du lịch gắn với giá trị văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số.
Để Xòe Thái có thể hội nhập với đời sống đương đại, phát huy tính đại chúng nhưng không bị xói mòn những giá trị cốt lõi? cần phải làm gì, thưa bà?
-Trong thời gian tới, để giá trị của nghệ thuật Xòe Thái ngày càng lan tỏa sâu rộng, hòa cùng dòng chảy của tinh hoa văn hóa nhân loại, tỉnh Yên Bái sẽ quan tâm triển khai các chương trình thiết thực để bảo tồn sức sống của nghệ thuật Xòe Thái. Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu giá trị nghệ thuật độc đáo và tính nhân văn sâu sắc của nghệ thuật Xòe Thái nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Xòe Thái gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ động kết nối các địa phương trong nước và quốc tế tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá, giới thiệu rộng rãi nghệ thuật Xòe Thái.
Bằng các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt vừa lâu dài, trong đó thực hiện phương châm lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động, triển khai thực hiện chương trình hành động như đã cam kết trong hồ sơ kế hoạch đệ trình UNESCO; đồng thời kiến nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái.
Định kỳ hằng năm tham gia, tổ chức tuần văn hóa các dân tộc, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa dân tộc trong phạm vi khu vực, quốc gia và quốc tế để phát huy tính đại chúng, lan tỏa các giá trị văn hóa và nhân văn sâu sắc, để nghệ thuật Xòe Thái hội nhập cùng tinh hoa văn hóa nhân loại, đưa Xòe Thái đến gần hơn với công chúng, khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy thế hệ trẻ quan tâm hơn đến di sản văn hóa, nêu cao ý thức và hành động thiết thực để bảo vệ sức sống của Xòe Thái trong cộng đồng.
Trân trọng cảm ơn bà!