Văn hóa

Khoảng trống sân khấu

Minh Quân 20/03/2024 10:00

Hàng năm, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn đều khởi công và ra mắt hàng loạt vở diễn mới. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh của sân khấu lại đang khá ảm đạm.

anhbaitren(3).jpg
Cảnh trong vở diễn “Thượng Thiên Thánh Mẫu”. Ảnh: NHCC.

Những điểm nghẽn

Những năm gần đây, sân khấu Việt đang có những bước chuyển mình. Các nhà hát và các đoàn nghệ thuật đều cho thấy sự nỗ lực bằng việc khởi công và ra mắt những tác phẩm mới, áp dụng công nghệ cùng sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tài danh. Tuy nhiên, dù số lượng vở diễn, các suất diễn tăng, thậm chí nhiều đơn vị còn tổ chức đi lưu diễn tại các địa phương, nhà trường… nhưng vẫn không thu hút được khán giả.

Điểm qua các kịch mục của nhiều nhà hát trong thời gian qua, không có nhiều tác phẩm, tác giả mới. Hầu hết các nhà hát hiện nay đều chọn cách dàn dựng an toàn là phục dựng lại những tác phẩm cũ hay kịch bản nước ngoài.

Trong khi đó, đội ngũ sáng tác sân khấu hiện nay khó tìm thấy một tác giả thành danh, đặc biệt là phương pháp, kỹ năng và thủ pháp nghệ thuật biên kịch phù hợp với nhu cầu của các nhà hát. Với hàng chục đơn vị nghệ thuật sân khấu, nhưng đội ngũ tác giả không nhiều nên khó tìm được kịch bản hay. Hàng năm, mỗi đơn vị dàn dựng từ 1-2 vở mới, có nhiều vở diễn sau khi tổng duyệt đã lập tức “cất kho”, song nhiều sân khấu vẫn phải dựng để hoàn thành kế hoạch.

Sự thiếu vắng kịch bản sân khấu còn thể hiện ở các cuộc thi, liên hoan sân khấu gần đây. Tại “Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế” lần thứ 5, trong số 4 giải Vàng chỉ có duy nhất 1 kịch bản được viết mới là “Thượng Thiên Thánh Mẫu” (tác giả: Lê Thế Song và Xuân Hồng). Các kịch bản còn lại đều được viết lại, biên tập mới từ các kịch bản của Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp và Đặng Lợi. Đặc biệt, trong 2 năm liên tiếp (2022 - 2023), Giải thưởng sân khấu do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức không tìm được tác phẩm giải A ở hạng mục tác giả kịch bản.

Theo ông Nguyễn Đăng Chương - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, điểm nghẽn lớn nhất của đời sống sân khấu hiện nay là đang bị khủng hoảng về đội ngũ sáng tạo. Nhiều năm gần đây, đội ngũ tác giả đang bị bế tắc về phương hướng sáng tạo, cách thức tiếp nhận và lý giải những mâu thuẫn xung đột của xã hội và con người hôm nay. Có lẽ vì bế tắc nên phần lớn tác giả lựa chọn sáng tác về đề tài lịch sử, dân gian mà không dám dấn thân phản ánh mọi mặt của đời sống đương đại. “Dựa vào lịch sử, dân gian để chuyển tải những thông điệp mới mẻ, có ích cho cuộc sống hôm nay cũng là điều rất quý. Thế nhưng, đa số các tác phẩm mới chỉ đạt ở mức minh họa lịch sử” - ông Chương nhìn nhận.

Tìm lại chỗ đứng

Có thể nói, nhiều năm qua sân khấu vẫn trong vòng luẩn quẩn xoay quanh các vở diễn đề tài lịch sử mà thiếu vắng kịch bản về đề tài đương đại, về những vấn đề nóng bỏng đang tác động nhiều mặt, làm đổi thay con người và xã hội trong thời kỳ hội nhập...

NSND Trung Anh (nguyên diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam) cho rằng, sân khấu vắng bóng khán giả có nhiều lý do, nhưng lý do lớn nhất chính là sự xuống cấp của nghệ thuật. Sân khấu không còn là một thánh đường lộng lẫy với những tác phẩm làm rúng động khán giả nữa. Đó là cảm nhận của những người thuộc thế hệ như chúng tôi, rất đau lòng.

Còn theo nhà viết kịch Lê Quý Hiền, sân khấu vẫn có tình trạng dựng vở vì nể nang, vì quan hệ, vì tác giả kịch bản có khả năng đầu tư… Đây là lý do khiến đôi khi có những kịch bản hay nhưng không được sử dụng bởi tác giả chưa nổi tiếng hoặc không có người bảo lãnh. Người đứng đầu đơn vị nghệ thuật phải có “con mắt xanh”, sự công tâm cũng như bản lĩnh để bảo vệ và tạo điều kiện cho những cây bút trẻ có cơ hội khẳng định mình.

Với sự bùng nổ của các loại hình nghệ thuật giải trí, sân khấu dù được xếp vào hàng “lão làng” nhưng lại đang có sự tụt hậu, đuối sức trong việc thu hút khán giả. Để tồn tại, sân khấu Việt Nam buộc phải vươn lên, khẳng định mình bằng chất lượng nghệ thuật mang tầm khu vực và quốc tế. Mỗi tác phẩm cần được quan tâm đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả, cần hướng đến những giá trị hiện thực xã hội và cần “trẻ hóa” kịch bản để thu hút đông đảo các tầng lớp khán giả, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên.

Để tìm được chỗ đứng, các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà hát và nghệ sĩ, diễn viên cần nỗ lực hơn nữa để đem đến làn gió mới, không làm mai một các giá trị truyền thống và đổi mới, nâng cao chất lượng về mọi mặt. Chính những người trong cuộc phải bám sát được đời sống và nhu cầu của khán giả trẻ để kịp thời có những sản phẩm gần gũi với cuộc sống đương đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoảng trống sân khấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO