Giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến đã tăng trong vài tháng gần đây, tạo áp lực lớn trong việc kiểm soát mặt bằng giá khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Giới chuyên gia cho rằng để ổn định thị trường trong thời gian tới, cần bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương.
Nguồn hàng tại các chợ truyền thống hiện khá dồi dào. Qua khảo sát cho thấy, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm vẫn giữ nguyên nhưng có một vài mặt hàng tăng cao đột biến. Chẳng hạn hơn 10 ngày trở lại đây, người tiêu dùng “sốc” khi giá một số thực phẩm, rau xanh tăng chóng mặt. Cụ thể giá cà chua dao động từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, là mức giá kỷ lục. Rau muống, cải xanh, rau lang, rau dền đồng loạt có giá 20.000 – 25.000 đồng/kg, ớt 100.000 đồng/kg.
Về phía doanh nghiệp, chi phí nguyên liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng nên kéo theo nhiều áp lực lên mặt bằng giá của sản phẩm. Tuy nhiên, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan cho biết, hiện một số loại nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng từ 20-30%. Ngoài ra, việc đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong sản xuất, kinh doanh cũng khiến chi phí tăng mạnh. Tuy nhiên, DN vẫn cam kết bán giá bình ổn thị trường 2 tháng trước, trong và sau Tết để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Trong thời điểm giá nguyên liệu và các chi phí khác tăng cao, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá hàng hóa dịp cuối năm 2021 là vấn đề khó.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết đã trực tiếp trao đổi và khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ nguyên liệu sản xuất đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian tới, kể cả trong tình huống nhu cầu tăng cao thì vẫn đảm bảo; kết hợp với triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật.
Phía Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu mặt hàng thịt lợn, đặc biệt là trong các thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán để có các biện pháp điều tiết cung cầu phù hợp, tránh tình trạng giá có biến động đột biến.
Đối với giải pháp cụ thể về quản lý, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, các bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp triển khai điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Đồng thời tính toán mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá phù hợp để tạo dư địa cho công tác điều hành giá trong các tháng cuối năm.
Để thực hiện bình ổn giá cả thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) lên kế hoạch dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Saigon Co.op cũng cam kết đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Trong khi đó tại Hà Nội theo đại diện của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), ngoài 13 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, sữa, bánh mứt kẹo, đường, gia mì (mắm, mì chính, muối), rượu bia – nước giải khát của thành phố, trong dịp Tết Nguyên đán này, Tổng công ty còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như: mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...); các loại quả - hạt khô phục vụ Tết, các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm...
Bộ Công thương cho biết, đang theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để chủ động có phương án hoặc đề xuất với Chính phủ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá.