Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô.
Ngày 27/9, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức họp báo Hội thảo khoa học “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo đó hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 29/9 tại Hà Nội. Thông báo về nội dung hội thảo, ông Lê Ngọc Anh, Thành ủy viên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho biết, đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trên địa bàn TP Hà Nội đề xuất các giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và đất nước, triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”.
Hội thảo sẽ tập trung góp ý các kết quả nghiên cứu bước đầu đối với Quy hoạch Thủ đô của Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô; đề xuất các ý tưởng quy hoạch, phát triển Thủ đô, góp phần cụ thể hoá các nội dung gợi ý của Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua tháng 4/2023.
Theo ông Anh, hội thảo sẽ tập trung phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô Hà Nội. Trong đó, tập trung làm rõ các điểm đặc thù của Thủ đô, đặc biệt là lịch sử hình thành và phát triển, các đặc thù về văn hoá, các đặc điểm địa lý, tự nhiên, môi trường, khí hậu, nguồn nhân lực để xác định được những tiềm năng, lợi thế riêng có của Hà Nội, đồng thời làm rõ những điểm không thuận lợi trong phát triển Thủ đô.
Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn, thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật, quản lý và bảo vệ môi trường; góp phần đánh giá được các kết quả đã đạt được và xác định được những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển của Thủ đô trong những năm qua.
Đặc biệt gợi ý định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tập trung gợi ý các quan điểm phát triển Thủ đô, mục tiêu phát triển Thủ đô, các khâu đột phá; các phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và các giải pháp thực hiện Quy hoạch theo một số nội dung quan trọng định hướng phát triển Thủ đô đã được các chuyên gia nghiên cứu, gợi ý.
Cụ thể, về quan điểm chung phát triển Thủ đô có 5 vấn đề lớn như: Tập trung về việc phát triển Thủ đô Hà Nội “Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, Thủ đô của đất nước trên 100 triệu dân, đến năm 2030 cơ bản thành nước công nghiệp, thu nhập trung bình cao; Thủ đô thanh bình và thịnh vượng, thành phố kết nối toàn cầu; Là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế. Phát triển đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; an ninh, an toàn. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của trong nước và nguồn lực quốc tế. Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô sánh ngang với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô. Hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới.
Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển kinh tế tuần hoàn, là vùng động lực phát triển, 1 trong 2 cực tăng trưởng của vùng và cả nước, có sức lan toả mạnh để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Kết hợp hài hoà phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực phát triển Thủ đô. Nguồn lực văn hoá và con người Hà Nội, nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên số là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhân dân, vì cuộc sống phồn vinh hạnh phúc của Người dân. Xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, hào hoa, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; tư duy đổi mới sáng tạo và sẻ chia.