Sau 10 năm thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thể hiện ý Ðảng hợp với lòng dân, sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN). Cuộc vận động đã góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đại Đoàn Kết ghi nhận ý kiến của lãnh đạo Đảng cùng một số bộ, ngành tại Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ông Trần Quốc Vượng.
Ông Trần Quốc Vượng,Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư: Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường
Cuộc vận động đã góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động đã được đẩy mạnh, nhất là trên hệ thống báo chí cả nước với nội dung phong phú, đổi mới, hình thức hấp dẫn, qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, DN và nhân dân về Cuộc vận động trong bối cảnh mới, quan tâm giới thiệu hàng Việt Nam với đông đảo người tiêu dùng. Các DN, người sản xuất đã đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng. Nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm thị phần khá lớn trong hệ thống phân phối.
Tuy nhiên, việc triển khai Cuộc vận động vẫn còn nhiều hạn chế và gặp khó khăn, thách thức. Cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước ngày càng phức tạp hơn, nhất là khi thực hiện theo các thỏa thuận, hiệp định đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tạo sức ép cạnh tranh lớn về sản xuất, thương mại. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của DN và nhân dân. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, yêu cầu cao hơn đối với hàng hóa Việt về quy chuẩn, chất lượng.
Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, thời gian tới, Cuộc vận động cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa để tiếp tục khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt trong tiêu dùng hàng Việt.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, để người tiêu dùng trong nước tin và yêu thích dùng hàng Việt, các DN, người sản xuất cần không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng khoa học - công nghệ, khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng,Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Tạo niềm tin của người tiêu dùng với thương hiệu Việt
Hiện nay, với 844 cơ quan báo chí in, 72 đơn vị hoạt động phát thanh truyền hình trên toàn quốc với hơn 280 kênh truyền hình trong nước (trong đó bao gồm 67 đài phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình), 24 báo điện tử, gần 1.600 trang tin điện tử tổng hợp, trên 400 mạng xã hội; 673 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và hơn 9.000 đài truyền thanh cấp xã, các phương tiện truyền thông nước ta đã tạo thành mạng lưới thông tin sâu rộng, là lực lượng hùng hậu trong việc thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Cuộc vận động. Tất cả các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương, báo chí của các bộ, ngành đều thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, của Bộ Thông tin và Truyền thông, tăng cường thông tin, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí in, báo chí điện tử, báo nói, báo hình, các cơ quan báo chí đối ngoại, các cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và toàn bộ hệ thống truyền thông trên cả nước đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động, về các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch liên quan đến Cuộc vận động trong giai đoạn 2009-2019 đến toàn thể các tầng lớp nhân dân trên mọi miền Tổ quốc và cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Các cơ quan báo, đài từ Trung ương đến địa phương đều nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động, chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền trên tất cả các kênh sóng, loại hình báo chí hiện có. Đặc biệt, đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa 4 loại hình báo chí và truyền thông 3 cấp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp để người tiêu dùng nhớ, tin và đi tìm sản phẩm trong nước. Việc tuyên truyền được làm thường xuyên, liên tục, đậm đặc và thuyết phục để tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu Việt.
Ông Trần Tuấn Anh.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương: Tạo mối liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu dùng
Triển khai thực hiện, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối. Các DN sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam đã liên tục mở rộng và phát triển. Nếu năm 2010, cả nước có khoảng 8.500 chợ, hơn 500 siêu thị và gần 100 trung tâm thương mại thì đến cuối năm 2018 có 8.462 chợ các loại, 1.007 siêu thị và 211 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và chuyên doanh hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển khá..
Đến nay, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước đang duy trì ở mức cao, hầu hết trên 80%..
Những kết quả trên đã góp phần tích cực vào sự phát triển của thị trường trong nước, từ đó đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Đất nước đang đi vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều thay đổi. Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Những cơ hội mới to lớn hiện đang xuất hiện cùng với những thách thức cũng ngày càng gay gắt, khốc liệt khi chúng ta ký kết và tham gia hàng loạt các hiệp định FTA thế hệ mới.
Để cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động hàng năm, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 về tăng cường thực hiện Cuộc vận động và Chiến lược Phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 dự kiến được ban hành trong thời gian tới, trong đó định hướng chủ yếu nhằm phát triển các phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong nước đa dạng, phù hợp với quá trình phát triển sản xuất; góp phần gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm, có khả năng gắn kết và thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư hiện có.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế: Hình thành trong tiềm thức người dân khái niệm sử dụng thuốc Việt
Bằng nhiều hoạt động, giải pháp đồng bộ, sau 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và 7 năm triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, nhận thức của cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành Y tế đã có những sự thay đổi, cán bộ y tế và các tầng lớp nhân dân đã tin tưởng hơn vào thuốc do các DN trong nước sản xuất. Khái niệm “sử dụng thuốc sản xuất trong nước” đã hình thành trong tiềm thức của người dân đối với việc dùng thuốc phòng bệnh và chữa bệnh.
Hiện giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước trong các bệnh viện tuyến Trung ương tăng đều qua các năm.
Đến nay, tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước trung bình tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh đã có những sự tăng trưởng rõ rệt, với con số đạt trung bình 57,03% (năm 2018), cao hơn nhiều so với năm 2013 (34,11%) và vượt mức mục tiêu đề ra năm 2020 là 50%. Tương tự như tuyến tỉnh, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện tuyến huyện cũng có những sự tăng trưởng cao và đã đạt mức trung bình 76,62% năm 2018 vượt mức mục tiêu đến năm 2020 là 75%.
Thời gian tới, Bộ Y tế tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược trên toàn quốc tiếp tục các giải pháp triển khai có hiệu quả và hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra tại Kế hoạch triển khai Đề án “ Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” giai đoạn II; Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích sản xuất thuốc trong nước và đảm bảo hỗ trợ việc tăng cường sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế.
Ông Vũ Tiến Lộc.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI): Giữ vững thị trường nội địa và vươn ra thị trường thế giới
Sau 10 năm phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, có lẽ giờ không còn là lúc dựa vào sự “ưu tiên” của người tiêu dùng. Chính các DN Việt cần phải chinh phục người tiêu dùng bằng thương hiệu và chất lượng. Đó chính là con đường duy nhất và ngắn nhất để các thương hiệu Việt có thể phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, nhiều hiệp định song phương, đa phương thế hệ mới và sức ép sự cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng quyết liệt hơn, cộng đồng DN Việt Nam đang đứng trước một yêu cầu sống còn là làm sao có thể tiếp tục giữ vững thị trường nội địa và vươn xa ra thị trường thế giới. Yêu cầu đó đòi hỏi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phải được tiếp sức và tiếp nối song hành với một hành động mới không kém phần quan trọng, đó là “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Với vai trò của mình, VCCI sẽ tham mưu Chính phủ ban hành, phát hành các Nghị quyết, Chỉ thị văn bản chỉ đạo về phát triển và ổn định thị trường trong nước đến năm 2025 đến tầm nhìn đến năm 2035, trong đó tập trung giải pháp xúc tiến thương mại trong nước, lành mạnh hóa mạng lưới phân phối, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế nhằm từng bước kiểm soát việc nhập khẩu cũng như trật tự thị trường, phát triển thị trường doanh nghiệp đa dạng phân phối lưu thông và khuyến khích doanh nghiệp, HTX thương mại, các hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại chuyên nghiệp. Tăng cường hệ thống phân phối trong nước, khuyến khích và mời gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối có khả năng kết nối với DN trong nước, tạo điều kiện phát triển các loại hình DN thương mại kinh doanh hàng hóa chuyên ngành, hàng hóa tổng hợp, các công ty thương mại bán lẻ hiện đại, các DN dịch vụ logistic, các HTX thương mại và dịch vụ nông thôn, khuyến khích các DN HTX, các hộ gia đình liên kết hình thành mạng lưới kinh doanh, dịch vụ thương mại tạo thành các chuỗi giá trị hàng hóa thương hiệu Việt.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trao tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Cuộc vận động.
Ngày 31/7/2009, Bộ Chính trị ra Thông báo Kết luận số 264-TB/TW về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định.
Để triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 264, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 255- QĐ/TW, ngày 4/9/2009 về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gồm 23 thành viên do Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm Trưởng ban Chỉ đạo. Trên cơ sở đó, hàng năm Ban Bí thư đã chỉ đạo kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động.
Đến thời điểm này, Ban Chỉ đạo Trung ương có 30 thành viên là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, là Trưởng Ban Chỉ đạo. Với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tỉnh ủy, thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo cũng như tổ chức quán triệt, xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động. Các cơ quan Trung ương cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn ngành dọc trong cả nước phối hợp các cơ quan liên quan cùng cấp xây dựng kế hoạch triển khai Cuộc vận động.