Dù có đường bờ biển dài, dân cư đông cùng nghề đi biển lâu đời, thế nhưng tiểu vùng duyên hải phía Đông của đồng bằng sông Cửu Long chưa có quy hoạch dài hơi và liên kết vùng bền vững. Thực tế này đã khiến khu vực này phải chịu cảnh “lép vế” về kinh tế biển suốt một thời gian dài.
Đua ghe trong lễ hội truyền thống của nhiều địa phương ở Tây Nam Bộ cần đưa vào điểm đến du lịch trong liên kết vùng.
Những con số biết nói
Về tài nguyên của vùng duyên hải phía Đông của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tiến sĩ Tạ Duy Linh (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch) nhấn mạnh, với đặc thù là vựa lúa lớn nhất nước thì du lịch nông nghiệp là một trong những tài nguyên vô cùng lớn của ĐSBCL nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Chẳng hạn, ở An Giang đi đầu trong khai thác du lịch nông nghiệp thu hút được 42.848 lượt khách du lịch, trong đó có gần 2.000 khách quốc tế. Dù vậy, theo TS Linh, con số nêu trên còn rất khiêm tốn thể hiện việc khai thác chuỗi giá trị của tỉnh này đối với tài nguyên du lịch nông nghiệp còn nhiều hạn chế.
Cần Thơ đang đẩy mạnh chuỗi giá trị nông nghiệp với kỳ vọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch và hình thành các vệ tinh du lịch gắn với nông nghiệp xoay quanh khu vực trung tâm đô thị. Trong khi đó, địa phương ven biển Bến Tre có lợi thế trong khai thác phát triển du lịch nông nghiệp với mục tiêu về khai thác cảnh quan sinh thái và sinh kế nông nghiệp (nghề trồng cây, nghề tạo kiểng),…
TS Linh nhận xét đối với cả hai địa phương này thì việc đầu tư, nâng cấp và cải thiện hoạt động quảng bá du lịch còn khiêm tốn, ngoài ra quá trình xây dựng đề án dài hạn cho du lịch nông nghiệp cũng chưa đồng bộ, chưa được quan tâm đúng mức; một số địa bàn thiếu nền tảng giao thông và thiếu hẳn các trung tâm mua sắm, dịch vụ du lịch, kèm theo năng lực hạn chế từ nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch biển.
Đối với tài nguyên để phát triển du lịch biển, ông Dương Hoàng Sum – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, khu vực tiểu vùng duyên hải phía Đông của ĐBSCL, gồm Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, có chiều dài đến 162km bờ biển, kèm theo nhiều tiềm năng tổ chức khai thác các loại hình kinh tế biển (giao thông vận tải, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch biển). Ngoài các tài nguyên trên, giá trị về văn hóa ẩm thực cũng tạo nên tính hấp dẫn riêng cho tiểu vùng duyên hải này như lễ hội Dừa Bến Tre; lễ hội Ok-Om-Bok Trà Vinh; lễ hội Trái cây Nam Bộ…
Mặc dù vậy, ông Sum cũng chỉ ra những con số biết nói, khi lượng khách du lịch đến với tiểu vùng duyên hải phía Đông của ĐBSCL hàng năm mới chỉ chiếm 1/10 của toàn khu vực ĐBSCL nhưng doanh thu chiếm đến 1/5, thể hiện ở việc chi tiêu của khách du lịch vượt trội so với các địa phương khác. Điều đó cho thấy, mức độ tận dụng tài nguyên cho phát triển kinh tế biển, du lịch biển, mới chỉ dừng lại ở vai trò là “điểm dừng chân” tạm thời; “tạm ghé qua” chứ chưa phải là “điểm đến” trọn vẹn của du khách.
Liên kết vùng, tạo sản phẩm du lịch đặc thù
Theo Ths. Nguyễn Thị Lan Hạnh (Đại học Sài Gòn), hiện riêng tại tiểu vùng duyên hải phía Đông đã có đề án về “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2030” và đề án về “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL), nên có nhiều cơ hội để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế biển.
Chuyên gia này gợi ý Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cần phải đi đầu trong việc kết nối các doanh nghiệp trong toàn vùng để hiến kế thúc đẩy phát triển. Trong đó, các giải pháp hiệu quả phải nhìn nhận dựa trên các hạn chế, thiếu hiệu quả trong khai thác các sản phẩm du lịch của mỗi địa phương từ lâu nay. Chẳng hạn, hệ thống giao thông vận tải kết nối đến các sản phẩm du lịch của mỗi địa phương còn hạn chế; tiểu vùng chưa có các sân bay nào, trong khi cũng không có đường sắt là những bất lợi về thu hút du lịch; hệ thống cơ sở lưu trú chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Giải pháp đặt ra là các địa phương ngoài việc phải cải thiện các hạn chế trên, cũng phải tính đến việc phát triển hệ thống dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, các sản phẩm du lịch bổ trợ,…tăng sức cạnh tranh của điểm đến du lịch.
Trong khi đó, ông Dương Hoàng Sum khuyến nghị các địa phương cần liên kết, hợp tác với nhau trong khai thác tài nguyên kinh tế biển. Trong đó, việc quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch cần được tích hợp, kết nối ở mọi tour du lịch, các triển lãm, hội chợ du lịch được tổ chức trên toàn vùng và cả nước.